Cắt giảm, đơn giản hóa 872 TTHC và 118 điều kiện kinh doanh
Thông tin tại phiên họp cho thấy, công tác đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 thời gian qua có những chuyển biến tích cực.
Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được triển khai quyết liệt; đã cắt giảm, đơn giản hóa 872 TTHC và 118 điều kiện kinh doanh. Kinh tế số có bước phát triển khá, giá trị xuất khẩu sản phẩm số ước đạt 78,1 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng 45,4% về số lượng và 25,2% về giá trị; 70% người tiêu dùng tại các thành phố lớn đã sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt hàng ngày. Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng dành cho KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hạ tầng chiến lược được triển khai tích cực. Thương mại điện tử có bước phát triển mạnh, tăng trưởng khoảng 22-25%.
Chính phủ số được đẩy mạnh, triển khai vận hành hiệu quả chính quyền địa phương 2 cấp gắn với phát triển chính quyền số. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng hồ sơ giải quyết TTHC trong 6 tháng năm 2025 đạt 39,51%. Cổng Dịch vụ công quốc gia trở thành một cửa sổ của quốc gia. Nhiều tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai hiệu quả, rộng khắp (có 116 triệu hồ sơ khách hàng tại ngân hàng được đối chiếu thông tin sinh trắc học, tăng gấp đôi so với năm 2024; gần 5.000 chuyến bay tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất sử dụng nhận diện sinh trắc học để làm thủ tục đi máy bay)…

Có chính sách đãi ngộ đặc biệt thu hút chuyên gia
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã xác định tốc độ tăng trưởng GDP 8,3-8,5% trong năm 2025, tăng trưởng nhanh, tăng trưởng cao nhưng phải bền vững. Trong đó, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng. Chính phủ cũng dành thêm nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để đáp ứng yêu cầu bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách để đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Với phương châm "Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị thông minh", Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương 2 cấp phải tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho bộ, ngành, cơ quan, địa phương, bảo đảm "đúng đủ sạch sống". Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thiết lập công cụ quản lý trực quan, hệ thống chỉ số định lượng (KPI) để đánh giá các nhiệm vụ được giao liên quan phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, xác định đột phá về thể chế là "đột phá của đột phá", phải đi sớm, đi trước mở đường cho phát triển. Phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng, then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chí, quy chế quản lý, chế độ làm việc, đãi ngộ và quy trình tuyển dụng tổng công trình sư, kiến trúc sư trưởng để triển khai các hệ thống chiến lược, các sáng kiến đột phá trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong tháng 7; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong và ngoài nước; có chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc, hoàn thành trong tháng 8.

Mỗi bộ, ngành, địa phương lựa chọn một tổng công trình sư về công nghệ thông tin, một tổng công trình sư về nghiệp vụ phối hợp Bộ Công an, Bộ KH-CN và doanh nghiệp công nghệ để xây dựng kiến trúc và chiến lược chuyển đổi số của bộ, ngành.
Về chuyển đổi số, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ có tính đột phá chiến lược, quyết định hiệu quả quản trị quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ KH-CN và 6 thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, xây dựng, phê duyệt đề án đô thị thông minh trong tháng 7 và tổ chức triển khai ngay trong năm 2025.
Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP. Bộ KH-CN tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các giải pháp để đạt quy mô kinh tế số đạt 20% GDP vào cuối năm 2025.
Bộ Công an đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 06, trong đó sớm hoàn thành 40/61 tiện ích trên nền tảng VNeID phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quản lý xã hội; phối hợp với các bộ, ngành thực hiện cắt, giảm, đơn giản hóa đối với 324 TTHC đã có các giấy tờ được tích hợp và chia sẻ trong ứng dụng VNeID; triển khai liên thông đơn thuốc từ các bệnh viện đến hệ thống điều phối dữ liệu y tế, nhà thuốc để tích hợp đồng bộ trên VNeID. Người dân được liên thông dữ liệu đơn thuốc và nhận thuốc tại nhà, thí điểm từ tháng 8 và triển khai chính thức trong tháng 9...
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/bo-tri-it-nhat-3-tong-chi-ngan-sach-de-phat-trien-kh-cn-doi-moi-sang-tao-chuyen-doi-so-post804561.html
Bình luận (0)