Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hồ Văn Mừng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Vì thế, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền giáo dục mới, trước hết là xóa nạn mù chữ cho người dân.
![]() |
Quang cảnh buổi phát động. |
Có thể nói, phong trào Bình dân học vụ đã tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục của đất nước. Việc sớm xóa nạn mù chữ là yếu tố vô cùng quan trọng để đưa đất nước ta phát triển và đổi mới như ngày nay.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhấn mạnh: “Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và Nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng”.
Phong trào “Bình dân học vụ số” được triển khai hưởng ứng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt các nhà giáo ngày 18/11/2024, trong đó nhấn mạnh việc phổ cập tri thức chuyển đổi số là nhiệm vụ cấp thiết.
Tại An Giang, thông qua Phong trào “Bình dân học vụ số", nhân dân trên địa bàn tỉnh có nền tảng học tập và trang bị kiến thức, kỹ năng số cần thiết để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày nhằm nắm bắt, tận dụng, khai thác, thụ hưởng những thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mang lại.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã phối hợp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam xây dựng ứng dụng “Học tập suốt đời” trên nền tảng SmartAnGiang để hưởng ứng phong trào, cung cấp những kiến thức, kỹ năng số cơ bản cho người dân trên địa bàn tỉnh tham gia học tập.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh An Giang sẽ triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, bao gồm: Phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số cho từng nhóm đối tượng; triển khai các mô hình, phong trào lan tỏa kỹ năng số cho cộng đồng, như “Chợ số - Nông thôn số”, “Mỗi công dân - Một danh tính số” và “Tổ công nghệ số cộng đồng”, Chiến dịch thanh niên chung tay phổ cập kỹ năng số…
Để phong trào “Bình dân học vụ số” thành công, cả hệ thống chính trị tỉnh An Giang phải coi việc thực hiện Phong trào là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp xây dựng kế hoạch hưởng ứng, thành lập các mô hình cụ thể và trực tiếp triển khai thực hiện; Cán bộ, đảng viên cần tiên phong, gương mẫu trong học tập, rèn luyện và lan tỏa kỹ năng số…
Nguồn: https://nhandan.vn/an-giang-phat-dong-phong-trao-binh-dan-hoc-vu-so-post880707.html
Bình luận (0)