Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bản lĩnh báo chí cách mạng trong thời đại số

Chuyển đổi số vừa là thách thức, vừa là cơ hội để báo chí cách mạng Việt Nam khẳng định sức sống mới, trí tuệ và bản lĩnh chính trị vững vàng, đồng thời đây cũng là động lực để tiếp tục xứng đáng với vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, thực sự là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Hà Nội MớiHà Nội Mới17/05/2025

Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu ý kiến của một số lãnh đạo cơ quan báo Đảng các tỉnh, thành phố về việc nhanh chóng nắm bắt và chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo ra những bước tiến mới trong công tác thông tin tuyên truyền.

bao-chi.jpg
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại một sự kiện lớn. Ảnh: Nhật Bắc

Nhà báo Hoàng Đăng Khoa - Tổng Biên tập Báo Huế ngày nay:
“Pháo đài nhỏ” giữ vững trận địa tư tưởng ở thời đại số

b-hue.jpg

Trong thời đại chuyển đổi số mạnh mẽ, Báo Đảng giữ vai trò đặc biệt quan trọng, như những mao mạch bám sâu vào từng khu dân cư, từng cộng đồng, kết nối trực tiếp Đảng với đời sống thực tiễn của nhân dân. Chính báo Đảng địa phương là nơi đầu tiên phản ánh hơi thở đời sống ngay từ xã, phường, tổ dân phố; là người ghi chép trung thực những bước chuyển mình của công cuộc phát triển nông thôn mới, đô thị văn minh; là tiếng nói của những người dân bình dị nhất nhưng cũng mang trong mình khát vọng lớn lao nhất về đổi thay và tiến bộ.

Khi mạng xã hội lan tỏa thông tin với tốc độ chóng mặt, khi tin giả, tin sai sự thật có nguy cơ làm méo mó nhận thức xã hội, thì báo Đảng địa phương càng có ý nghĩa to lớn, vừa là lực lượng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngay từ cơ sở, vừa là người giữ nhịp thở chân thực, kiên trì bồi đắp niềm tin của nhân dân vào đường lối đổi mới.

Chính vì vậy, báo Đảng địa phương cần được nhìn nhận không chỉ là những đơn vị truyền thông địa phương, mà là những mắt xích then chốt trong hệ thống tuyên truyền của Đảng, là những “pháo đài nhỏ” trong chiến lược giữ vững trận địa tư tưởng giữa muôn trùng sóng gió của thời đại số; gắn kết ý Đảng với lòng dân, góp phần làm nên một nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp - nhân văn - hiện đại trong thời kỳ mới.

Đối với Báo Huế ngày nay - tiền thân là Báo Thừa Thiên Huế, bước vào kỷ nguyên số, Ban Biên tập đã xác định, chuyển đổi số không đơn thuần là việc trang bị thêm thiết bị, mở thêm kênh phát hành, mà là cuộc thay đổi căn bản từ tư duy sản xuất nội dung, tổ chức quy trình làm báo cho đến cách thức tương tác với bạn đọc.

Trên nền tảng đó, chúng tôi đã tiến hành xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ cùng quy trình sản xuất tác phẩm đa phương tiện một cách bài bản, sơ đồ hóa các bước làm việc, đi sâu vào phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng bộ phận, từ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, chuẩn hóa các định dạng phù hợp trên từng kênh phát hành. Với quy trình đó, mỗi sản phẩm không còn là “đơn vị độc lập” như trước (chỉ một bài báo in), mà hướng tới mô hình “một nội dung - nhiều nền tảng”.

Trong tiến trình chuyển đổi số, điều Báo Huế ngày nay luôn trăn trở là cùng với công nghệ, giữ gìn, phát huy bản sắc chính là linh hồn của tờ báo. Chuyển đổi số phải được sử dụng như một đòn bẩy để lan tỏa mạnh mẽ hơn những giá trị bất biến của báo Đảng - như tính Đảng, tính nhân văn, sự gần gũi và đồng hành cùng nhân dân.

Nhà báo Trần Văn Đức - Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang:
Hợp tác, liên kết giữa các báo Đảng trong xu thế hội nhập và phát triển

b-bgiang.jpg

Chuyển đổi số tạo cơ hội cho báo chí có thể tiếp cận nhanh hơn, rộng hơn với độc giả toàn cầu, vượt qua giới hạn địa lý truyền thống; có điều kiện sản xuất nội dung đa nền tảng; đồng thời phân tích dữ liệu người dùng để hiểu sâu sắc hơn nhu cầu, hành vi độc giả, từ đó cá nhân hóa nội dung phục vụ; tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa quy trình vận hành tòa soạn. Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ. Báo chí phải đối mặt với áp lực đổi mới liên tục; nguy cơ tin giả, tin xấu độc lan nhanh trên môi trường số; khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ, dữ liệu và yêu cầu đầu tư công nghệ ngày càng lớn trong điều kiện tài chính còn hạn chế của nhiều cơ quan báo chí địa phương.

Chính trong bối cảnh ấy, hợp tác và liên kết giữa các báo Đảng không chỉ là cần thiết mà trở thành yêu cầu sống còn. Hợp tác để chia sẻ nền tảng công nghệ, tiết kiệm nguồn lực; hợp tác để chia sẻ nguồn tin, hình ảnh, dữ liệu, làm giàu thêm cho thông tin chính thống; hợp tác để nâng cao năng lực nghiệp vụ, bắt kịp xu hướng làm báo đa nền tảng; hợp tác để liên kết truyền thông, gia tăng sức lan tỏa; hợp tác để bồi dưỡng đội ngũ làm báo hội đủ phẩm chất, kỹ năng trong thời đại số.

Nhận thức rõ vai trò của hợp tác, liên kết trong xu thế hội nhập và phát triển, Báo Bắc Giang luôn quan tâm mở rộng hợp tác, phối hợp, trao đổi nghiệp vụ và kinh nghiệm làm báo với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên nhiều lĩnh vực, từ ứng dụng công nghệ, xây dựng mô hình quản lý tòa soạn, thiết kế phần mềm xử lý thông tin đến phối hợp trao đổi thông tin, tuyên truyền... Qua đó, Báo Bắc Giang nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tác nghiệp của đội ngũ làm báo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất thông tin; tuyên truyền hiệu quả các thành tựu trên các lĩnh vực của tỉnh; đồng thời quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đưa hình ảnh Bắc Giang đến độc giả trong nước và quốc tế; góp phần xây dựng một hệ thống báo chí hiện đại, chính trực, nhân văn, đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.

Nhà báo Nguyễn Việt Ba - Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa:
Mọi hoạt động chuyển đổi đều phải hướng đến sự hài lòng của bạn đọc

b-thanh.jpg

Chuyển đổi số là con đường mà các cơ quan báo chí “phải đi” để khẳng định vai trò, vị thế, chiếm lĩnh thị trường thông tin và bạn đọc trong bối cảnh truyền thông số nở rộ và cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Nhận thức rõ vấn đề này, cùng với việc đổi mới mô hình tòa soạn, Báo Thanh Hóa đã tích cực triển khai chủ trương chuyển đổi số đến tất cả cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng làm báo hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng; xây dựng đội ngũ những người làm báo am hiểu và sử dụng thành thạo công nghệ trong sáng tạo các thể loại báo chí khác nhau.

Báo tập trung đổi mới cách tiếp cận bạn đọc bằng việc đổi mới các tác phẩm, sản phẩm báo chí hiện có; đồng thời ra mắt những chuyên mục mới, sản phẩm mới phân phối trên nhiều nền tảng công nghệ. Những việc làm của Báo Thanh Hóa khẩn trương, nhưng cũng hết sức thận trọng, với quan điểm phải lấy bạn đọc làm trung tâm của công cuộc chuyển đổi, mọi hoạt động chuyển đổi đều phải hướng đến sự hài lòng của bạn đọc.

Tuy nhiên, chặng đường chuyển đổi số của báo chí quy mô địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, đáng chú ý là việc làm thế nào để phát triển cùng lúc 3 nền tảng, gồm nền tảng quản lý tòa soạn; nền tảng phân tích thông tin, dư luận xã hội để kịp thời phát triển các nội dung số phù hợp với tâm lý, xu hướng tiếp nhận của đối tượng công chúng và nền tảng hỗ trợ phòng, chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của cơ quan truyền thông.

Đây là “bài toán” khó. Lời giải không chỉ nằm ở nỗ lực của mỗi cơ quan báo chí mà cần sự hỗ trợ, giúp sức từ cấp ủy, chính quyền trong việc tạo điều kiện để cơ quan báo chí tiếp cận với kho nguồn dữ liệu chính thống, tham gia vào các đề án chuyển đổi số, qua đó thật sự bắt nhịp với dòng chảy thông tin hiện đại, khẳng định vị thế và tầm vóc của các đơn vị truyền thông uy tín không những của địa phương mà còn trong khu vực.

Nhà báo Nguyễn Tất Thắng - Phó Tổng Biên tập Báo Phú Thọ:
Cần có một chiến lược rõ ràng, ưu tiên nội dung đa phương tiện

b-phutho.jpg

Những thay đổi trong thói quen đọc của công chúng Việt Nam đòi hỏi các tờ báo Đảng phải điều chỉnh chiến lược của mình, ưu tiên phát triển sự hiện diện trực tuyến và nội dung đa phương tiện để đáp ứng nhu cầu của độc giả trong kỷ nguyên số. Sự chuyển dịch từ báo in truyền thống sang báo điện tử và các nền tảng đa dạng khác không chỉ là một sự thích ứng công nghệ mà còn là một yêu cầu chiến lược để các cơ quan này duy trì vai trò, tầm ảnh hưởng và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Mặc dù, chủ động triển khai và đã có những tiến bộ đáng kể, Báo Phú Thọ cũng như các tờ báo Đảng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong quá trình chuyển đổi số. Một trong những trở ngại lớn nhất là sự thiếu hụt về nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực. Nhiều tờ báo, đặc biệt là ở địa phương, gặp khó khăn trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nhân sự có trình độ chuyên môn cao về quản lý số, vận hành số và sản xuất nội dung đa nền tảng cũng là một thách thức không nhỏ. Kỹ năng ứng dụng công nghệ và phần mềm của nhiều phóng viên và biên tập viên còn hạn chế. Ngoài ra, sự cần thiết phải đổi mới tư duy, đặc biệt là ở cấp lãnh đạo, cũng là một yếu tố quan trọng nhưng đôi khi chưa được chú trọng đúng mức. Khung pháp lý và chính sách chưa hoàn thiện và đồng bộ cũng gây ra những khó khăn nhất định.

Một thách thức khác không kém phần quan trọng là vấn đề tạo doanh thu và bảo đảm sự bền vững tài chính trong môi trường số. Nhiều tờ báo vẫn còn phụ thuộc lớn vào nguồn ngân sách nhà nước và doanh thu quảng cáo truyền thống, trong khi doanh thu từ các nền tảng số còn hạn chế.

Việc bảo đảm an ninh thông tin và đấu tranh chống lại thông tin sai lệch, thù địch trên không gian mạng cũng là một nhiệm vụ ngày càng trở nên cấp thiết và đầy thách thức đối với các tờ báo Đảng.

Nhà báo Mai Đức Thông - Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang:
Ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào quá trình sản xuất nội dung

b-tuyen.jpg

Với phương châm “độc giả ở đâu, Báo Tuyên Quang ở đó”, bên cạnh việc phát hành báo theo phương thức truyền thống, Báo Tuyên Quang đã đẩy mạnh việc phát hành trên các nền tảng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube, Zalo, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ. Hiện nay, Báo Tuyên Quang đã ứng dụng AI vào xử lý hình ảnh trên báo in, thiết kế đồ họa, đọc các bản tin podcast, tạo video MC dẫn các tin hình, bản tin trên báo điện tử và các nền tảng số; sử dụng các ứng dụng AI để tìm đề tài, hỗ trợ xây dựng kịch bản tọa đàm và các công việc khác của tòa soạn. Việc ứng dụng AI đã rút ngắn thời gian sản xuất các sản phẩm đa phương tiện, có nhiều gợi ý và tìm kiếm được đề tài phong phú. Việc ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) vào quá trình sản xuất nội dung đang được tiến hành.

Chuyển đổi số mở ra một hướng mới với vô vàn cơ hội cho Báo Tuyên Quang nói riêng, báo Đảng nói chung nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn. Để vượt qua những thách thức và tận dụng tối đa cơ hội từ chuyển đổi số, công nghệ, AI và dữ liệu lớn, các báo Đảng cần có những giải pháp và hành động quyết liệt. Đó là cần có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên đầu tư vào các nền tảng công nghệ hiện đại, phù hợp với đặc thù của báo Đảng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên về các kỹ năng số, kiến thức về AI và dữ liệu lớn; có chính sách thu hút và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực công nghệ và truyền thông số.

Các cơ quan báo Đảng cần tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, AI và dữ liệu lớn. Có thể tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo chung để nâng cao năng lực toàn hệ thống.

Nhà báo Hoàng Chung Thảo - Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Kạn:
Nâng cao bản lĩnh chính trị và kỹ năng của người làm báo trong kỷ nguyên mới

b-bak.jpg

Trong quá trình chuyển đổi số, Báo Bắc Kạn chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ người làm báo, từng bước đáp ứng yêu cầu mới. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác thông tin, tuyên truyền trong kỷ nguyên số, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Báo Bắc Kạn vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế, chủ yếu về kỹ năng làm báo điện tử, báo chí đa phương tiện và khả năng xử lý thông tin nhạy cảm đôi lúc còn lúng túng...

Tôi cho rằng, trong thời đại hiện nay, mỗi phóng viên, biên tập viên cần không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, đồng thời trau dồi kỹ năng làm báo hiện đại. Người làm báo phải chủ động học tập, cập nhật kiến thức mới về kỹ năng báo chí, đặc biệt là báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu, báo chí điều tra; nâng cao khả năng khai thác và xử lý thông tin đa phương tiện, làm chủ các công cụ, phần mềm sản xuất nội dung số.

Các cơ quan báo chí phải đổi mới tư duy, xây dựng tinh thần làm chủ công nghệ mới bằng cách đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất và phát hành báo chí; chủ động tiếp cận, thử nghiệm các nền tảng truyền thông số mới (podcast, nền tảng video ngắn, ứng dụng AI hỗ trợ báo chí...).

Đặc biệt, mỗi người làm báo phải luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp, hành động vì mục tiêu cao cả là phụng sự nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

logo-dien-tu-hoi-thao-01.jpg

Nguồn: https://hanoimoi.vn/ban-linh-bao-chi-cach-mang-trong-thoi-dai-so-702529.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm