Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cần quyết liệt để hoàn thành bệnh án điện tử đúng tiến độ

Quá trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các bệnh viện đang bộc lộ những khó khăn, vướng mắc. Điều này đòi hỏi các đơn vị cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để kịp hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (chậm nhất đến hết ngày 30/9) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân23/07/2025

Nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai sử dụng bệnh án điện tử trong quá trình thăm khám cho bệnh nhân.
Nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai sử dụng bệnh án điện tử trong quá trình thăm khám cho bệnh nhân.

Hồ sơ bệnh án điện tử là một trong những trụ cột quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số ngành y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tối ưu hóa công tác quản lý, lưu trữ, chia sẻ thông tin y tế; bảo đảm tính chính xác, liên thông và bảo mật của dữ liệu sức khỏe người dân.

Theo ghi nhận từ một số bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử cho thấy đã đem lại hiệu quả thiết thực cho cả bệnh viện, người bệnh và quỹ bảo hiểm y tế. Ngoài rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính còn tiết kiệm chi hàng tỷ đồng, thậm chí lên tới cả trăm tỷ đồng (đối với từng bệnh viện) cho việc mua film in kết quả chẩn đoán hình ảnh, văn phòng phẩm, mực in...

Đặc biệt, bệnh án điện tử giúp minh bạch toàn bộ việc chấp hành các quy định về chuyên môn (chẩn đoán, kê đơn, chỉ định xét nghiệm, trong suốt quá trình tiếp nhận, điều trị). Bệnh án điện tử tiến tới là kho dữ liệu lớn cho nghiên cứu đánh giá mô hình bệnh tật; là căn cứ để các đơn vị, phục vụ cho kế hoạch mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế…

Thế nhưng, theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 18/7, cả nước mới có 270 bệnh viện công bố triển khai bệnh án điện tử, một con số quá ít so với tổng số khoảng 1.400 bệnh viện trên cả nước.

Trong khi đó, Chỉ thị số 07 ngày 14/3/2025 về đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện hoàn thành triển khai bệnh án điện tử trước ngày 30/9/2025. Như vậy, chỉ còn hơn hai tháng để hoàn thành mục tiêu nên việc triển khai bệnh án điện tử không thể chậm trễ hơn nữa.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ là do nhiều cơ sở y tế vẫn gặp khó khăn về kinh phí, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực cũng như chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp.

Tại hội thảo giải pháp triển khai hồ sơ bệnh án điện tử vừa diễn ra, vẫn còn hàng trăm câu hỏi, thắc mắc để ban tổ chức trả lời, giải đáp, tập trung vào các vấn đề: Về nguồn kinh phí để các đơn vị phát triển bệnh án điện tử; quy trình thủ tục thuê các phần mềm; thời điểm nào Bộ Y tế công bố danh mục phổ biến phần mềm; chữ ký điện tử, chữ ký số cho bệnh nhân và người nhà; quy định về định mức trang thiết bị dùng chung và tiêu dùng để thực hiện mua phần mềm; hạ tầng và an toàn thông tin; chữ ký số trên VNeID...

Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế) Đỗ Trường Duy cho biết, góp phần thúc đẩy nhanh việc triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc, sau khi làm việc với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp triển khai bệnh án điện tử nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các cơ sở y tế và doanh nghiệp, trung tâm đã thống nhất báo cáo đề xuất Bộ Y tế những nội dung: Bộ Y tế báo cáo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ có quyết định chỉ đạo các địa phương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử để các địa phương có căn cứ giao kinh phí cho các cơ sở y tế triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng có văn bản đề nghị bí thư các tỉnh ủy, thành ủy ban hành nghị quyết về việc triển khai bệnh án điện tử nhằm huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị triển khai thực hiện.

Đáng chú ý, Thông tư số 13/2025/TT-BYT hướng dẫn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử có hiệu lực từ ngày 21/7/2025 đã hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc quản lý, triển khai bệnh án điện tử. Theo đó, hồ sơ bệnh án điện tử là hồ sơ bệnh án quy định tại khoản 17 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 được lập, cập nhật, hiển thị, ký, lưu trữ, quản lý, sử dụng và khai thác bằng phương tiện điện tử. Hồ sơ bệnh án là tập hợp dữ liệu, bao gồm thông tin cá nhân, kết quả khám bệnh, kết quả cận lâm sàng, kết quả thăm dò chức năng, quá trình chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và những thông tin khác có liên quan trong quá trình chữa bệnh của người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Kết nối thông tin của hồ sơ bệnh án điện tử với số định danh cá nhân của công dân Việt Nam và người nước ngoài đã được cấp tài khoản định danh điện tử theo quy định pháp luật về căn cước.

Về quy định việc ký, xác nhận điện tử trong hồ sơ bệnh án điện tử, Bộ Y tế cũng đưa ra các hình thức để yêu cầu nhân viên y tế, người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh ký hoặc xác nhận điện tử nội dung liên quan. Hy vọng những nội dung mới được quy định này sẽ gỡ vướng để thúc đẩy nhanh tiến độ triển khai bệnh án điện tử.

anh-man-hinh-2025-07-23-luc-43918-sa.png
Điều dưỡng của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cơ sở Hoàng Mai theo dõi, giám sát quá trình điều trị người bệnh nội trú trên bệnh án điện tử.

Ngay sau khi Thông tư số 13/2025/TT-BYT được ban hành, Trung tâm Thông tin y tế quốc gia cũng ban hành công văn hướng dẫn kỹ thuật triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Bên cạnh đó, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục ban hành hướng dẫn kỹ thuật triển khai Hệ thống PACS.

Đề xuất giải pháp tài chính cho các bệnh viện khi triển khai bệnh án điện tử, ông Phạm Ngọc Đức, Giám đốc triển khai Đề án 06 của Mobifone global (Bộ Công an) cho rằng, các đơn vị có thể thuê lưu trữ dữ liệu hoặc thuê hạ tầng. Khi triển khai, các bệnh viện hoàn toàn có thể “ra đề bài” về nhu cầu để các nhà cung cấp phần mềm lựa chọn giải pháp phù hợp. Hiện nay, chi phí triển khai bệnh án điện tử có nhiều mức khác nhau, có loại lên đến cả tỷ đồng, nhưng nếu không tìm hiểu kỹ, có thể mua đắt mà không sử dụng hết các tính năng, gây lãng phí; nhưng nếu mua rẻ, thì có khi không đáp ứng đúng yêu cầu của bệnh viện.

Theo ông Hoàng Văn Tiến, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giải pháp và Quản lý chất lượng, Trung tâm Thông tin y tế quốc gia, một trong những rào cản lớn là việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm và các giải pháp bảo mật. Hiện quá trình đấu thầu mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin tại các đơn vị y tế còn phức tạp, tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai. Một nguyên nhân khác đến từ phía người dân, nhất là người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa chưa quen sử dụng các tiện ích số như căn cước công dân gắn chip để tra cứu, thanh toán không dùng tiền mặt, khiến việc triển khai gặp trở ngại…

Dù còn nhiều vướng mắc nhưng mốc thời gian đã rõ, chúng ta kỳ vọng, với sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ và sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương, đến ngày 30/9 sẽ hoàn thành việc triển khai bệnh án điện tử.

Nguồn: https://nhandan.vn/can-quyet-liet-de-hoan-thanh-benh-an-dien-tu-dung-tien-do-post895617.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm