Không chỉ là không gian trưng bày nhiều hiện vật đa dạng, sinh động về văn hóa và con người Bạc Liêu qua nhiều thời kỳ, Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu còn mang hơi thở của văn hóa cộng đồng 3 dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa. Trong đó, không gian văn hóa Khmer mang đến người xem ấn tượng về đời sống mộc mạc, bình dị của một cộng đồng giàu bản sắc trên mảnh đất Bạc Liêu.
KHÔNG GIAN VĂN HÓA CỦA 3 DÂN TỘC ANH EM
Với thiết kế gồm 3 tầng, tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu thì mỗi tầng như một chương riêng trong câu chuyện kể về vùng đất và con người nơi đây. Tầng 1 trưng bày chuyên đề về lịch sử hình thành, địa giới hành chính và môi trường tự nhiên của tỉnh – phần “mở đầu” giúp người xem định hình bối cảnh địa lý và dòng chảy thời gian từ thời xa xưa.
Lên đến tầng 2, cánh cửa của văn hóa được mở ra, dẫn dắt du khách bước vào thế giới của nền văn hóa Óc Eo và không gian sinh hoạt tinh thần của 3 dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa. Mỗi khu vực được thiết kế theo mạch kể riêng biệt nhưng vẫn hài hòa trong tổng thể. Nổi bật trong tầng trưng bày này là không gian văn hóa Khmer – rực rỡ, sống động và đầy xúc cảm. Những mái chùa Khmer với hoa văn chạm khắc tinh xảo, nhạc cụ lễ hội như bộ nhạc ngũ âm… nhắc nhớ người xem về những mùa lễ hội lớn của đồng bào Khmer như Chôl-chnăm-thmây, Sen Đôn-ta, Oóc-om-bóc ở nhiều phum sóc.
Chính sự kết hợp giữa hiện vật, mô hình và hình ảnh tư liệu đã biến không gian tầng 2 trở nên sinh động hơn, đưa du khách bước vào một “hành trình” đầy màu sắc của di sản Bạc Liêu. Không chỉ trưng bày nhạc cụ, nơi đây còn giới thiệu mô hình các món ăn truyền thống của đồng bào Khmer. Các trang phục lễ của đồng bào Khmer được trình bày chỉn chu, thể hiện tính biểu tượng và thẩm mỹ trong từng đường kim mũi chỉ. Đặc biệt, những công cụ gắn liền với đời sống nông nghiệp như vòng gặt, phảng, nọc cấy, kẹp đập lúa… được tái hiện đầy đủ. Khách tham quan được tận mắt thấy vòng gặt lúa của người Khmer được làm giống hình chữ S, trong khi vòng gặt của người Kinh lại có hình chữ V. Sự khác biệt này thể hiện sự sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp và còn minh chứng cho bản sắc văn hóa độc đáo của người Khmer.
Không gian văn hóa Khmer được bố trí trực quan, hiện đại tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: T.N
ĐƯA VĂN HÓA KHMER ĐẾN GẦN HƠN VỚI CÔNG CHÚNG
Trước kia, muốn thấy tận mắt những vật dụng quen thuộc như nông cụ, phục trang truyền thống, bộ nhạc ngũ âm thì người ta thường phải về tận các phum sóc hoặc được chiêm ngưỡng tại các mùa lễ hội của đồng bào Khmer. Giờ đây, tất cả đã được trưng bày trong một không gian hiện đại, dễ tiếp cận với những hình ảnh, thông tin qua màn hình Led cùng lời giới thiệu truyền cảm của thuyết minh viên Bảo tàng.
Nhờ sự sắp đặt hợp lý, không gian văn hóa Khmer tại bảo tàng trở nên gần gũi, thân thiện với mọi lứa tuổi. Từ học sinh – sinh viên đến du khách trong và ngoài tỉnh đều có thể tìm hiểu nguồn gốc, công dụng của công cụ canh tác, các nghi lễ truyền thống, giá trị tinh thần của đồng bào Khmer một cách trực quan và sinh động. Việc kết hợp mô hình, hình ảnh và hiện vật được số hóa mang đến những góc nhìn đa chiều và những trải nghiệm thú vị khi người xem được “nhìn”, “nghe” và “cảm nhận” đúng nghĩa. Bên cạnh đó, không gian văn hóa 3 dân tộc nói chung, không gian văn hóa Khmer nói riêng còn giúp thế hệ trẻ nhận thức được sự phong phú trong di sản văn hóa của Bạc Liêu, từ đó khơi gợi lòng tự hào và ý thức gìn giữ những giá trị truyền thống, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Phương Anh (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) cùng gia đình đến tham quan và chia sẻ: “Tham quan Bảo tàng giúp tôi hiểu nhiều hơn về quê hương của mình, cũng như hiểu thêm về văn hóa của đồng bào Khmer. Tôi nghĩ đây là cách rất hay để giữ gìn văn hóa dân tộc”.
Với cách trưng bày sinh động, hiện đại, Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu có thể xem như một điểm “du lịch tại chỗ” – nơi người dân và du khách có thể tìm về giá trị cội nguồn của vùng đất Bạc Liêu mà không cần đi xa. Hơn hết, Bảo tàng đã góp phần đưa văn hóa Khmer ra khỏi ranh giới địa lý để đến gần hơn với trái tim công chúng. Đó là một trong những cách mà Bạc Liêu góp phần gìn giữ di sản bằng việc kể lại câu chuyện của mình một cách chân thành, trân trọng và đầy nghệ thuật.
BÙI TUYẾT
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/sac-mau-khmer-trong-long-bao-tang-bac-lieu-100750.html