Bài 2:
NHIỀU KHÓ KHĂN, BẤT CẬP
Chọn hướng đi đúng
THCS Bình Thắng là ngôi trường vùng sâu, xa của huyện Bù Gia Mập và của tỉnh Bình Phước. Nhờ đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp cũng như giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nên phần lớn học sinh đều mong muốn thi vào THPT, đặc biệt là vào các trường chuyên, chất lượng cao của tỉnh để viết tiếp ước mơ làm sinh viên đại học.
Em Lường Thị Thanh, lớp 9A4, Trường THCS Bình Thắng chia sẻ: Qua giáo dục hướng nghiệp của thầy cô, gia đình cũng như thông tin nắm bắt được, sau tốt nghiệp THCS em sẽ thi tuyển sinh để học lên THPT. Sau đó, nếu bản thân, gia đình có đủ điều kiện sẽ thực hiện ước mơ thi vào ngành công an. Vì sao em không thi vào trường nghề mà lại chọn theo hướng này? Thanh cho biết, vì theo em tìm hiểu, trường nghề không đào tạo ngành công an, trong khi ước mơ của em là được làm chiến sĩ công an.
Theo em Lường Thị Thanh, tùy năng lực, sở trường và điều kiện gia đình của mỗi bạn sẽ chọn 2 hướng khác nhau. Nếu học lực khá, tốt, gia đình có điều kiện thì nên học lên THPT, đại học để nâng cao trình độ, thực hiện ước mơ của mình. Ngược lại, những bạn không đủ năng lực học tập, hoàn cảnh kinh tế khó khăn có thể chọn học nghề sớm để sớm có việc làm phụ giúp gia đình.
Cũng qua tìm hiểu, tư vấn, em Hoàng Văn Thắng, lớp 9B, Trường THCS Bình Thắng quyết định thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Vì theo Thắng, với lứa tuổi này nếu cố gắng rèn luyện, học ở bậc THPT sẽ là nền tảng tốt cho hành trình chinh phục tương lai, còn học nghề chưa đủ kiến thức, trình độ để tiếp thu cũng như phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Đó là đi học nghề ở xa nhà phải tự lập từ sớm, thiếu sự giám sát của cha mẹ nên dễ bị cám dỗ, sa ngã.
Với nhiều năm làm công tác hướng nghiệp cho học sinh lớp 8, 9, cô Phan Thị Nông, giáo viên Trường THCS Bình Thắng cho biết: Hiện trường có môn học rất hay đó là hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Vì vậy, không chỉ là giáo viên chủ nhiệm mà giáo viên bộ môn, Ban giám hiệu cũng có thể định hướng cho các em nghề nghiệp yêu thích. Tuy nhiên, học sinh ở đây phần lớn là con em gia đình nông thôn, xa khu vực thành thị, ít tiếp cận với công nghệ 4.0 nên khó xác định nghề nghiệp sau tốt nghiệp THCS. Cùng với đó, ở đây không có các trường nghề, trung tâm đào tạo nghề nên việc tìm kiếm được nơi đào tạo ngành nghề phù hợp với các em thực sự là bài toán khó.
Một tiết thực hành nghề công nghệ ôtô của học sinh Trường cao đẳng Miền Đông (TP. Đồng Xoài)
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bình Thắng Trần Thị Hồng chia sẻ: Ngay từ đầu năm học hằng năm, trường đều quán triệt giáo viên, nhân viên gắn hoạt động học tập với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng phù hợp với khả năng các em. Công tác hướng nghiệp, phân luồng đều nhận được sự đồng thuận cao của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Đặc biệt, tinh thần, năng lực học tập của học sinh Trường THCS Bình Thắng rất tốt nên công tác phân luồng đạt hiệu quả cao với số lượng đậu vào các trường chuyên của tỉnh có chiều hướng gia tăng và phần lớn thi đậu vào các trường THPT với số lượng ngày càng tăng. Chỉ một số em học lực yếu hoặc kinh tế khó khăn mới đi học nghề tự do như cắt tóc, spa, sửa xe… ở khu vực khác hoặc tại địa phương.
Hơn 20 năm kinh nghiệm làm công tác hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh, thầy Nguyễn Đức Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Thái, huyện Lộc Ninh cho biết: Hằng năm, Ban giám hiệu, giáo viên đều phối hợp với các trường nghề trên địa bàn tỉnh thực hiện tư vấn hướng nghiệp để các em có sự lựa chọn đúng sau khi tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, chỉ là tư vấn chứ không thể bắt ép học sinh được, do độ tuổi còn nhỏ cũng như định kiến của phụ huynh về trường nghề. Một số ít muốn tham gia học nghề nhưng ngại đi xa nên học các nghề tự do trên địa bàn.
Ngành nghề chưa đáp ứng với thực tiễn
Không chỉ tại vùng sâu, xa mà ở các trường THCS khu vực trung tâm TP. Đồng Xoài, dù công tác giáo dục hướng nghiệp, định huớng phân luồng được thực hiện tốt và nơi đây có nhiều trường nghề để học sinh có thể lựa chọn theo học sau khi tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, phần lớn các em vẫn chọn học THPT, bởi phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi.
Học sinh lớp 9, Trường THCS Tân Phú, TP. Đồng Xoài trong giờ học
Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phú (TP. Đồng Xoài) Nguyễn Viết Tuyên cho biết: Những năm gần đây, trường làm rất tốt công tác phân luồng thông qua lồng ghép các môn học với chương trình hướng nghiệp ở khối 8, 9, đồng thời mời trường nghề giáo dục hướng nghiệp cho các em. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy số học sinh đi học nghề không nhiều, do tâm lý phụ huynh muốn cho con học hết THPT rồi mới đi học nghề, bởi gia đình nào cũng chỉ có 1-2 người con. Theo tôi, đây cũng là xu hướng tốt, vì sau khi học sinh học hết lớp 12 thì việc đào tạo nguồn lao động chất lượng cao sẽ cao hơn so với lớp 9.
Mục tiêu của trường là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo để các em có kiến thức, sau này là nguồn nhân lực cho đất nước. Nhà trường bằng mọi cách đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, hoạt động sinh động để lôi cuốn các em và định hướng cho các em sau này muốn có tương lai tốt thì phải có kiến thức vững vàng. Thực tế, trong trường có khoảng 50/500 em sau THCS lựa chọn học nghề, chiếm từ 10-15%, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn và học lực yếu. |
Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phú Nguyễn Viết Tuyên |
Ngoài tâm lý, định kiến của phụ huynh, học sinh thì việc học nghề ở Bình Phước vẫn còn là bài toán nan giải, do đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, các ngành, nghề tại các trường nghề chưa phong phú, đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế cho việc học, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao hiện nay. Từ thực tế đó, Trung ương, Chính phủ đã có những điều chỉnh phù hợp với khung độ tuổi học nghề hiện nay.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Đồng Xoài Ngô Văn Quyền cho biết: Công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trên địa bàn thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị, các trường không có biên chế riêng, đào tạo chuyên sâu cho công tác này mà là kiêm nhiệm. Dù phối hợp các đơn vị tư vấn hướng nghiệp, phân luồng nhưng tâm lý của phụ huynh vẫn muốn cho con học THPT. Cùng với đó, địa bàn Đồng Xoài dù cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển hơn nơi khác nhưng vẫn giới hạn về ngành nghề hoặc ngành nghề chưa phong phú, chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế với sự phát triển của xã hội. Đặc biệt, sau khi ra trường, thông tin về việc làm, thu nhập vẫn còn là vấn đề nan giải nên chưa thể làm hài lòng phụ huynh, học sinh. Bên cạnh đó, độ tuổi sau tốt nghiệp THCS còn nhỏ nên qua nắm bắt thông tin khi vào học nghề một thời gian rồi nhiều em bỏ học, con số này nhiều hơn đối với học sinh tốt nghiệp THPT rồi đi học nghề.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/173298/bai-toan-huong-nghiep-day-nghe-o-binh-phuoc
Bình luận (0)