Cà Mau sở hữu đường bờ biển dài hơn 254 km, tiếp giáp cả biển Ðông lẫn Vịnh Thái Lan, cùng vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn. Chính điều kiện tự nhiên thuận lợi này đã tạo nên lợi thế to lớn cho tỉnh trong phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế biển như: nuôi và khai thác thuỷ sản, cảng biển, dịch vụ logistics, năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái biển.
Theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 và Quy hoạch vùng ÐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Cà Mau được định hướng là trung tâm tiểu vùng ven biển, trung tâm năng lượng và chế biến thuỷ sản của vùng, đồng thời là trung tâm du lịch sinh thái và dịch vụ dầu khí quốc gia.
Ông Ngô Văn Huynh, Phó giám đốc Sở Tài chính, cho biết, với vị trí cửa ngõ phía Nam đất nước, Cà Mau là một trong những địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi bậc nhất để phát triển kinh tế biển. Không chỉ có trữ lượng thuỷ sản phong phú, tỉnh còn có dư địa rất lớn để phát triển các lĩnh vực, như cảng nước sâu, năng lượng sạch và du lịch biển, đảo.
Ðặc biệt, tôm là mặt hàng chiến lược của tỉnh. Cà Mau hiện dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng tôm nuôi, với hơn 300.000 ha canh tác, đóng góp khoảng 40% sản lượng tôm xuất khẩu toàn quốc. Ðây là nền tảng vững chắc để ngành chế biến thuỷ sản phát triển ổn định, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực thực phẩm xuất khẩu và công nghệ nuôi biển.
Hệ thống cảng cá, khu neo đậu và hậu cần nghề cá đang tiếp tục được đầu tư mở rộng.
Ðể hiện thực hoá mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống giao thông, cảng biển và hạ tầng năng lượng. Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, thuộc trục Bắc - Nam phía Tây đang được khẩn trương triển khai. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian kết nối giữa Cà Mau với các trung tâm kinh tế lớn như: TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và vùng Ðông Nam Bộ.
Cảng Hòn Khoai được quy hoạch thành cảng nước sâu cấp quốc gia, đang mở ra cơ hội lớn cho tỉnh trong phát triển logistics, thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng khu vực. Cùng với đó, hệ thống cảng cá, khu neo đậu và hậu cần nghề cá đang tiếp tục được đầu tư mở rộng.
Tỉnh đang đề xuất phát triển cụm đảo Hòn Khoai thành vùng kinh tế trọng điểm gắn với quốc phòng - an ninh, trong đó Cảng nước sâu Hòn Khoai sẽ giữ vai trò trung tâm xuất khẩu và trung chuyển quốc tế.
Về năng lượng, Cà Mau là một trong những trung tâm điện khí lớn của cả nước, với cụm Khí - Ðiện - Ðạm Cà Mau đã vận hành ổn định nhiều năm. Hiện nay, tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi và điện khí LNG. Ông Ngô Văn Huynh nhận định, các dự án năng lượng sạch đang được triển khai tích cực, hứa hẹn đưa Cà Mau trở thành cứ điểm sản xuất điện tái tạo quan trọng tại miền Nam.
Xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt thúc đẩy phát triển, tỉnh không ngừng cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, tinh gọn bộ máy và tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng. Ông Huynh cho biết, tỉnh cam kết hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư trong tiếp cận đất đai, thủ tục pháp lý, tín dụng và đào tạo nguồn nhân lực.
Ngoài ra, Cà Mau ban hành nhiều chính sách ưu đãi đặc thù cho các dự án kinh tế biển: miễn giảm thuế, hỗ trợ hạ tầng, bố trí đất sạch tại khu công nghiệp và khu kinh tế ven biển. Ðội ngũ lao động trẻ, hệ thống đào tạo nghề đang được nâng cấp là yếu tố cộng hưởng giúp nhà đầu tư an tâm khi triển khai dự án.
Theo quy hoạch năng lượng, tiềm năng điện tái tạo của Cà Mau ước đạt 12.000 MW. Hiện đã có 14 dự án điện gió được chấp thuận chủ trương đầu tư (tổng công suất 800 MW), cùng hơn 1.200 công trình điện mặt trời mái nhà (trên 110 MWp). Chính phủ cũng đã chấp thuận xây dựng đề án xuất khẩu điện năng từ Cà Mau, một đòn bẩy quan trọng để đưa tỉnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng năng lượng quốc tế.
Ngoài năng lượng, du lịch biển, đảo đang trở thành hướng đi mới. Các điểm đến như: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, rừng U Minh Hạ hay cụm đảo Hòn Khoai... đang được đầu tư để phát triển du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm văn hoá bản địa.
Với lợi thế tự nhiên độc đáo, vị trí địa lý chiến lược, hạ tầng ngày càng hoàn thiện và môi trường đầu tư minh bạch, Cà Mau đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh tế biển.
Cà Mau hiện được xác định là một trong những địa phương có vai trò chiến lược trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 và Quy hoạch vùng ÐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Cà Mau được định hướng là trung tâm tiểu vùng ven biển, trung tâm năng lượng và chế biến thuỷ sản của vùng, đồng thời là trung tâm du lịch sinh thái và dịch vụ dầu khí quốc gia.
Các dự án lớn đang và sắp triển khai tại Cà Mau bao gồm: tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (hoàn thành năm 2025), cao tốc Cà Mau - Ðất Mũi, nâng cấp Cảng Hàng không Cà Mau, Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai và tuyến đường kết nối ra đảo Hòn Khoai. Ngoài ra, tỉnh đang đề xuất phát triển cụm đảo Hòn Khoai thành vùng kinh tế trọng điểm gắn với quốc phòng - an ninh, trong đó Cảng nước sâu Hòn Khoai sẽ giữ vai trò trung tâm xuất khẩu và trung chuyển quốc tế.
Hồng Phượng
Nguồn: https://baocamau.vn/day-manh-thu-hut-dau-tu-vao-kinh-te-bien-a39130.html
Bình luận (0)