Thư viện tỉnh hiện lưu giữ nhiều tư liệu Hán-Nôm có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, gồm bản hương ước, thần tích, thần sắc của các địa phương trên địa bàn tỉnh… Bảo tồn và phát huy giá trị nguồn tư liệu Hán-Nôm, Thư viện tỉnh đang tiến hành phiên dịch các tư liệu ra chữ quốc ngữ, bảo quản, lưu trữ cẩn thận, nghiêm ngặt, làm cơ sở để triển khai số hóa các tư liệu trong thời gian tới.
Cán bộ Thư viện tỉnh kiểm kê, bảo quản, lưu trữ các nguồn tư liệu Hán-Nôm. Ảnh: Kim Ly
Vĩnh Phúc là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Vĩnh Phúc đã có một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đặc sắc, trong đó có nguồn tư liệu di sản Hán-Nôm tại các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử - văn hóa, trung tâm lưu trữ, bảo tàng, thư viện ở trong và ngoài tỉnh.
Vĩnh Phúc có hơn 1.000 văn bia, văn khánh, văn chuông, 700 đạo thần sắc, hơn 400 bản thần tích cùng hàng nghìn hương ước và các nguồn tư liệu Hán-Nôm khác minh chứng cho sự tồn tại, phát triển của văn hóa, con người Vĩnh Phúc qua bốn nghìn năm lịch sử.
Trên cơ sở nhận thức rõ giá trị, tầm quan trọng của nguồn tư liệu Hán-Nôm đối với việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa của dân tộc nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa này qua việc khảo sát, nghiên cứu, biên dịch và xuất bản, giới thiệu tới bạn đọc các tư liệu Hán-Nôm trên địa bàn.
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành Hán-Nôm được đánh giá cao như sắc phong Vĩnh Phúc, Văn bia Vĩnh Phúc, danh nhân Vĩnh Phúc, di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu tỉnh Vĩnh Phúc…
Văn Miếu tỉnh được xây dựng trên cơ sở nguồn tư liệu về truyền thống hiếu học và khoa bảng Vĩnh Phúc hiện lưu giữ nhiều tư liệu Hán-Nôm có giá trị. Câu lạc bộ Hán-Nôm tỉnh được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Ở một số địa phương đã hình thành các lớp học chữ Hán-Nôm cho người cao tuổi.
Thư viện tỉnh hiện đang lưu giữ, bảo quản lượng lớn nguồn tư liệu Hán-Nôm ghi chép về lịch sử, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của vùng đất Vĩnh Phúc qua các giai đoạn lịch sử… Đây là nguồn tư liệu cổ, quý giá còn lại trong xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, các tư liệu này mới được phiên âm, dịch nghĩa sang tiếng Việt phần tiêu đề và một số thông tin tổng quát, gây khó khăn cho bạn đọc trong việc sử dụng nguồn tư liệu. Công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá vốn tư liệu Hán-Nôm tại thư viện chưa rộng rãi, hiệu quả. Việc số hóa các tư liệu chưa được thực hiện, gây khó khăn cho bạn đọc trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn tư liệu.
Trước thực tế đó, Thư viện tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án "Phiên âm, dịch nghĩa, bảo quản và phát huy nguồn tư liệu Hán-Nôm tại Thư viện tỉnh” nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa này.
Giám đốc Thư viện tỉnh Lê Văn Minh cho biết: "Hiện Thư viện tỉnh phối hợp với các đơn vị, các nhà nghiên cứu văn hóa Trung ương, địa phương thuộc lĩnh vực Hán-Nôm tiến hành phiên âm, dịch nghĩa được 2.200 trang tư liệu Hán-Nôm lưu trữ tại thư viện. Dự kiến từ nay đến hết năm 2024 sẽ hoàn thành việc phiên âm, dịch nghĩa toàn bộ nguồn tư liệu này.
Những tư liệu đã được phiên âm, dịch nghĩa được lưu trữ, bảo quản nghiêm ngặt, cẩn thận tại thư viện để phục vụ bạn đọc. Năm 2025, Thư viện tỉnh tiến hành số hóa nguồn tư liệu Hán-Nôm để phục vụ bạn đọc qua đĩa CD-Rom đơn lẻ trên máy tính cá nhân, đăng tải trên website “thuvien.vinhphuc.gov.vn”.
Nguồn tư liệu Hán-Nôm trên địa bàn tỉnh nếu được khai thác, phát huy hiệu quả sẽ là sợi dây liên kết quá khứ với hiện tại, là nguồn tư liệu quan trọng giúp thế hệ sau có cơ hội tìm hiểu về cội nguồn lịch sử, văn hóa của địa phương.
Việc phiên âm, dịch nghĩa và giới thiệu, quảng bá nguồn tư liệu Hán-Nôm tại Thư viện tỉnh tạo thuận lợi trong việc cung cấp thông tin cho bạn đọc, giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu nội dung, ý nghĩa của tư liệu; hỗ trợ cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng hồ sơ xếp hạng các di tích lịch sử trên địa bàn; góp phần làm sáng tỏ, rõ nét hơn về lịch sử, văn hóa Vĩnh Phúc trong tiến trình phát triển; nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương.
Thời gian tới, Thư viện tỉnh đẩy mạnh việc triển khai các nội dung của Đề án "Phiên âm, dịch nghĩa, bảo quản và phát huy nguồn tư liệu Hán-Nôm tại Thư viện tỉnh” đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán-Nôm, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.
Bạch Nga
Nguồn
Bình luận (0)