Cùng với nhiều chương trình đặc sắc như trình diễn thiết bị bay không người lái (drone), diễu hành thuyền hoa đăng, biểu diễn các hoạt động thể thao dưới nước…, chương trình rong diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ trên bến Bạch Đằng (sông Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh) đã góp sắc màu độc đáo trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa qua.
ĐCTT cần được dựng lên hoành tráng hơn nữa, hoặc lồng ghép vào những chương trình đặc biệt như vậy để tạo thêm dấu ấn xứng tầm giá trị là di sản của nhân loại.
Di sản quốc tế hòa điệu cùng đại lễ
Chương trình rong diễn ĐCTT do Trung tâm Văn hóa và Triển lãm TP. Hồ Chí Minh tổ chức diễn ra tại một sân khấu đặc biệt, trong một không gian của văn hóa sông nước đậm chất Nam Bộ.
Cùng góp mặt với nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân TP. Hồ Chí Minh, Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Hạnh (Nhà hát Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ: “Trước hết, tôi rất vinh dự khi được đóng góp chút công sức vào chương trình chung của TP. Hồ Chí Minh mừng ngày đại thắng 30/4. Và sau nữa là hạnh phúc khi được đem một loại hình nghệ thuật của dân tộc quảng bá, biểu diễn phục vụ khán giả – không chỉ trong nước mà còn nước ngoài! Vì hát trên thuyền nên khán giả xem ở hai bên bờ sông rất đông, có khán giả còn ghi hình lại và gửi clip cho các nghệ sĩ. Khán giả hưởng ứng cổ vũ và còn hòa theo giai điệu”.
Với chủ đề “Sắc màu Thành phố Bác” và trong bối cảnh cả nước hướng về thành phố mang tên Người nhân đại lễ, những cung bậc bổng trầm của “hò, xự, xang, xê, cống” càng ngọt ngào, da diết và tự hào khi ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu, hát về hình tượng Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ…
Một di sản văn hóa mang tầm nhân loại được thiết kế thành chương trình đặc biệt trong ngày lễ trọng đại của đất nước, không chỉ có ý nghĩa thiết thực trong việc tiếp tục bảo tồn, lan tỏa giá trị của di sản, mang đến cho khán giả mộ điệu những trải nghiệm âm nhạc đậm đà bản sắc dân tộc; mà từng lời ca tiếng đờn ngân giữa không khí hào hùng ấy còn là lời khẳng định tinh thần vươn lên của Việt Nam để bước vào một kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, bền vững và hội nhập sâu rộng với thế giới.
ĐCTT trong “tư cách” là di sản văn hóa thế giới đã chuyển tải thông điệp đó.
Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Hạnh (giữa – Nhà hát Cao Văn Lầu) tham gia chương trình rong diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ với chủ đề “Sắc màu Thành phố Bác” trên bến Bạch Đằng (TP. Hồ Chí Minh) – một trong những hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: C.T
Phải khẳng định sự xứng tầm
Tham gia Hội thảo “Thành tựu 50 năm sau ngày thống nhất nước: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển VH-NT Bạc Liêu” có rất nhiều tham luận của các đại biểu ngoài tỉnh – là giới nghiên cứu, nhà lãnh đạo, quản lý VH-NT. Trong số đó có bài viết của đạo diễn Lê Quý Dương – Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác Quốc tế (Hiệp hội Sân khấu Thế giới FACT – ITI/UNESCO). Bài viết phân tích: “Sự gia tăng và phát triển của công nghệ tiên tiến đang dần đưa con người vào một hiện thực thế giới ảo. Trong hiện thực ấy, con người phải và nhất định phải đứng vững trên truyền thống văn hóa bản địa của mình để tồn tại và chính danh nếu như không muốn bị đồng hóa trong một nền văn minh mới – văn minh thế giới ảo được tạo nên bởi công nghệ AI và người máy. Chưa bao giờ di sản văn hóa, lịch sử truyền thống và các giá trị bản địa lại quan trọng với nhân loại như hôm nay”. Từ thực trạng này, đạo diễn góp ý cần nhân rộng, đa dạng hóa nghệ thuật ĐCTT từ nội dung, hình thức và phổ cập tới mọi tầng lớp nhân dân để từng bước đưa Bạc Liêu nói riêng, vùng Tây Nam Bộ nói chung trở thành không gian di sản văn hóa bản địa phi vật thể ĐCTT lớn nhất và độc nhất vô nhị trên bản đồ văn hóa và du lịch của thế giới. Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác Quốc tế của Hiệp hội Sân khấu Thế giới – ITI/UNESCO, đạo diễn Lê Quý Dương nêu quan điểm luôn sẵn sàng đồng hành và phối hợp cùng các cấp lãnh đạo và Nhân dân Bạc Liêu để đưa những mục tiêu trên trở thành hiện thực.
Bạc Liêu đã góp công lớn đưa ĐCTT từ “di sản địa phương” lên tầm di sản quốc tế – đây là nhận định của nhà báo Vũ Thống Nhất khi bàn về ĐCTT trên đất Bạc Liêu. Ông kể lại câu chuyện: Khi chiêm ngưỡng cây đờn kìm sừng sững giữa Quảng trường Hùng Vương ngay ngày khai mạc Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I – Bạc Liêu 2014, soạn giả Hà Nam Quang đã khóc mà nói rằng: “Bạc Liêu đã làm được rồi!”. Và “việc làm được rồi” ấy – là cây đờn kìm trong nghệ thuật ĐCTT giữa Quảng trường Hùng Vương – đến nay vẫn là duy nhất của đất phương Nam, xứng đáng là biểu tượng văn hóa của Bạc Liêu trong lòng du khách khi đến xứ này – theo nhà báo Vũ Thống Nhất!
Đã qua, những giá trị văn hóa phi vật thể như ĐCTT, vọng cổ, gắn liền với cây đờn kìm, Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu… đã tạo ra cho Bạc Liêu nhiều sản phẩm du lịch độc đáo mang chiều sâu văn hóa. Bạc Liêu từng bước trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa của khu vực cũng nhờ những vốn liếng đó.
“Bắc Bling” đã tạo dấu ấn rực rỡ cho văn hóa tỉnh Bắc Ninh trong một ca khúc, ĐCTT kỳ vọng sẽ có những dấu ấn mới hơn trong tương lai, cũng bằng cách tương tự như thế!
Nếu tìm tòi, đầu tư cho ĐCTT bài bản, quy mô như đúng bản chất là một di sản văn hóa nhân loại ở nơi từng là một trong những “cái nôi” của loại hình này, thì những điểm nhấn độc đáo, những dấu ấn xứng tầm giá trị sẽ nối dài câu chuyện làm giàu vốn văn hóa, làm giàu cho du lịch. Dù mai này, Bạc Liêu trong diện mạo nào, tên gọi nào đi nữa!
Cẩm Thúy
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/tao-dau-an-xung-tam-cho-di-san-nhan-loai-100538.html