Tổng chiều dài đường cao tốc đạt hơn 1.700km

Phát biểu mở đầu nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành giao thông vận tải đã đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực, đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Qua đó, đã cơ bản triển khai hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ đề ra, điển hình như: Công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 96,5% kế hoạch, 5 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 30% kế hoạch, tạo tiền đề cho ngành phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Tuấn Huy

Tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải cơ bản được bảo đảm, đã hoàn thành, đưa vào khai thác 566km đường bộ cao tốc từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nâng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào sử dụng là 1.729 km. Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án cao tốc nằm trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội được Bộ Giao thông vận tải và các địa phương triển khai quyết liệt, bám sát tiến độ được giao và sẽ khởi công trong cuối tháng 6-2023 theo đúng kế hoạch.

Tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh đạt nhiều kết quả tích cực; công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải tiếp tục được triển khai mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải tập trung, quyết liệt xử lý, tháo gỡ như tai nạn giao thông tuy đã được kéo giảm nhưng vẫn ở mức cao; sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi, quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa vẫn còn bộc lộ hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tiêu cực.

Địa phương có được đầu tư nâng cấp quốc lộ, cao tốc?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) về cơ chế cho phép địa phương được đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Giao thông đường bộ, các tuyến cao tốc, quốc lộ thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Giao thông vận tải. Các tuyến tỉnh lộ trở xuống thuộc trách nhiệm địa phương. Trong bối cảnh nguồn ngân sách có hạn, ngân sách Trung ương chỉ đáp ứng 66% đầu tư hạ tầng giao thông nên không thể đáp ứng được hết các tuyến đường, đặc biệt là quốc lộ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, nếu địa phương chung sức đầu tư cùng Trung ương là việc làm hết sức cần thiết, phù hợp. Bộ Giao thông vận tải sẽ xin ý kiến các bộ, ngành, tham mưu với Chính phủ và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho phép thực hiện thí điểm cơ chế trong lúc luật chưa sửa được, từ đó địa phương bố trí ngân sách tham gia cùng Trung ương để đầu tư, xây dựng các tuyến quốc lộ và cao tốc. Bên cạnh đó, nội dung này cũng được đưa vào dự thảo Luật Đường bộ sắp tới trình Quốc hội.

Liên quan đến vấn đề một số tuyến đường cao tốc có quy mô nhỏ, chỉ 2 làn xe, cần nâng cấp, mở rộng hoàn chỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc đầu tư cao tốc 4 làn xe hay 6-8 làn xe hoàn chỉnh là nhu cầu đúng đắn, cấp thiết. Thủ tướng Chính Phủ đã có chỉ đạo đầu tư tuyến cao tốc nào cần phải hoàn chỉnh tuyến đó. Tuy nhiên, vừa qua, nguồn lực đầu tư có hạn, một số tuyến đường bộ cao tốc chỉ có ngân sách làm 2 làn xe, chưa kể thời gian ban đầu lưu lượng không lớn. Hiện nay, có 5 tuyến đường bộ cao tốc 2 làn xe. Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành khác để tham mưu cho Chính phủ ưu tiên nguồn ngân sách đầu tư lên 4 làn xe hoàn chỉnh.

Cần đổi mới cơ chế tài chính cho lĩnh vực đăng kiểm

Với một số giải pháp cấp bách như giãn chu kỳ đăng kiểm với ô tô cá nhân đến 9 chỗ, miễn đăng kiểm cho xe đăng ký lần đầu, ùn tắc đăng kiểm được khắc phục, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắc Nông) nêu vấn đề, 75% trung tâm đăng kiểm hiện do doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện, với cơ chế tài chính hiện nay rất khó để trung tâm đăng kiểm duy trì hoạt động. Đơn cử như giãn chu kỳ đăng kiểm nên trung tâm đăng kiểm ít việc làm, đăng kiểm viên đi tìm việc khác, doanh nghiệp khó khăn. Vì vậy, thời gian tới cần đổi mới cơ chế tài chính của đăng kiểm vì bản chất đây là dịch vụ công, khi xã hội làm được thì Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện.

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 7-6. Ảnh: TUẤN HUY 

Trả lời băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm thời gian qua là rất nghiêm trọng, gây ra hệ lụy lớn, người dân, doanh nghiệp phải chờ đợi, vất vả. Có tới 600 người là cán bộ, công chức, viên chức, đăng kiểm viên bị khởi tố, hơn 100 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, ngay khi nhận công tác tại Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng đã chủ động nghiên cứu, điều chỉnh quy định đăng kiểm cho phù hợp thông lệ quốc tế, giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Giao thông vận tải triển khai cùng lúc 2 việc là khắc phục ùn tắc đăng kiểm và rà soát toàn bộ hoạt động đăng kiểm để bảo đảm chặt chẽ nhưng phải hiện đại, thông thoáng. Bộ đã ban hành các quy định về miễn đăng kiểm cho xe đăng ký lần đầu, giãn chu kỳ kiểm định, phù hợp với quy định các nước trong khu vực, giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. 

Cùng với đó là các giải pháp để hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường, trong đó có vấn đề về cơ chế tài chính, đưa giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá Nhà nước đang quản lý, để thị trường quyết định bởi hiện nay hơn 75% trung tâm đăng kiểm do doanh nghiệp quản lý. Qua đó, bảo đảm thu nhập cho đăng kiểm viên. Ngoài ra đang tập trung mạnh mẽ vào việc tuyển dụng, đào tạo cán bộ đăng kiểm, có lực lượng bố trí cho trung tâm đăng kiểm, đưa các dây chuyền đăng kiểm hoạt động trở lại bình thường. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tối đa kiểm định thủ công, đăng ký qua mạng, thanh toán qua mạng, đúng ngày giờ chủ phương tiện mang xe đến, không phải xếp hàng như trước đây.

MẠNH HƯNG