Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

AFF Cup 2026 thử thách cho bóng đá Việt Nam

Một loạt thay đổi về lịch thi đấu, quy mô tổ chức và cách thức chọn lọc đến từ LĐBĐ Đông Nam Á đặt ra thách thức cho bóng đá Việt Nam, nếu như vẫn muốn giữ ngôi vương khu vực. 

Báo Công an Nhân dânBáo Công an Nhân dân26/05/2025

Khó lường với AFF Cup 2026 

Cuộc họp chiều 21/5 tại Thái Lan của Ban Thi đấu LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) có thể tạo ra một bước ngoặt lịch sử, ảnh hưởng lớn đến cục diện bóng đá khu vực. Theo đó, AFF Cup 2026 - giải bóng đá cấp độ đội tuyển quốc gia của Đông Nam Á ở kỳ thứ 16 trong lịch sử sẽ được tổ chức ở cột mốc thời gian lạ chưa từng thấy. 

Thay vì diễn ra theo mùa Thu hoặc mùa Đông như 15 kỳ trước đấy, tính từ năm 1996 đến 2014, AFF Cup 2016 sẽ dự định diễn ra vào mùa hè, với mốc thời gian từ 25/7 đến 26/8/2026. Theo quan điểm của số đông thành viên thuộc LĐBĐ Đông Nam Á, mùa giải chuyên nghiệp của các quốc gia trong khu vực đã có những thay đổi lớn, đồng bộ với hệ thống tổ chức của châu Á và châu Âu. Chính vì thế, nếu vẫn giữ nguyên lịch thi đấu “truyền thống”, tức là diễn ra vào cuối năm, các ĐTQG sẽ khó lòng hội quân với lực lượng tối ưu. Lý do đến từ phản ứng dữ dội từ các CLB, khi AFF Cup vốn không thuộc hệ thống thi đấu chính thức của FIFA. Đồng nghĩa, họ có quyền từ chối “nhả quân” cho các ĐTQG, nhằm đảm bảo quân số đủ dày dạn ở giai đoạn nước sôi lửa bỏng của mùa giải chuyên nghiệp. 

AFF Cup 2026 thử thách cho bóng đá Việt Nam -0
AFF Cup 2026 sẽ có thay đổi lớn về lịch thi đấu.

Hiển nhiên, với ý tưởng tổ chức vào mùa Hè đến từ Ban Thi đấu AFF, Thái Lan là quốc gia ủng hộ hơn cả. 10 năm qua, đội tuyển thuộc xứ chùa vàng luôn đau đầu mỗi khi AFF Cup diễn ra. Bởi nhiều CLB mạnh tại Thai League từ chối hỗ trợ cầu thủ cho “Bầy voi chiến”. Nhưng với mốc thời gian tổ chức được dịch lùi lại vào giữa năm, AFF Cup sẽ không bị “giẫm chân” quá sâu vào thời gian tổ chức Thai League. Nhờ vậy những Pathum, Bangkok United hay Buriram có thể cởi mở hơn trong việc để các trụ cột thi đấu cho ĐTQG Thái Lan. Câu chuyện tương tự cũng sẽ diễn ra với các đội tuyển khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Myanmar hay Campuchia. Riêng với Indonesia, đội tuyển nước này vẫn sẽ chịu ảnh hưởng nhất định, nếu vẫn giữ lực lượng nòng cốt đến từ châu Âu. Bởi mốc thời gian từ 25/7 đến 26/8 cũng là lúc các CLB phương Tây khởi động mùa giải mới.

Bất lợi cho bóng đá Việt Nam 

Về phần mình, chuyện AFF Cup thay đổi thời gian… không đem đến điều có lợi cho bóng đá Việt Nam. Thậm chí ở chiều ngược lại, “Những chiến binh sao Vàng” còn bị ảnh hưởng theo hướng bất lợi. Lý do là bởi trong các kỳ AFF Cup trước đó, khác với nhiều giải đấu trong khu vực, BTC và các CLB V.League luôn hậu thuẫn tối đa cho ĐTQG. Lấy ví dụ như tại AFF Cup 2024 (giải đấu mà ĐT Việt Nam lên ngôi vô địch), V.League chủ động thi đấu dồn trong giai đoạn tháng 9 và 10. Nhờ vậy, thầy trò HLV Kim Sang Sik có nguyên tháng 11 và 12/2024 và phần đầu năm 2025 để dồn toàn lực cho giải đấu. Các CLB cũng hỗ trợ tuyệt đối nhân sự cho ĐT Việt Nam. Thậm chí, tiền đạo Nguyễn Xuân Son còn kịp thời nhập tịch thành công để sẵn sàng bước vào tranh tài từ lượt cuối vòng đấu bảng giải đấu. 

Trong bối cảnh được V.League hậu thuẫn cộng thêm các đối thủ chịu ảnh hưởng từ chính giải VĐQG tương ứng, ĐT Việt Nam hưởng lợi từ chủ quan đến khách quan. Nhờ đó, thầy trò HLV Kim Sang-sik băng băng về đích ở vị trí số 1. Nhưng với bối cảnh hiện tại, AFF Cup đã điều chỉnh để phù hợp hơn với nhiều quốc gia Đông Nam Á. Khi ấy, Thái Lan hiển nhiên sẽ rộng đường triệu tập lực lượng tối ưu. Với Malaysia hay Indonesia, các anh tài xuất chúng ở giải quốc nội cũng sẽ được các CLB ủng hộ hơn trên đường lên tuyển. Rõ ràng, ĐT Việt Nam sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt hơn. Khả năng bảo vệ thành công chức vô địch của “Những chiến binh sao Vàng” cũng vì thế mà chịu nhiều thử thách. 

Còn nhớ tại AFF Cup 2020 và 2022 diễn ra trong 2 năm liên tiếp là 2021, 2022 (do ảnh hưởng của dịch COVID-19), khi Thái Lan triệu tập được lực lượng tối ưu, với nổi cộm là sự xuất hiện của Chanathip Songkrasin và Theerathon Bunmathan, ĐT Việt Nam được dẫn dắt bởi người tiền nhiệm Park Hang-seo đã không thể giành chức vô địch. 

Đồng ý rằng sự thay đổi về lịch thi đấu của AFF Cup sẽ giúp cho giải đấu thu hút được nhiều cầu thủ giỏi hơn. Tham vọng của các đội tuyển cũng nhờ vậy mà đẩy lên cao độ. Song trước tính cạnh tranh được đẩy lên ở mức cao, ĐT Việt Nam vô hình trung sẽ gặp bất lợi. Dẫu sao, núi cao đo bản lĩnh. Gian nan tỏ anh hùng. Đây cũng là thước đo chuẩn mực để đánh giá ĐT Việt Nam ở vị trí nào trên bản đồ bóng đá Đông Nam Á. 

Còn nhớ tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, Việt Nam của ông Park cũng từng gặp cả Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Sau cùng, “Những chiến binh sao Vàng” đã vượt qua tất cả 3 đội tuyển để giành vé vào vòng loại cuối cùng World Cup châu lục. Cần nhấn mạnh ở thời điểm ấy, cả 3 đối thủ trong khu vực đều dùng đội hình mạnh nhất! 

CLB V.League đối diện với lịch trình dày đặc 

Cũng trong cuộc họp của Ban Thi đấu AFF ngày 21/5, giải vô địch các CLB Đông Nam Á cũng mở rộng quy mô từ 12 lên 14 đội bóng. Theo kế hoạch mới được Ban thi đấu AFF thông qua, giải vô địch các CLB Đông Nam Á 2025/26 cũng được cập nhật với 5 giai đoạn: vòng play-off, vòng bảng, tứ kết, bán kết và chung kết. Đáng chú ý, giải đấu sẽ có sự góp mặt của các đại diện mạnh nhất đến từ 10 quốc gia thành viên Đông Nam Á. Vòng play-off dự kiến diễn ra ngày 8/8/2025. Sau đó, 14 đội sẽ chia thành hai bảng, thi đấu vòng tròn một lượt từ tháng 8/2025 đến tháng 2/2026 với tổng cộng 42 trận vòng bảng. Bốn đội đứng đầu mỗi bảng giành quyền vào tứ kết.
Các trận tứ kết (ngày 26/2 và 27/2/2026) và bán kết (ngày 6/5 và 13/5/2026) sẽ diễn ra theo thể thức loại trực tiếp hai lượt trận (lượt đi, lượt về). Hai trận chung kết cũng thi đấu theo thể thức sân nhà - sân khách, dự kiến tổ chức vào ngày 20/5 và 27/5/2026.

Việc mở rộng quy mô và điều chỉnh lịch thi đấu sẽ giúp giải đấu tăng sức cạnh tranh, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp trong khu vực. Tuy nhiên, tiêu chí chọn lọc đại diện quốc gia khu vực tham dự lại khiến CLB V.League có phần chùn bước. Lý do là bởi 2 đội vô địch V.League và Cúp Quốc gia Việt Nam sẽ được chọn tham dự giải. Song song với đó, 2 đội vô địch này cũng đại diện Việt Nam tranh tài ở AFC Champions League 2. Vô hình trung, những đội này sẽ phải căng mình ở 4 mặt trận, bao gồm 2 giải quốc tế (AFC Champions League 2 và giải vô địch các CLB Đông Nam Á) cùng 2 giải quốc nội (V.League, Cúp Quốc gia). Điều đó khiến cho các đội dễ rơi vào tình trạng quá tải, nhất là khi nền tảng tài chính khi tham dự các giải này khó lòng đáp ứng việc “nuôi” quân. 

Trường hợp Thanh Hoá “đứt gánh” giải AFC Champions League 2 mùa trước, do phải căng mình ở 4 mặt trận kể trên là một điển hình mà bóng đá Việt Nam không hề muốn lặp lại. 

Nguồn: https://cand.com.vn/the-thao/aff-cup-2026-thu-thach-cho-bong-da-viet-nam-i769499/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm