Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, song, Vĩnh Phúc vẫn thu hút được nhiều dự án đầu tư mới, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, qua đó khẳng định Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn và đầy tiềm năng của các nhà đầu tư.
Công ty cổ phần Tập đoàn CNC Tech là một trong các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động hiệu quả tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc và đang tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất. Ảnh: Thế Hùng
8 tháng năm 2023, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh thu hút được 17 dự án FDI mới và 28 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm gần 446 triệu USD, đạt 171% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 27% kế hoạch năm 2023.
Đồng thời thu hút được 9 dự án trong nước; 4 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm hơn 5.680 tỷ đồng, đạt 260% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 89% so với kế hoạch năm 2023.
Được mệnh danh là KCN kiểu mẫu của tỉnh về chất lượng hạ tầng, môi trường, văn hóa ứng xử, hết tháng 6/2023, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã thu hút được 43 dự án gồm: 9 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 1.269 tỷ đồng và 34 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 1.017 triệu USD; đã có 28 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Nổi bật là tháng 3/2023, Ban Quản lý các KCN đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án nhà máy Công ty TNHH Kitz Corparation Việt Nam do Nhà đầu tư KITZ Corporation đến từ Nhật Bản thực hiện.
Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 25 triệu USD, được triển khai trên diện tích 3,4 ha tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, xã Thiện Kế (Bình Xuyên). Mục tiêu chính của dự án là sản xuất van thép không gỉ với công suất hơn 95.500 sản phẩm/năm. Theo đăng ký đầu tư, dự án sẽ đi vào hoạt động từ tháng 11/2024, giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động trong nước.
Với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, phát triển theo hướng xanh, bền vững, đến nay, KCN Bình Xuyên dẫn đầu về thu hút dự án và vốn đầu tư FDI. Tính hết tháng 6/2023, KCN đã thu hút được 134 dự án, trong đó có 48 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 4.480 tỷ đồng và 86 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 1.363 triệu USD.
Hầu hết các doanh nghiệp (DN) trong KCN Bình Xuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, thiết bị điện, vật liệu xây dựng,…Điển hình như Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, Công ty cổ phần Prime Group, Công ty TNHH Kohsei Multipack, Công ty TNHH De Heus…
Để thu hút các dự án đầu tư vào KCN, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư quan trọng; tiếp đón và làm việc với nhiều đoàn các nhà đầu tư từ các nước đến thăm, tìm hiểu môi trường của tỉnh.
Chỉ đạo Tổ giúp việc cho Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhận và hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN; chú trọng cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch thực hiện theo cơ chế “một cửa liên thông”, rút ngắn thời gian giải quyết từ 1/3 đến một nửa thời gian theo quy định… nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư SXKD hiệu quả.
Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn, cung cấp thông tin cho các DN tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh. Nhờ đó, các KCN của tỉnh tiếp tục tạo được dấu ấn tốt đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về môi trường đầu tư an toàn, thông thoáng và tin cậy.
Lũy kế đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh thu hút được 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 7,7 tỷ USD và 830 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 180 nghìn tỷ đồng. Nhiều DN sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao, sớm thu hồi vốn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất tại Vĩnh Phúc.
Hiện nay, có nhiều tập đoàn kinh tế lớn của các quốc gia đã đầu tư thành công tại Vĩnh Phúc như Toyota, Honda (Nhật Bản), Piaggio (Italia), Patron Vina, Heasung Vina, Jahwa, Sindoh (Hàn Quốc), Prime Group (Thailand),…
Trên địa bàn tỉnh có hơn 70 DN trong chuỗi cung ứng cho Samsung, Dell và một số DN cung ứng linh kiện cho Apple và đã hình thành một số DN nội làm chủ chuỗi cung ứng sản xuất như Cosmos, Á Mỹ, CNCTech... sản xuất các sản phẩm xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu và các thị trường lớn trên thế giới.
Hiện nay, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu; đồng thời tỉnh đã hoàn thành quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đây sẽ là cơ hội để Vĩnh Phúc đón nhận “làn sóng đầu tư mới” vào tỉnh. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản; triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN; duy trì các hoạt động đối thoại với DN, tổ giúp việc cho Chủ tịch UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; hoàn thiện Đề án về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư tại Vĩnh Phúc.
Mai Liên
Nguồn
Bình luận (0)