Ghi nhận từ đầu tháng 7 đến nay, các trạm y tế xã, phường trên địa bàn Hà Nội tiếp tục duy trì các hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu, triển khai tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Tại Trạm y tế xã Phúc Thịnh, rất đông người dân đến khám, chữa bệnh và lĩnh thuốc bảo hiểm y tế.
Ông Nguyễn Đăng Phúc (65 tuổi, ở xã Phúc Thịnh) cho biết: “Thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, xã tôi nhập vào xã mới hiện nay là xã Phúc Thịnh. Tôi đến trạm mang theo căn cước công dân gắn chíp có đăng ký Bảo hiểm y tế, mọi thông tin đã được thay đổi theo địa giới hành chính mới. Các y, bác sĩ tại trạm đón tiếp nhiệt tình, việc khám bệnh của tôi diễn ra bình thường”.
Tương tự, Trạm Y tế phường Giảng Võ tiếp tục triển khai các công việc chuyên môn bảo đảm yêu cầu. Trạm trưởng Trạm y tế phường Giảng Võ Nguyễn Thanh Hiếu cho biết: “Từ khi vận hành chính quyền địa phương hai cấp, phường Giảng Võ đã nhanh chóng triển khai ổn định công tác cán bộ. Nhận được quyết định, chúng tôi đi vào hoạt động ngay, thực hiện nghiêm túc 17 nhiệm vụ trọng tâm mà Sở Y tế Hà Nội ban hành”.
Trạm Y tế phường Giảng Võ đã triển khai và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ phận, xây dựng kế hoạch cụ thể cho các hoạt động, chương trình y tế; chỉ đạo các bộ phận, điểm trạm chủ động giám sát, khoanh vùng, xử lý ca bệnh gây dịch trên địa bàn; lập kế hoạch chi tiết và thực hiện tiêm chủng thường xuyên an toàn hiệu quả đúng lịch; tổ chức hoạt động điểm truyền thông về Ngày Dân số thế giới 11/7…
Tuy nhiên, hoạt động của một số trạm y tế trên địa bàn Hà Nội những ngày đầu sau sáp nhập, vận hành chính quyền địa phương hai cấp cũng gặp phải một số khó khăn nhất định.
Trạm trưởng Trạm Y tế phường Long Biên Nguyễn Khắc Thúy chia sẻ: “Hiện trạm còn khó khăn trong vấn đề nhân sự, một cán bộ của trạm được phân công nhiều hoạt động, chương trình. Bên cạnh đó, các phần mềm sức khỏe điện tử, quản lý dân số cần được cập nhật sớm để các hoạt động tại trạm được diễn ra trơn tru”.
Tại Trạm y tế xã Dương Hòa, Trạm trưởng Khánh Thị Việt Hà cho biết: “Trạm tiếp tục thực hiện duy trì các nhiệm vụ, tuy nhiên, cơ sở vật chất của trụ sở trạm mới cần nâng cấp, sửa chữa; bổ sung các trang, thiết bị, máy móc để bảo đảm hoạt động, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh và phòng chống dịch”.
Trạm y tế xã Dương Hòa kiến nghị Sở Y tế hỗ trợ các trạm trong công tác đấu thầu, thực hiện cung ứng thuốc, vật tư y tế bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đồng thời, sớm có kế hoạch hướng dẫn các trạm y tế triển khai tốt các chương trình y tế.
Nhằm nắm bắt tình hình và kịp thời hỗ trợ 126 trạm y tế cấp xã trên địa bàn trong thời gian đầu thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập các tổ công tác, trực tiếp tới các trạm y tế để hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên tại đây.

Tại các buổi làm việc, các đơn vị báo cáo các nội dung liên quan đến việc triển khai các nhiệm vụ chuyên môn tại Trạm y tế, trao đổi những khó khăn, vướng mắc của đơn vị khi triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp để được giải đáp, hướng dẫn.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho rằng, các trạm y tế cần bảo đảm hai nhiệm vụ chính là quản lý nhà nước và công tác chuyên môn. Trạm y tế khi triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp có quy mô lớn hơn, cho nên cần đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn lực con người. Trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, nếu gặp khó khăn thì các trạm y tế cần báo cáo ngay với Sở Y tế để được hỗ trợ, giải quyết.
Nguồn: https://nhandan.vn/bao-dam-hoat-dong-cac-tram-y-te-sau-sap-nhap-post893677.html
Bình luận (0)