Sau khi Chủ tịch UBND TP Trần Văn Lâu tuyên bố sẽ thưởng “nóng” 50 triệu đồng cho người dân, cán bộ đề xuất ý tưởng chống ngập hiệu quả, đã có nhiều sáng kiến gửi về Sở Xây dựng. PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - ĐH Cần Thơ cho rằng có 3 nguyên nhân gây ngập các đô thị ở vùng ĐBSCL.
“Ngày trước, vào mùa lũ, nước lũ đổ về vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười trữ ở đó. Nhưng bây giờ làm đê bao những nơi này thì nước tràn xuống đô thị. Ngoài ra, do lượng mưa tại chỗ ngày càng lớn và dồn dập, vùng đồng bằng càng ngày càng lún thì nước thoát ra khó khăn nên gây ngập nhiều đô thị”, PGS-TS Lê Anh Tuấn nói.
Mưa lớn gây ngập đường Trần Hưng Đạo, phường Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Ảnh minh hoạ.
Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, hệ thống thoát nước tại thành phố tuy được đầu tư theo quy hoạch được duyệt nhưng vẫn chưa bao phủ hết; một số kênh, mương bị lấn chiếm; các miệng thu nước trên một số tuyến đường được thiết kế và thi công nhỏ, không đủ tiết diện thu nước trong trường hợp xảy ra mưa lớn nên gây ngập.
TP Cần Thơ đã triển khai Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3) với tổng nguồn vốn hơn 9.167 tỷ đồng, trong đó sử dụng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới hơn 5.695 tỷ đồng. Dự án 3 có mục tiêu kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường cho phần đô thị lõi của quận Ninh Kiều và Bình Thủy (cũ).
Tuy nhiên, nhiều người dân thắc mắc là Dự án đã đưa vào sử dụng nhiều hạng mục nhưng trung tâm thành phố vẫn ngập khi mưa lớn và triều cường. Một lãnh đạo Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ cho rằng Dự án 3 đã hoàn thiện hệ thống chống ngập và vận hành hiệu quả gồm: 10km kè, 5km đường đê bao, 10 cống ngăn triều, 2 âu thuyền và 32 tuyến cống trong nội ô. Hệ thống này nhằm tăng cường thoát nước cùng hệ thống hiện trạng.
Vấn đề ngập cục bộ trong phạm vi thành phố khi trời mưa còn phụ thuộc vào các yếu tố: lấn chiếm kênh, rạch và vứt rác bừa bãi của các hộ dân dọc theo tuyến kênh, rạch làm cản trở thoát nước tự nhiên; công tác nạo vét bồi lắng, máng thu hệ thống cũ làm giảm năng lực thoát nước.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ nhận định: “Thành phố có nhiều giải pháp nhưng công trình chống ngập sử dụng số liệu đo đạc cũ và mời chuyên gia nơi khác đến nên họ không thấy được sự thay đổi của thông số về khí tượng thủy văn của Cần Thơ. Những tính toán dựa trên những thông số không đúng nên làm công trình chống ngập không hiệu quả”. PGS-TS Lê Anh Tuấn kiến nghị muốn chống ngập cho Cần Thơ thì phải có giải pháp toàn diện trên quy mô vùng, chứ bó hẹp sáng kiến trong Cần Thơ thì rất rủi ro và không hiệu quả.
Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu đã yêu cầu UBND các phường trọng điểm như Ninh Kiều, Tân An, Cái Khế, An Bình, Bình Thủy chủ động phối hợp khảo sát, đánh giá nguyên nhân ngập, đề xuất giải pháp giảm ngập tại các điểm nóng; tăng cường chỉ đạo công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nạo vét hệ thống cống, mương, kênh, rạch thoát thoát nước trên địa bàn phường. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư hệ thống thoát nước đồng bộ với công trình giao thông để tránh tình trạng ngập cục bộ, thiếu kết nối và phải kiểm soát chặt chẽ việc đấu nối từ hộ dân, áp dụng giải pháp hạ tầng xanh và thiết kế thấm nước cho các khu vực công cộng.
Ngoài ra, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, không xả rác vào các miệng thu nước, hố ga trên địa bàn, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử phạt người dân theo quy định trong việc thực hiện các hành vi gây hạn chế dòng chảy, bồi lắng, lấn chiếm kênh, rạch.
Nguồn: https://cand.com.vn/doi-song/can-tho-tim-giai-phap-chong-ngap-hieu-qua-i775423/
Bình luận (0)