Con tôi hơn một tháng tuổi, hơi thở có tiếng khò khè như ngáy nhẹ, thỉnh thoảng thêm tiếng rít khi bú và ngủ. Bé có vấn đề gì về sức khỏe? (Trúc Quỳnh, Lâm Đồng)
Trả lời:
Trẻ sơ sinh thở khò khè khi ngủ và bú có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề ở hệ hô hấp. Phần lớn trường hợp do vi khuẩn tấn công khiến phế quản co thắt, sưng và phù nề, nhiều dịch tiết gây ứ đọng và tắc nghẽn cuống phổi hoặc phế quản. Do đó, bé hô hấp khó khăn, biểu hiện bằng hơi thở không đều, phát ra tiếng khò khè như tiếng ngáy nhẹ.
Đây cũng có thể là dấu hiệu của viêm tiểu phế quản – bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, chủ yếu do virus gây ra, thường xảy ra khi giao mùa hoặc trời chuyển lạnh. Bệnh khiến cơ thể trẻ tiết nhiều đờm và dịch nhầy, làm tắc nghẽn đường hô hấp.
Tiếp xúc với các chất gây dị ứng, khói bụi, thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho đờm và dịch nhầy tiết ra. Trẻ sơ sinh chưa thể tự làm sạch cổ họng như người lớn nên đờm và dịch nhầy tích tụ lại dẫn đến tắc nghẽn đường thở.
Trường hợp bé bị trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể hít phải một lượng nhỏ chất lỏng vào phổi, gây kích ứng, sưng phù đường hô hấp khiến khó thở. Ngoài ra, bất thường bẩm sinh mềm sụn thanh quản, có dị vật trong đường hô hấp, viêm thanh phế quản cấp tính, viêm amidan cấp tính, các bệnh tim mạch, khối u ở phổi… cũng khiến bé thở khò khè.
Nếu tình trạng không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ nguy hiểm như dẫn đến ngừng thở lúc ngủ. Do đó, phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện để được khám và điều trị sớm.
Với trường hợp nhẹ, bác sĩ hướng dẫn điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ bú đủ sữa và tăng cữ bú hàng ngày để bổ sung nước. Cha mẹ sử dụng một số dung dịch bù nước, bù điện giải cho trẻ sơ sinh cần tham vấn ý kiến của bác sĩ. Phụ huynh dùng dụng cụ hút mũi và nước muối sinh lý để vệ sinh mũi, loại bỏ chất nhầy ra khỏi đường hô hấp của trẻ theo các hướng dẫn của bác sĩ. Nên sử dụng các loại thuốc đúng liều, đủ lịch theo chỉ định.
Để chăm sóc tốt cho trẻ, phụ huynh cần giữ gìn vệ sinh môi trường sống, tránh khói bụi, ẩm mốc, khói thuốc lá, độ ẩm không khí không quá ẩm hay hanh khô; giữ ấm đúng cách vào mùa lạnh, nhất là các vùng cổ, ngực và mũi. Không để máy lạnh hay quạt hướng thẳng vào người, tránh cho bé tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh hô hấp và đến các nơi công cộng đông người.
Phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để tái khám khi thở khò khè kéo dài. Trẻ có một trong các biểu hiện nặng như nôn ói, sốt cao, khó thở, co rút lồng ngực khi hít thở, da tím tái, thở dốc, có hiện tượng ngưng thở đột ngột… cần được đưa đến bệnh viện ngay.
BS.CKI Hà Thị Nga
Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để được bác sĩ giải đáp |