Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

An Giang: Lựa chọn phát triển cho vị trí đặc biệt, tiềm năng độc đáo

(Chinhphu.vn) – Sáng 14/7, Tỉnh ủy An Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025-2030”.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ14/07/2025

An Giang: Lựa chọn phát triển cho vị trí đặc biệt, tiềm năng độc đáo- Ảnh 1.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, ngành Trung ương, các nhà khoa học và địa phương tham gia hội thảo - Ảnh: VGP/LS

Tham gia hội thảo có Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan; GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; nguyên lãnh đạo tỉnh An Giang và Kiên Giang qua các thời kỳ; các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo 102 xã, phường trên địa bàn tỉnh.

Hoàn thiện định hướng phát triển tỉnh An Giang trong giai đoạn mới

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải nêu rõ: Tỉnh An Giang đang đứng trước một thời cơ lịch sử để phát huy vai trò "trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, trở thành vùng kinh tế năng động", bởi An Giang hội tụ đủ các yếu tố "đồng bằng, đồi núi, biển đảo, biên giới", có tiềm năng lớn về nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế biên mậu, logistics, du lịch và đô thị thông minh, nhất là du lịch chất lượng cao.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2025, sau hợp nhất là trên 8,1%; thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược đạt kết quả tích cực, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối, tỉnh đạt và vượt 31/40 chỉ tiêu nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025-2030 xác định mục tiêu đến năm 2030, tỉnh An Giang là tỉnh khá của cả nước, là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, đặc khu Phú Quốc đạt tầm cỡ quốc tế, Rạch Giá là trung tâm chính trị, hành chính, thương mại, dịch vụ tổng hợp, vùng tứ giác Long Xuyên – Châu Đốc – Rạch Giá – Hà Tiên là động lực phát triển công nghiệp, logistics và du lịch văn hóa, sinh thái, trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu, phát triển kinh tế biên mậu…

Để hoàn thiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số nhóm vấn đề trọng tâm của tỉnh: Định hướng phát triển tỉnh An Giang, các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá chiến lược; những định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; định hướng quy hoạch để tỉnh An Giang phát triển nhanh, hài hòa và bền vững, đặc biệt phát triển Phú Quốc thành đặc khu tầm cỡ quốc tế; cách tiếp cận tích hợp kinh tế biển, kinh tế biên mậu và nội địa, trở thành các động lực tăng trưởng mới của kinh tế An Giang.

Đồng thời, cho ý kiến về tăng trưởng phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh, định hướng cơ cấu kinh tế của các ngành; các đột phá của tỉnh An Giang trong giai đoạn mới; các giải pháp bảo đảm an ninh, sinh kế, văn hóa và môi trường bền vững; cơ chế vận hành chính quyền 2 cấp; kinh nghiệm quốc tế về các vấn đề phát triển; giải pháp bảo đảm quốc phòng và an ninh, đối ngoại và góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030.

An Giang: Lựa chọn phát triển cho vị trí đặc biệt, tiềm năng độc đáo- Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/LS

Quyết tâm lớn lao, chuyển hóa áp lực thành thời cơ trong thời điểm lịch sử

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh: Tỉnh An Giang có vị trí địa chính trị, kinh tế rất đặc biệt và độc đáo. Đó là tiềm năng và thế mạnh vượt trội, sở hữu 3 đặc khu, trục giao thông hàng hải quốc tế, nông nghiệp xanh – tuần hoàn – công nghệ cao, du lịch đa dạng – đặc sắc, kinh tế biên mậu năng động quy mô dân số và diện tích rất lớn với 102 xã, phường…

Tỉnh An Giang cần nhanh chóng tổ chức vận hành thông suốt, hiệu quả các chính quyền mới, nhất là cấp xã, phường hiện nay, bởi cấp này đang "gánh vác" trách nhiệm rất lớn trong việc hoạch định kế hoạch phát triển của địa phương, mối quan hệ cấp xã và cấp tỉnh về chỉ đạo tổ chức thực hiện, cấp xã giải quyết các vấn đề dân sinh sát sườn của người dân, bảo đảm tốt nhất đời sống của nhân dân…

Chọn lựa đội ngũ và bố trí cán bộ là vấn đề sống còn trong hệ thống chính trị, nhất là cấp xã, phường, cần giữ được người tài, người giỏi cống hiến cao nhất cho bộ máy; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, như ứng dụng AI trong đời sống xã hội, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh An Giang thời gian tới.

Đề cập đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang, PGS.TS. Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, An Giang có quy mô kinh tế lớn nhất vùng Tây Nam Bộ, du lịch bằng 15% cả nước, dân số gần 5 triệu người (đứng thứ 3 cả nước)... Với những lợi thế so sánh rất độc đáo và đặc biệt ấy, ông Bùi Minh Huyền đặt vấn đề: An Giang lựa chọn định hướng phát triển nào trong tương lai?

Theo PGS.TS. Bùi Văn Huyền, đó là phát triển hỗn hợp là lựa chọn phù hợp với 6 định hướng lớn là: 1 nhất thể (hợp nhất 1 tỉnh, tạo ra một tầm nhìn, một hành động, một niềm tin), 2 trục kết nối (trục nội vùng với tuyến Vàm Cống – Rạch Sỏi là tuyến dọc xương sống thúc đẩy kinh tế tổng hợp hướng đến kết nối Hà Tiên và Phú Quốc; trục ngang cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng để kết nối với ĐBSCL hướng ra cảng Trần Đề), 3 đột phá (đột phá về kinh tế, đột phá hạ tầng, đột phá ứng dụng CNTT và chuyển đổi số); 4 trụ cột phát triển (phát triển về KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển kinh tế tư nhân; hoàn thiện thể chế phát triển; tăng cường hội nhập, hợp tác, liên kết vùng – quốc tế); 5 vùng trọng điểm (gồm Rạch Giá, Long Xuyên, Phú Quốc, Châu Đốc, Hà Tiên), 6 danh mục phát triển (gồm: Đề án rà soát lại quy hoạch, đề án phát triển tứ giác Long Xuyên, đặc khu Phú Quốc, kinh tế cửa khẩu, kinh tế biển; đề án phát triển kinh tế tư nhân; chương trình phát triển hạ tầng; đề án phát triển nguồn nhân lực; đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh).

Ở một góc nhìn khác, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, trong bối cảnh thế giới bất thường vì bất ổn dẫn đến bất trắc rất cao hiện nay, chúng ta phải có suy nghĩ và nhận thức khác, bởi những cái mới. 

Chúng ta đang đứng trước thời cơ lịch sử của đất nước. "Điều này đòi hỏi chúng ta phải có một quyết tâm lớn lao để không bỏ lỡ thời cơ lịch sử này. Do đó, cần những giải pháp đột biến và đột phá để chuyển hóa những áp lực đó thành thời cơ phát triển với những chiến lược thông minh để giải bài toán này", TS. Trần Đình Thiên phân tích.

An Giang: Lựa chọn phát triển cho vị trí đặc biệt, tiềm năng độc đáo- Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan: An Giang mới, không chỉ là mở rộng về diện tích, địa giới, mà là một không gian cơ hội mới - Ảnh: VGP/LS

Nhiều giải pháp tổng thể đưa An Giang phát triển nhanh và hài hòa

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh: An Giang – Kiên Giang đã hợp lực trong dáng hình của tỉnh An Giang mới, không chỉ là mở rộng về diện tích, địa giới, mà là một không gian cơ hội mới. An Giang giờ đây vừa là đầu nguồn, vừa là cuối sông; vừa có đất ngập nước, vừa có đất chuyển tiếp ra biển; vừa là vùng sản xuất, vừa là hệ sinh thái đa dạng, độc đáo.

An Giang giờ đây là vùng đất hội tụ: Rừng tràm, đất phèn, đồng lúa, núi thiêng và sông lớn; có sông Hậu, có kênh Vĩnh Tế, có biển Tây, có biên giới với nước bạn Campuchia; những cánh đồng tôm - lúa luân canh, những vùng nuôi trồng thủy sản ven rừng, ven biển, ven đảo, những lễ hội tôn giáo đa dạng, những khu du lịch thu hút đông đảo du khách, những làng chài, làng nghề nông gắn bó bao đời.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nông nghiệp An Giang cần tích hợp đa tầng, đa lĩnh vực để tối ưu hóa giá trị trên từng đơn vị diện tích

Theo đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tư duy kinh tế, trong kỷ nguyên trí thông minh nhân tạo và định hướng kinh tế xanh, là yêu cầu cấp thiết. Thay vì phân ngành đơn lẻ, chia tách nông nghiệp với lâm nghiệp hay ngư nghiệp, cần tiếp cận theo tư duy mới: Nông nghiệp như một hệ sinh thái đa tầng, đa lĩnh vực, nơi mọi giá trị được tích hợp, gắn kết chặt chẽ.

Đó là giá trị sinh thái với tăng trưởng, phát triển ngành nông nghiệp mà không làm tổn thương đến chất lượng đất, nguồn nước, rừng, nguồn lợi thuỷ sản, không gây tác động tiêu cực đến môi trường.

Giá trị kinh tế gắn với tăng năng suất, nhưng phải đảm bảo chất lượng, đa dạng sản phẩm, gắn với nhu cầu, yêu cầu liên tục thay đổi của thị trường toàn cầu; không chỉ quan tâm đến giá bán, mà còn chú trọng tối ưu chi phí sản xuất, tối ưu chi phí đầu vào một cách hiệu quả; thúc đẩy sức mạnh của kinh tế hợp tác, của mua chung – bán chung, của "chia sẻ lợi ích – san sẻ rủi ro".

Bên cạnh đó là giá trị xã hội - văn hóa, gắn nông nghiệp với nâng cao năng lực cộng đồng, với du lịch, giáo dục, bản sắc văn hóa, với tài nguyên bản địa.

Với giá trị công nghệ - tri thức được sản xuất gắn với ứng dụng các tiện ích thông minh, chuyển đổi số, dự báo biến đổi khí hậu.

"Giá trị đổi mới sáng tạo của An Giang không chỉ là 'vùng nguyên liệu', mà còn là vựa ý tưởng mới", Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan bày tỏ.

Lê Sơn


Nguồn: https://baochinhphu.vn/an-giang-lua-chon-phat-trien-cho-vi-tri-dac-biet-tiem-nang-doc-dao-102250714114013444.htm


Chủ đề: an giang

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm