Từ 1950 đến 1979, Việt Nam tiến hành 3 cuộc cải cách giáo dục. Trong đó, cuộc cải cách lần thứ 3 được chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 1960 để sẵn sàng cho Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. GS.TS Phạm Tất Dong là nhân chứng của cả 3 cuộc cải cách đó.
GS.TS Phạm Tất Dong nguyên là Phó Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ông tham gia vào cuộc cải cách giáo dục đầu tiên ở tuổi 18, dạy những học trò tiểu học cũng 17, 18 tuổi tại vùng tự do Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Vài năm sau đó, khi đang trong cuộc cải cách giáo dục lần thứ 2, ông được cử đi đào tạo để phục vụ cho cuộc cải cách lần thứ 3. Nhưng phải 19 năm sau ngày chuẩn bị, cuộc cải cách lần 3 mới có thể bắt đầu.
Cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất diễn ra năm 1950. Tại sao lại là thời điểm này mà không phải ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945 - khi đất nước giành được độc lập, hoặc sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 - khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, thưa ông?
- Sau khi giành độc lập, đáng lẽ chúng ta đã tiến hành cải cách giáo dục, nhưng điều kiện khi ấy chưa cho phép. Năm 1946 toàn quốc kháng chiến, Chính phủ phải dời thủ đô lên Việt Bắc.
Tới năm 1950, sau chiến thắng biên giới, ta mở thông đường đến với các nước anh em xã hội chủ nghĩa, cơ hội thắng lợi trở nên rõ ràng. Bối cảnh đó đặt ra cho giáo dục những nhiệm vụ bức thiết, vừa phải phục vụ kháng chiến mạnh hơn vừa phải chuẩn bị cho việc kiến thiết đất nước sau chiến tranh.
Vì lẽ đó, cuộc cải cách giáo dục đã diễn ra ngay tại Việt Bắc. Khi đó tôi 16 tuổi.
Ở tuổi 16, tôi được đưa sang Trung Quốc để đào tạo giáo viên. Năm 1952, tôi về nước, chính thức trở thành giáo viên dạy chương trình cải cách mà trong tay không có cuốn sách giáo khoa nào.
Cũng phải kể thêm là, từ Trung Quốc trở về, tôi xin vào chiến trường Bình Trị Thiên. Tôi nghĩ, mình là thanh niên, chỗ nào khó thì mình đi. Ngày xưa xá gì gian khổ đâu. Nhưng vào đến Hà Tĩnh, lãnh đạo không cho đi tiếp.
Ông ấy bảo: "Anh trẻ thế này, vào chỉ độ một tháng là chết. Chiến trường khốc liệt lắm. Ai trẻ, được đào tạo bài bản thì tôi giữ không cho vào, để sau này kháng chiến thành công còn đóng góp cho đất nước". Xin thế nào cũng không được chấp nhận, tôi đành quay ra Thanh Hóa, trở thành thầy giáo.
Dạy chương trình cải cách mà không có một cuốn sách giáo khoa trong tay, ông gặp những khó khăn gì?
- Không có khó khăn gì đáng kể. Tôi được phân công dạy lớp 4, môn toán. Nơi tôi công tác là vùng Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, khi đó là vùng tự do. Vì quân ta thực hiện tiêu thổ kháng chiến nên cả thành phố Thanh Hóa lúc ấy toàn gạch vụn, tất cả đổ nát hết, chỉ còn duy nhất nhà thờ.
Học sinh lớp tôi hầu hết ngang tuổi tôi, 17-18 tuổi. Vào lớp là bỏ súng trường dựng vách, tan học lại vác súng đi chiến đấu.
Chương trình cải cách năm 1950 chủ yếu làm cho phổ thông. Để phục vụ kháng chiến, ta chủ trương rút bớt số năm học, xây dựng chương trình phổ thông 9 năm. Giáo viên chúng tôi được yêu cầu phải học thuộc lòng chương trình để vào vùng địch bằng tay không, về đến địa phương thì tự soạn bài lấy.
Tài liệu chương trình còn không có, lấy đâu ra sách giáo khoa.
Sau này, trong cuộc cải cách giáo dục lần thứ 2 thì có sách giáo khoa đấy, nhưng sách viết đơn giản lắm và mỗi trường chỉ có 1 bộ thôi. Các giáo viên phải dùng chung, soạn bài chung với nhau, rồi tự tìm thêm tài liệu. Song việc không có sách giáo khoa không phải khó khăn, cản trở gì với chúng tôi.
Đến bây giờ, tôi vẫn giữ quan điểm, viết nhiều sách giáo khoa là không cần thiết. Nhất là trong bối cảnh ngày nay, chỉ cần mở internet ra là tìm được tài liệu một cách dễ dàng.
Cuộc cải cách giáo dục lần thứ 2 diễn ra sau lần đầu chỉ 6 năm. Ông và các giáo viên thời đó đã thích ứng với chương trình cải cách mới như thế nào?
- Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng, nhiệm vụ mới của cách mạng là phải thống nhất được hai hệ thống giáo dục: hệ phổ thông 9 năm ở Việt Bắc cũng như các vùng kháng chiến và hệ phổ thông 12 năm mà Pháp thực hiện ở vùng tạm chiếm cũ. Cải cách giáo dục phải được tiến hành và chương trình phổ thông 10 năm ra đời.
Chương trình này chủ yếu sao chép từ Liên Xô, với quan điểm học để hành, học để làm ngay. Học sinh học xong cấp 2 là đi làm được rồi. Người lớn học xong bổ túc văn hóa có thể làm những việc trong các nhà máy, xí nghiệp.
Thậm chí đến giáo viên cũng đào tạo chỉ vài ba buổi là đi dạy. Thời đó, chúng tôi gọi đùa là giáo viên "gốc mít", vì đào tạo cho nhau dưới gốc cây. Giáo viên vừa làm vừa học. Người chưa giỏi hỏi người giỏi hơn. Chúng tôi thích ứng với chương trình cải cách như thế đó.
Nếu so sánh với bây giờ, có thể nói chất lượng giáo viên khi ấy "lôm côm". Nhưng lạ là, chưa bao giờ tôi nghe người dân phàn nàn về sách giáo khoa dở hay chương trình không ăn khớp, cũng chưa bao giờ nghe phản ánh giáo viên tiêu cực.
Đó là thời kỳ vô cùng hạnh phúc với giáo viên chúng tôi, dù nghèo, đói, thiếu thốn trăm bề. Nó hạnh phúc đến độ, thầy trò sau nửa thế kỷ gặp lại nhau vẫn xem nhau như anh em thân thiết.
Theo ông, thành tựu quan trọng nhất của cuộc cải cách giáo dục lần thứ 2 là gì?
- Ngoài thành tựu xóa mù chữ mà chúng ta hay nhắc đến, cuộc cải cách này còn tạo ra mô hình trường mới: đưa lao động sản xuất vào nhà trường, giáo dục đào tạo gắn liền với thực tiễn. 3 lá cờ đầu của mô hình trường học này là trường Bắc Lý - Hà Nam, trường thanh niên lao động chủ nghĩa xã hội Hòa Bình và hệ thống xã học tập Cẩm Bình - Hà Tĩnh.
Người ta từng cho rằng việc xây dựng mô hình bình dân học vụ 3 cấp, từ cấp 1 đến hết cấp 3 trong một xã là ảo tưởng. Nhưng kết quả là Cẩm Bình đã làm thành công. Cả 3 mô hình nói trên đều trở thành anh hùng.
Xin chia sẻ thêm về việc đưa lao động sản xuất vào trường học. Lúc bấy giờ, tôi được điều ra Hải Phòng dạy trường học sinh miền Nam số 14. Thầy trò chỉ học nửa buổi, nửa buổi còn lại phải lao động.
Chúng tôi làm mọi việc có thể để tăng gia sản xuất: tự làm phấn viết bảng, tự trồng rau, nuôi ngỗng để ăn, tự làm than quả bàng (loại than cám trộn với bùn nặn thành hình quả bàng) lấy chất đốt. Thừa thì bán cho người dân.
Tôi nhớ trường tôi nuôi hơn 1.000 con ngỗng. Mỗi buổi phân công 3 em học sinh đi chăn ngỗng. Chúng xua ngỗng ra cánh đồng, đi qua cầu Rào về phía Đồ Sơn, ngỗng kêu ầm ĩ đến vui tai.
Năm 1959, tức ở giai đoạn đầu của cuộc cải cách giáo dục lần 2, toàn bộ vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ cơ bản xóa mù chữ. Một nhiệm vụ quan trọng đã hoàn thành. Vậy từ thời điểm nào, Chính phủ đặt ra vấn đề cho cải cách lần thứ 3, thưa ông?
- Tôi nhớ năm 1960, Bộ Giáo dục đã bắt đầu chuẩn bị cho cải cách lần thứ 3. Tôi được cử đi học đại học. Những người được chọn đi đào tạo phục vụ cải cách lần 3 đều được học 2 khóa. Một khóa chuyên môn sâu và một khóa về giáo dục. Nên chúng tôi có hai bằng đại học.
Năm 1961, Viện Nghiên cứu giáo dục được thành lập, mục đích chính là làm cải cách giáo dục. Viện có các tổ nghiên cứu về cải cách giáo dục ở Liên Xô, Bulgaria cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Người chỉ đạo cao nhất là Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Chủ tịch Ủy ban cải cách giáo dục Trung ương, và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dưới quyền là hai bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và Tạ Quang Bửu. Việc chuẩn bị cho cải cách được tổ chức kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, năm 1965, Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, cuộc cải cách chưa thể triển khai. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, ta đã định làm ngay nhưng vì nhiều lý do khách quan mà phải trì hoãn. Phải sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, ta mới tiến hành được. Người trực tiếp thực hiện cải cách là bà Nguyễn Thị Bình - khi đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
So với 2 cuộc cải cách trước đó, nhiệm vụ của cuộc cải cách lần 3 có gì đặc biệt, thưa ông?
- Cuộc cải cách lần thứ 3 diễn ra vào thời kỳ đặc biệt, vì thế nó cũng mang những nhiệm vụ đặc biệt. Thống nhất đất nước, yêu cầu cách mạng đặt ra với giáo dục là phải thống nhất được hai nền giáo dục Bắc - Nam.
Lúc này, miền Bắc là hệ phổ thông 10 năm, chịu ảnh hưởng của Liên Xô, miền Nam là hệ phổ thông 12 năm, chịu ảnh hưởng của Pháp - Mỹ. Làm sao phải cải cách toàn bộ nội dung giáo dục phổ thông ở cả hai miền theo chương trình thống nhất trên cả nước.
Bên cạnh đó, sau năm 1975, miền Bắc đã xóa mù chữ, còn ở miền Nam, tỷ lệ mù chữ vào khoảng 30%. Để xóa mù chữ ở vùng mới giải phóng, cần có một lực lượng chi viện từ miền Bắc vào.
Ngoài những nhiệm vụ cấp bách, cuộc cải cách giáo dục lần 3 phải giải quyết được 3 mục tiêu: một là nuôi dưỡng trẻ từ ấu thơ đến trưởng thành, hướng tới hình thành người lao động làm chủ tập thể và phát triển toàn diện; hai là phổ cập giáo dục toàn dân, xây dựng quyền làm chủ tập thể cho nhân dân; ba là chuẩn bị tốt nhân lực để giải quyết tốt 3 cuộc cách mạng: cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất, cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật.
Đồng thời, nguyên lý giáo dục vẫn kế thừa từ cuộc cải cách lần thứ 2, đó là: học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội.
Giai đoạn 1979 đến trước đổi mới, những khó khăn của nền kinh tế bao cấp đã tác động không nhỏ đến cải cách giáo dục. Lạm phát 3 con số, đồng tiền mất giá, sản xuất không đủ dùng, đời sống giáo viên cực khổ.
Tuy thế, chúng tôi vẫn dạy học, vẫn viết sách giáo khoa - bộ sách đầu tiên dùng chung cho cả nước sau ngày thống nhất. Hầu hết cán bộ cao cấp hiện nay đều trưởng thành từ cuộc cải cách này.
Những ngày tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa đầu tiên cho đất nước Việt Nam thống nhất ấy, ông có những kỷ niệm đáng nhớ nào?
- Vài năm trước, tôi nằm viện. Chị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình) và nhiều đồng nghiệp cũ ở Viện Khoa học Giáo dục ghé thăm. Chị ấy nhắc lại thời chúng tôi làm sách. Rồi chị cười nói: "Chị em mình ngày ấy viết sách không được một xu nhỉ".
Đội ngũ viết sách có khoảng 200 người, viết cho các bộ môn từ lớp 1 đến lớp 12. Nguồn bồi dưỡng duy nhất có lẽ là bát phở "không người lái", chỉ có bánh phở và nước phở, trước giờ làm việc. Mà cũng chỉ thi thoảng mới có thôi.
Sau cuộc cải cách lần thứ 3, nền giáo dục nước nhà trải qua một số lần đổi mới và đang ở trong giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện. Ông nhìn nhận thế nào về cuộc đổi mới lần này?
- Đổi mới có ưu điểm là kịp thời và nhược điểm là khó đồng bộ. Trước cuộc cách mạng 4.0 này, nếu ta không tận dụng, không quyết liệt để làm một cuộc cách mạng giáo dục khi quốc gia chuyển đổi số thì sẽ rất đáng tiếc. Tôi vẫn hy vọng một cuộc cách mạng giáo dục lần thứ 4 chứ không chỉ là cải cách hay đổi mới.
Sở dĩ tôi hy vọng và ủng hộ một cuộc cách mạng như vậy là vì thế hệ trẻ của chúng ta đang dần đi vào một thế giới nghề nghiệp hoàn toàn mới lạ, cái thế giới mà chương trình giáo dục cũ không thể đáp ứng được. Thời đại nào, con người ấy. Nếu hôm nay anh dạy trẻ con bằng tri thức của quá khứ thì không cẩn thận anh sẽ đánh mất tương lai.
Ngoài ra, thế hệ Beta đầu tiên sinh ra vào giao thừa năm 2025 đã 4 tháng tuổi. Thế hệ Alpha đầu tiên đã sắp học xong trung học cơ sở. Thế hệ Z đầu tiên đã bắt đầu bước chân vào thị trường lao động. Con trẻ không chờ chúng ta mới trưởng thành.
Nếu có một cuộc cách mạng lần thứ 4, theo ông nền giáo dục sẽ phải giải quyết những mục tiêu gì?
- Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đều đã nói rất rõ ràng về mục tiêu. Đó là đào tạo ra những con người học tập suốt đời, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung để trở thành người có ích cho xã hội. Đó là bình dân học vụ số để phổ cập tri thức số, nâng cao kỹ năng số, xóa mù công nghệ cho toàn dân.
Để làm được hai việc đó, chúng ta cần một cuộc thay đổi tận gốc các vấn đề giáo dục.
Thêm vào đó, chúng ta đừng sợ chảy máu chất xám. Hãy tranh thủ tận dụng sự tuần hoàn chất xám. Hãy khuyến khích người Việt đi ra thế giới. Trong thế giới phẳng, một người không làm việc cho quốc gia mà làm việc cho quốc tế thì quốc gia vẫn được hưởng lợi. Nếu Việt Nam có nhiều giáo sư giảng dạy ở nước ngoài thì đó là điều tuyệt vời. Bởi người tri thức thực sự sẽ luôn tìm cách để trả nợ cho xã hội, cho đất nước.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Nội dung: Hoàng Hồng
25/04/2025 - 12:34
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/3-cuoc-cai-cach-giao-duc-tu-chien-khu-viet-bac-den-ngay-thong-nhat-20250425095705559.htm
Bình luận (0)