Ngay sau khi Nghị quyết số 66/NQ-CP được ban hành, Bộ KH&CN đã xây dựng Kế hoạch số 832/KH-BKHCN, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc thực hiện, rà soát toàn bộ 504 TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, trong đó có 384 TTHC liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh. Việc rà soát tập trung vào cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành, tiêu chuẩn kỹ thuật và chế độ báo cáo, đặc biệt là cắt giảm các thành phần hồ sơ không thật sự cần thiết hoặc có thể tra cứu và giảm thời gian giải quyết, chi phí tuân thủ để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Phương án cắt giảm các quy định liên quan hết hoạt động kinh doanh được Bộ KH&CN xây dựng trên cơ sở đảm bảo hài hòa giữa cải cách hành chính và yêu cầu về an toàn, an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng và môi trường. Bộ đặc biệt chú trọng loại bỏ hoàn toàn cơ chế "xin - cho" và chuyển sang tinh thần "phục vụ", giảm thời gian và chi phí thực hiện TTHC, đồng thời nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý nhà nước, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ. Trên cơ sở rà soát, nghiên cứu, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án cắt giảm với đề xuất cắt giảm 245/664 điều kiện kinh doanh, chiếm 37%, đặc biệt có lĩnh vực đạt tỉ lệ trên 50%; đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 210/384 TTHC (54,7%); Thời gian giải quyết TTHC đề nghị rút ngắn 1.543 ngày, tương đương 20,56% trong các lĩnh vực KH&CN, viễn thông, đo lường, v.v...; Chi phí tuân thủ giảm 29.467,37 triệu đồng, tương đương 5,06% tổng chi phí ban đầu.
Dù đạt được kết quả tích cực, tỷ lệ cắt giảm thời gian và chi phí trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ vẫn còn khiêm tốn (khoảng 1%). Nguyên nhân chủ yếu là do lĩnh vực này chịu sự điều chỉnh chặt chẽ bởi các thỏa thuận quốc tề mà Việt Nam đã tham gia như TRIPS, Công ước Paris, Thỏa ước Madrid…, Theo các thỏa thuận này, các yêu cầu về quy trình thẩm định khá phức tạp, thời gian xem xét, giải quyết rất nghiêm ngặt nên không thể đề xuất cắt giảm.
Tương tự, trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện và viễn thông, dù chiếm đến 112 TTHC, việc cắt giảm phải dựa trên nền tảng của các nghị định mới được ban hành gần đây như Nghị định 63/2023/NĐ-CP và 163/2024/NĐ-CP. Bộ KH&CN đã tiến hành lược bỏ nhiều thành phần hồ sơ không cần thiết trong quá trình xây dựng các văn bản này.
Bộ KH&CN là một trong những đơn vị tiên phong trong phân cấp TTHC. Tính đến tháng 6/2025, đã có 121 TTHC được phân cấp xuống địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Bộ cũng chủ động rà soát, chuẩn hóa 126 TTHC nội bộ, trong đó có 12 thủ tục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa.
Trên cơ sở kết quả triển khai và những vướng mắc thực tế, Bộ KH&CN kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, bức xạ hạt nhân, tần số vô tuyến để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế; Văn phòng Chính phủ hướng dẫn linh hoạt hơn về phương pháp xác định chi phí tuân thủ TTHC, đặc biệt đối với lĩnh vực chuyên sâu; Các bộ, ngành tăng cường chia sẻ dữ liệu và phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, sửa đổi các quy định liên quan.
Bộ KH&CN khẳng định cam kết tiếp tục thực hiện quyết liệt cải cách hành chính theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Việc cắt giảm TTHC không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của các lĩnh vực trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ trong thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nguồn: https://mst.gov.vn/bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-day-manh-cat-giam-thu-tuc-hanh-chinh-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-197250718145330163.htm
Bình luận (0)