Nhu cầu lớn
Bệnh viện Đa khoa Thái Bình là đơn vị được giao thu dung các chế phẩm máu phục vụ khám, chữa bệnh tại đơn vị và một số bệnh viện tuyến tỉnh, khu vực. Theo báo cáo của Bệnh viện, 6 tháng đầu năm, tổng số lượng máu thu được tại khu vực phía Nam tỉnh là gần 5.350 đơn vị, tương đương với hơn 1,5 triệu ml máu, trong đó số máu Bệnh viện sử dụng cấp cứu và điều trị là hơn 5.130 đơn vị. Số máu còn lại được chuyển đến các đơn vị khác sử dụng. Bác sĩ Trần Thị Thanh Hoa, Phó Trưởng khoa Huyết học truyền máu, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình chia sẻ: Trước đây, mỗi tháng Khoa Huyết học truyền máu phối hợp với các đơn vị, địa phương thu nhận khoảng 1 – 1,2 nghìn đơn vị máu mới đủ đáp ứng cho công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện và các bệnh viện khu vực phía Nam tỉnh. Khi gặp các trường hợp cấp cứu cần số lượng máu truyền nhiều hoặc tăng trường hợp cấp cứu sản phụ khoa thì số lượng máu cần dùng sẽ cao hơn. Song từ ngày 1/7, việc tiếp nhận nguồn máu hiến tặng gặp một số khó khăn, bị động do phụ thuộc vào người hiến tặng và người nhà bệnh nhân đến hiến máu tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình. Để duy trì nguồn máu phục vụ công tác cấp cứu, điều trị, Khoa Huyết học truyền máu đã tổ chức tiếp nhận máu các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, Chủ nhật. Công việc vất vả, khó khăn hơn nhưng vì sức khỏe, tính mạng của người bệnh, cán bộ trong Khoa vẫn làm việc với tinh thần cao nhất, cố gắng bảo đảm nguồn máu phục vụ cấp cứu, điều trị.
Máu là chế phẩm vô giá và không sản xuất ra được. Lượng máu phục vụ cấp cứu và điều trị phụ thuộc vào lượng máu hiến tặng. Vì thế, khi việc triển khai các hoạt động hiến máu tại các địa phương chưa thực hiện được, việc thu dung nguồn máu dự trữ gặp khó khăn nên công tác khám, chữa bệnh đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng.
Không để “đứt gãy” chuỗi huy động máu từ cộng đồng
Trước thực trạng trên, nhằm bảo đảm nguồn máu phục vụ cấp cứu, điều trị, Khoa Huyết học truyền máu, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình đã có nhiều giải pháp. Ngoài việc tổ chức lấy máu tại đơn vị, Bệnh viện cũng đã xin hỗ trợ từ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương song Viện cũng chỉ phân bổ được một phần so với nhu cầu. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua mạng xã hội, người nhà bệnh nhân để lan tỏa số lượng máu hiến tặng; gửi thư ngỏ đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, huy động ngân hàng máu sống; phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức các đợt hiến máu tình nguyện… Với những giải pháp trên, hiện nay lượng máu thu nhận được cơ bản đáp ứng được công tác cấp cứu và điều trị. Tuy nhiên, đây cũng là những giải pháp tạm thời, có lúc bị động bởi có những bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm khi huy động khẩn cấp cũng gặp khó khăn do sinh viên - lực lượng nòng cốt của ngân hàng máu sống đang trong thời gian nghỉ hè.
Bác sĩ Trần Thị Thanh Hoa cho biết thêm: Nhu cầu máu tăng cao, nhất là dịp cuối năm. Do đó, song song với những giải pháp đang triển khai, cần có giải pháp lâu dài và sự vào cuộc tích cực hơn nữa từ các cấp, ngành, địa phương, đơn vị như: Kiện toàn ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp theo công văn chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu quốc gia ngày 21/7/2025; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện; lập các nhóm zalo, facebook về cộng đồng nhóm máu… để bảo đảm nguồn máu cung ứng phục vụ cấp cứu, điều trị cho người bệnh không bị gián đoạn.
Nguồn: https://baohungyen.vn/bao-dam-nguon-mau-phuc-vu-cap-cuu-dieu-tri-3183059.html
Bình luận (0)