
Sáng mãi tình quân dân
Mấy hôm nay, trong các làng Kà Nâu, Kon Lót, Hà Giao, làng Chồm... (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) xuất hiện thêm nhiều ngôi nhà mới, lợp ngói hoặc mái tôn lạnh rực sáng.
Trong nhiều mái ấm Ba Na vẫn chưa tan niềm vui sướng khi vừa được chính quyền, bộ đội “tặng” nhà cửa mới tinh, tươm tất.

Hộ ông Đinh Văn Trực (53 tuổi, làng Kà Nâu) vừa được xây mới lại nhà nên tâm trạng hớn hở, vui như trẩy hội. Lâu nay, ông Trực sống trong căn nhà cũ kỹ, tạm bợ.
Hộ ông Trực được tỉnh Bình Định hỗ trợ 60 triệu đồng, kèm theo nguồn tiền ông tích cóp và khoản quyên góp từ cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Bình Định, bổ sung thêm 40 triệu đồng.
Ngày ông Trực động thổ xây nhà, hàng chục cán bộ, chiến sĩ bộ đội đến giúp ông. Bộ đội vận chuyển vật liệu, trộn hồ và trực tiếp xây nhà cho ông Trực.
Chẳng mấy chốc mà nhà mới của ông Trực thành hình, kiên cố giữa biền đồi núi trùng điệp...
“Có nhà mới để ở tôi mừng lắm, chẳng biết nói gì bây giờ. Tôi rất biết ơn Nhà nước và các chú bộ đội. Từ nay, có nhà mới rồi tôi rất yên tâm nên sẽ cố gắng làm lụng để giàu có hơn”, ông Trực mừng rơn.

Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Dương Hiệp Hòa kể rằng, xã Canh Liên ở tít tắp trên cao, đi qua nhiều con dốc nối tiếp như lên trời, nên thường được ví như “cổng trời” Canh Liên.
Trong năm 2025, có 156 hộ dân Ba Na ở Canh Liên có nhu cầu sửa chữa, xây dựng mới nhà. Tuy nhiên, ban đầu do địa bàn xã rất xa xôi, đi lại trắc trở nên việc vận chuyển vật liệu, vật tư rất nan giải.
Trước thực tế trên, Bộ CHQS tỉnh Bình Định đã vào cuộc, lập một Sở Chỉ huy tiền phương, phân công hàng chục cán bộ, chiến sĩ bám chốt ở “cổng trời” để hỗ trợ bà con xây dựng, sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát. Lực lượng quân đội cũng huy động thêm 3 xe vận tải để hỗ trợ vận chuyển miễn phí vật tư, vật liệu từ đồng bằng lên Canh Liên.

Sau gần 3 tháng vào cuộc, xuyên qua một mùa mưa, quân đội đã đóng góp 2.030 ngày công, vận chuyển 185 chuyến xe vật tư, vật liệu trên 1.050 tấn cho 101 hộ dân.
Sau những ngày tháng bám lấy núi rừng Canh Liên, cán bộ, chiến sĩ cũng đã nhận được nhiều tình cảm, sự tin yêu của bà con dân tộc thiểu số. Từ đó, giúp làm sâu sắc thêm tình cảm quân - dân, như “cá với nước”, góp phần củng cố thế trận lòng dân, tăng cường, tỏa sáng thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, bộ đội của dân trong thời buổi mới
- Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định bày tỏ.

Chung sức, đồng lòng
Còn nhớ, sáng 9-2-2025, tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố của Bình Định đồng loạt phát động khởi công xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Hôm khởi công, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nói rằng, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh này không phải đến năm 2025 mới bắt đầu mà đã được triển khai từ năm 2019.
Đến năm 2024, toàn tỉnh đã hoàn thành 5.300 căn nhà. Bước sang năm 2025, tỉnh tiếp tục xóa thêm 4.411 căn và đặt mục tiêu trong hơn 100 ngày để hoàn thành.

Lúc ấy, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhấn mạnh: “Kể từ nay, tất cả các địa phương phải xem việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, gia đình chính sách là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Chúng ta phải nỗ lực, dù khó khăn cũng phải làm cho xong…”.
Mặc dù vậy, quá trình bắt tay vào việc cũng gặp rất nhiều gian nan, trắc trở. Khi ấy, theo một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh (nay là Sở NN-MT tỉnh Bình Định), riêng việc vận động bà con chọn ngày khởi công nhà cũng rất khó. Vì ở một số nơi, người dân chọn ngày để khởi công, động thổ rất khắt khe, kỹ lưỡng. Nhiều địa phương thì gặp khó về vật tư, vật liệu xây dựng và thậm chí xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc giá vật liệu tăng…

Giữa cuối tháng 3-2025, kỳ họp thứ 22 của HĐND tỉnh Bình Định diễn ra, lúc này phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát đang còn hơn 1.000 căn chưa hoàn thành. Trước các đại biểu, cử tri toàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định rất trăn trở, ông yêu cầu các địa phương phải thể hiện quyết tâm cao và giao trách nhiệm cho những người đứng đầu mỗi huyện, xã...
Thời điểm ấy, giữa lúc Trung ương giao song song nhiệm vụ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy nên xuất hiện nhiều cán bộ tư tưởng xao động, lo lắng.
Nhiều cán bộ xao động, tư tưởng “không biết ngày mai có làm việc nữa không”. Tôi đề nghị, các đồng chí chúng ta cần đề cao tinh thần cách mạng, còn một ngày thì chúng ta vẫn phải làm việc, hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra, không chùn bước. Chúng ta hãy luôn nghĩ đến sứ mệnh phục vụ người dân, vì an sinh xã hội cho người dân nên quyết làm cho xong
- ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh tại kỳ họp HĐND tỉnh vào tháng 3-2025.

Nhờ quyết tâm, đồng lòng cao xuyên suốt từ trên xuống dưới, nên giữa tháng 5-2025, hơn 4.411 căn nhà tạm, nhà dột nát ở Bình Định được xóa xong.
Các huyện Tây Sơn, Tuy Phước “nổ pháo” đầu tiên trong phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát của mình.

Ở “rốn lũ” Phổ Trạch (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), ông Trần Văn Chín xúc động nói: “Tôi từng bị tai nạn năm 2015, mất sức lao động, nhà thì xuống cấp, mất an toàn nên lâu nay rất lo cho vợ và các con. Rất may, Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng và nhiều nguồn quyên góp, dành dụm do đó tôi đã xây dựng căn nhà mới. Giờ thì không còn lo mưa gió, bão lũ nữa. Tôi sẽ cố gắng làm ăn, chăm lo cho các con ăn học nên người”.
Kết thúc một sứ mệnh, nối dài hàng chục ngàn ước mơ
Theo Bí Thư tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, dù trải qua những khó khăn, thách thức giữa thời điểm làm song song nhiều nhiệm vụ, nhất là việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy khiến nhiều cán bộ rất tâm tư.
Tuy nhiên, xác định nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát là ưu tiên hàng đầu nên tất cả hệ thống chính trị tỉnh đều gác lại tâm tư, vào cuộc hết sức mình.

“Như tôi đã nói rằng, còn một ngày thì chúng ta vẫn phải làm để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân, gia đình có công. Và hôm nay chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để tiến tới kết thúc sứ mệnh lịch sử của chính quyền cấp huyện trong vinh dự, tự hào”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhấn mạnh.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/bai-1-niem-vui-duoi-nhung-mai-nha-ngoi-do-post795812.html
Bình luận (0)