Sáng 28/5, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 46 cùng các hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự phiên thảo luận mở đầu với chủ đề “Lưới thông minh: Kết nối thông qua AI tự chủ”.
Đây là phiên thiết lập định hướng cho điễn đàn Kinh tế ASEAN – Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) năm 2025, với trọng tâm là trí tuệ nhân tạo (AI) tự chủ, chuyển đổi số toàn diện và vai trò hợp tác giữa ASEAN – GCC – Trung Quốc trong xây dựng hạ tầng số đáng tin cậy và toàn diện.
Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Công Thương Malaysia về việc phát triển nhân lực, hạ tầng và thể chế để ASEAN không tụt hậu trong cuộc đua AI, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển AI là xu thế tất yếu, là yêu cầu khách quan và cũng là lựa chọn chiến lược cần được ưu tiên hàng đầu. AI đang thâm nhập mọi khía cạnh đời sống, giúp tăng năng suất, cải thiện giao tiếp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đóng góp vào mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng chỉ rõ, ASEAN là khu vực năng động với dân số trẻ, đa dạng văn hóa, thị trường lớn; trong khi đó, GCC có thế mạnh về tài chính, công nghệ và năng lượng. Điều này mở ra cơ hội hợp tác rõ nét giữa hai khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực AI.
“Doanh nghiệp và người dân là trung tâm, chủ thể của quá trình kết nối và phát triển AI; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, hỗ trợ”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kêu gọi đẩy mạnh phối hợp toàn diện trên các lĩnh vực, từ giáo dục – đào tạo, giao lưu nhân dân, đến thiết kế thể chế linh hoạt và phát triển hạ tầng dữ liệu, điện và mạng lưới số. Theo Thủ tướng, việc xây dựng một thể chế quản trị AI vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vừa bảo đảm an toàn, kiểm soát được rủi ro là điều cốt lõi.
Trước câu hỏi về cơ hội và thách thức từ AI, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “AI có mặt tốt và mặt xấu, vấn đề là phải phát huy tối đa điểm tốt và hạn chế tiêu cực. Đây là bài toán toàn cầu, toàn dân, toàn diện”.
Thủ tướng cho rằng, không nên sợ hãi trước AI mà cần khuyến khích phát triển có kiểm soát, tạo dòng chảy AI xuyên suốt nhưng an toàn, hiệu quả, văn minh.
Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ quan điểm nhân văn khi nhấn mạnh: “Con người phát minh ra AI chứ không phải AI phát hiện ra con người, nên không thể để AI thắng con người hay thay thế toàn bộ con người, để con người mất hết việc làm hay mất hết sự sáng tạo”.
Thủ tướng cũng đề nghị các quốc gia cần bảo đảm tiếp cận AI một cách bình đẳng, không để quốc gia nào bị bỏ lại phía sau. Các nước giàu, nắm giữ công nghệ cần chuyển giao, hỗ trợ các nước nghèo và đang phát triển trong xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực, huy động tài chính và chuyển giao công nghệ cao, để cùng hướng đến phát triển bao trùm và toàn diện.
Chia sẻ về thực trạng Việt Nam cũng đang bị hạn chế trong tiếp cận công nghệ cao, Thủ tướng khẳng định: “Muốn tự chủ thì phải phát triển. Nếu được chuyển giao thì phát triển nhanh hơn, nếu không thì vẫn phải phát triển, càng áp lực càng nỗ lực, tạo động lực để đi lên”.
Khép lại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phát triển AI phải song hành với kiểm soát rủi ro, bảo đảm văn minh, nhân văn và an toàn. Cần có hạ tầng hiện đại, quản trị thông minh, thể chế thông thoáng để vừa thúc đẩy vừa kiểm soát được AI. Đồng thời, hợp tác giữa ASEAN – GCC – Trung Quốc là điều kiện quan trọng để phát huy tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển chung, cùng thắng, cùng hưởng thành quả, cùng vui niềm vui hạnh phúc.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/-ai-co-mat-tot-va-mat-xau-phai-phat-huy-toi-da-diem-tot/20250528024131801
Bình luận (0)