Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam không chỉ là biểu tượng cho tinh thần độc lập, tự do, mà còn là tấm gương cao cả cho tinh thần học hỏi và khả năng vận dụng sáng tạo tinh hoa văn hóa, tư tưởng của nhân loại.

Từ Tuyên ngôn độc lập đến Nhà nước vì dân: Kết tinh bản sắc Việt và tinh hoa nhân loại

Ngay từ những dòng đầu tiên của bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm nhìn vượt thời đại và khát vọng hòa nhập của Việt Nam vào dòng chảy tiến bộ của thế giới. Việc trích dẫn nguyên văn những giá trị cốt lõi trong Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776 - "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" - không chỉ là một hành động ngoại giao khéo léo mà còn là sự khẳng định mạnh mẽ về quyền tự quyết và khát vọng độc lập chính đáng của dân tộc Việt Nam.

Bằng cách đặt tuyên ngôn của một cường quốc có ảnh hưởng toàn cầu bên cạnh tuyên ngôn khai sinh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngầm khẳng định vị thế bình đẳng và khát vọng vươn lên của một quốc gia vừa giành được độc lập.

báC HỒ.jpeg
Sinh thời, Bác Hồ là người biết nhiều ngoại ngữ và luôn học hỏi tinh hoa thế giới để áp dụng vào con đường cách mạng.

Tư tưởng xây dựng một "Nhà nước của dân, do dân và vì dân" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì theo đuổi cũng cho thấy sự tiếp thu và vận dụng sáng tạo những giá trị tiến bộ của thế giới. Tinh thần này mang đậm dấu ấn trong diễn văn Gettysburg nổi tiếng năm 1863 của Tổng thống Abraham Lincoln: "...Một chính quyền của dân, do dân, vì dân sẽ không bao giờ biến mất khỏi trái đất này". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa của một nhà nước thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân xây dựng và phục vụ lợi ích của nhân dân. Đây không chỉ là một khẩu hiệu mà đã trở thành kim chỉ nam cho quá trình xây dựng và phát triển nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hành trình khám phá và chắt lọc tinh hoa toàn cầu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người uyên bác, thông thạo nhiều ngoại ngữ và luôn giữ tinh thần học hỏi không ngừng. Hành trình bôn ba qua nhiều quốc gia đã giúp Người tiếp xúc với các nền văn hóa, hệ tư tưởng và kinh nghiệm chính trị tiên tiến trên thế giới. Từ trải nghiệm thực tiễn cùng quá trình nghiên cứu sâu rộng, Người chắt lọc những tinh hoa tiến bộ, rồi vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để xây dựng một nhà nước độc lập, dân chủ, hạnh phúc.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” và chọn tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Cách đặt tên gần gũi, dễ hiểu nhưng hàm chứa tư tưởng chính trị sâu sắc, phản ánh khát vọng dân tộc và tinh thần thời đại.

Từ khi hoạt động tại Trung Quốc (cuối 1924), Người đã nghiên cứu sâu cách mạng Trung Quốc, đặc biệt kính trọng Tôn Trung Sơn và chủ nghĩa Tam dân: “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”. Việc ban hành Sắc lệnh số 49 năm 1945, xác lập tiêu ngữ quốc gia, cho thấy sự kế thừa có chọn lọc và vận dụng sáng tạo tư tưởng này vào hoàn cảnh Việt Nam.

BÁC HỒ 2.jpeg
Lối sống giản dị, yêu lao động của Bác Hồ.

Sự cao thượng và tầm nhìn xa của Bác còn được thể hiện rõ qua câu chuyện từ chối nhận Huân chương Sao Vàng năm 1963.

Theo sách Hồ Chí Minh toàn tập (tập 11), trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II (năm 1963), đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 73 ngày sinh của Bác, các đại biểu đề nghị Quốc hội trao tặng Bác Hồ Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Biết tin ấy, Bác rất cảm động, bày tỏ sự biết ơn, nhưng xin phép chưa nhận. Lý do Người đưa ra là tự xét thấy công lao của mình chưa xứng đáng với sự tôn vinh ấy khi miền Nam vẫn còn chịu cảnh khổ cực dưới ách áp bức. Bác thể hiện mong muốn: "Chờ đến ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, bắc nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền nam trao cho tôi huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng".

bác ly đã sửa.jpeg
GS. Lê Viết Ly luôn coi tấm gương hiếu học của Bác Hồ là kim chỉ nam trong việc dạy bảo con cháu.

Danh nhân văn hóa thế giới, vị lãnh tụ giản dị, gần dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới, một sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và những giá trị văn hóa Người để lại. Tuy nhiên, đối với tôi và những người dân Việt Nam may mắn được gặp Bác Hồ trong cuộc đời, hình ảnh sâu đậm nhất về Người không chỉ là một Danh nhân văn hóa mà còn là một nhà yêu nước vĩ đại, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, và trên hết, là vị lãnh tụ giản dị, gần dân.

Tinh thần học hỏi, sự vận dụng sáng tạo tinh hoa thế giới và tình yêu bao la dành cho dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là nguồn cảm hứng và bài học sâu sắc cho các thế hệ người Việt Nam. Tên Người đã hòa quyện vào tên đất nước, trở thành một biểu tượng thiêng liêng trong từng câu ca, lời hát, vần thơ: "Việt Nam Hồ Chí Minh". 

Mỗi dịp sinh nhật trong những năm cuối đời, Bác Hồ thường làm gì?Kể từ năm 1965, cứ vào mỗi dịp sinh nhật, Bác Hồ lại làm một việc đặc biệt.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/bac-ho-hoc-tap-va-tiep-thu-tinh-hoa-the-gioi-2402435.html