Chiều 22/5, tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu Quốc hội đã quan tâm và góp ý cho dự thảo miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trương Xuân Cừ - đoàn Hà Nội đánh giá việc miễn, hỗ trợ học phí với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông có ý nghĩa cực kỳ lớn. Tuy nhiên ông kiến nghị khi đã có chính sách miễn học phí cho học sinh khối công lập, nên làm thế nào để các trường hạn chế đóng các khoản phí khác. Theo đại biểu nhận định thì: "Tại các trường ở Hà Nội, các loại phí khác cũng không phải là ít". Bởi vậy, vị đại biểu nên quan điểm: "Nhà nước đã cơ bản lo được những vấn đề lớn như miễn học phí, vậy đừng vì những vấn đề khác mà ảnh hưởng đến chính sách ưu việt".
Đại biểu Trương Xuân Cừ - đoàn Hà Nội
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Hà - đoàn Bắc Ninh đề nghị Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn chặt chẽ về danh mục và mức trần các khoản thu dịch vụ, thỏa thuận trong nhà trường, kèm theo cơ chế giám sát bởi phụ huynh và chính quyền địa phương.
"Tránh lợi dụng lạm thu các khoản thu khác kể cả trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh", bà Hà nói và cho rằng như vậy mới đảm bảo học sinh được hưởng chính sách thực chất chứ không phải miễn một khoản chính thức nhưng lại phát sinh nhiều khoản khác.
Học sinh trường công chất lượng cao được miễn, giảm học phí thế nào?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhận định, học phí một năm có thể không nhiều, nhưng với gia đình nghèo, khoản đó rất quan trọng. Còn gia đình có mức thu nhập cao, sống khá giả, phần học phí Nhà nước hỗ trợ không bõ bèn gì, nhưng "đó là chuyện của họ, còn với trẻ em phải đối xử công bằng"- đây là trách nhiệm của Nhà nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa
Dự thảo nghị quyết của Quốc hội nêu rõ mức hỗ trợ học phí ở địa phương do HĐND tỉnh quyết định, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa lưu ý phải làm sao công bằng tương đối giữa các địa phương, bảo đảm trẻ em ở miền núi, đồng bằng, thành thị hay nông thôn đều được tiếp cận ở mức công bằng nhất.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan – Đoàn Hà Nội đặt câu hỏi, học sinh ở các trường công chất lượng cao, trường công trực thuộc các trường Đại học, trường thực nghiệm… thì việc miễn, giảm học phí thế nào, trong nghị quyết chưa đề cập đến và cần qui định cụ thể vấn đề này.
Sẽ dạy 2 buổi/ngày miễn phí từ năm học tới
Về hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, HĐND các tỉnh, thành phố sẽ xác định mức học phí bao nhiêu để hỗ trợ các trường công lập. Khi đó sẽ hỗ trợ cho học sinh các trường ngoài công lập mức tương đương như vậy. Các trường công chất lượng cao, trường công trực thuộc trường Đại học, trường thực nghiệm… cũng áp dụng mức hỗ trợ học phí tương tự.
Về hình thức chi trả, với trường công, Nhà nước sẽ cấp trực tiếp cho trường theo số lượng học sinh. Với các trường ngoài công lập, Nhà nước không nộp thay học phí cho học sinh, mà sẽ hỗ trợ một phần bằng hình thức cấp trực tiếp cho người học. Phương án này cũng phù hợp trong điều kiện chuyển đổi số hiện nay.
Bộ trưởng thông tin hiện cả nước đã có 10 địa phương thực hiện miễn học phí. Với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, Nhà nước sẽ dùng ngân sách Trung ương cấp bù. Theo đó, tổng hơn 30.000 tỉ đồng để thực hiện miễn học phí đã tính toán đến các tỉnh, thành chưa tự cân đối được ngân sách.
Về đề nghị miễn học phí cần hạn chế thu các loại phí khác trong trường học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường được miễn phí và áp dụng với ba nhóm gồm các học sinh yếu, trường hợp bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp.
Ngoài ra, mới đây, Tổng Bí thư đã chỉ đạo Bộ lên phương án tổ chức buổi học thứ hai cho học sinh trong nhà trường, với tinh thần không thu chi phí, học phí. Hiện Bộ đang lên phương án để triển khai áp dụng từ năm học tới.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/bo-truong-gddt-tra-loi-ve-viec-mien-hoc-phi-nhung-khong-phat-sinh-khoan-khac-20250522191342726.htm
Bình luận (0)