Chị T.T.N.Q. (trú phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại sự việc con trai suýt trở thành nạn nhân của trò lừa này. Con trai chị hiện là sinh viên năm nhất Trường Cao đẳng FPT Hà Nội.
Cách đây hơn một tuần cháu có nhận được email thông báo “trúng tuyển chương trình học bổng trao đổi sinh viên quốc tế” giữa Trường Cao đẳng FPT Hà Nội với Trường Đại học Kyungnam (Hàn Quốc).
Thông báo nêu rõ học bổng bao gồm toàn bộ học phí và chi phí nhà ở nhưng yêu cầu gia đình phải chứng minh tài chính với số dư tài khoản tối thiểu 250 triệu đồng. Kèm theo đó là hàng loạt quyền lợi “trong mơ” như: được làm thêm với mức lương 13.000 won/giờ, được ở lại học tiếp hai năm, cơ hội học liên thông lên đại học…
Thông báo trúng tuyển học bổng lừa đảo gửi cho sinh viên Trường Cao đẳng FPT Hà Nội. |
Nhìn tờ thông báo mà con trai gửi về, chị chưa kịp vui mừng thì lại cảm thấy lo ngại. Xem kỹ, chị Q. phát hiện điểm bất thường: phần đầu của thông báo in dòng chữ “Bộ Giáo dục và Đào tạo” ra quyết định, nhưng bên dưới lại đóng dấu đỏ và chữ ký của “Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Hà Nội”. Linh cảm có điều không ổn, chị lập tức gọi điện xác minh với nhà trường và nhận được thông tin: toàn bộ giấy tờ là giả mạo. Nhờ sự cảnh giác, gia đình chị tránh được cú lừa tưởng như đã hoàn hảo.
Còn em N.T.A.T., sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng (quê ở thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) đã không may rơi vào bẫy. Em T. kể, do tham gia nhóm “sinh viên tìm việc” trên mạng xã hội, hơn một tháng trước em đã nhận được thư mời “trúng học bổng trao đổi sinh viên” giữa Đại học Hosei (Nhật Bản) với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng. Khi nhắn tin phản hồi thì được hướng dẫn nộp đơn xin học bổng, viết bài luận cá nhân và cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, bao gồm: mã số sinh viên, email, số điện thoại...
Để xác minh lại thông tin, T. đã gọi vào số điện thoại ghi trên thư mời để hỏi thì được yêu cầu cá nhân phải có tối thiểu 500 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng để “chứng minh tài chính”. Vì gia đình không xoay xở kịp, em T. liền được hướng dẫn “đặt cọc giữ suất” trước 50 triệu đồng, cam kết sẽ hoàn tiền sau. Sau khi bố mẹ vay được tiền chuyển vào tài khoản cá nhân T. để “chứng minh tài chính” thì em tiếp tục được yêu cầu cung cấp mã OTP ngân hàng để “xác minh giao dịch”. Ngay sau khi làm theo, em T. phát hiện tài khoản bị chiếm đoạt, liên lạc với đối tượng cũng bị cắt đứt hoàn toàn. Khi nhận ra bị lừa, em chỉ biết bật khóc.
Theo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), thời gian qua, thủ đoạn lừa đảo học bổng, tuyển sinh quốc tế đã nở rộ trên không gian mạng, đặc biệt nhắm vào nhóm đối tượng trẻ, thiếu kinh nghiệm và phụ huynh nóng lòng muốn con có cơ hội du học.
Các đối tượng thường xuyên gửi email mời gọi trúng học bổng, du học miễn phí, hoặc đăng tải thông tin sai lệch trên các diễn đàn, hội nhóm. Những thư mời, thông báo đều được thiết kế vô cùng chuyên nghiệp, có logo, dấu đỏ, chữ ký của các trường danh tiếng hoặc cơ quan nhà nước. Không ít trường hợp chúng còn tổ chức “hội thảo online”, thuê người đóng vai “cán bộ hợp tác quốc tế” để tư vấn, dẫn dắt nạn nhân tin tưởng và chuyển tiền.
Em N.T.A.T. kể lại việc mình bị lừa đảo qua mạng. |
Khi nạn nhân đã cung cấp đủ thông tin cá nhân, các đối tượng có thể dùng vào nhiều mục đích khác như chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, mạo danh để vay tín chấp, hoặc sử dụng vào các hành vi phạm pháp. Hậu quả không chỉ là mất tiền mà còn là nguy cơ bị rò rỉ thông tin mà không hay biết.
Để tránh trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh) khuyến cáo: Phụ huynh và các em học sinh, sinh viên cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, không khai báo mã OTP cho bất kỳ ai, không điền thông tin cá nhân vào các đường link lạ.
Khi nhận được thông báo trúng tuyển hay học bổng, hãy kiểm tra thông tin trên website chính thức của trường (kiểm tra kỹ địa chỉ tên miền). Các yêu cầu “giữ chỗ”, “đặt cọc”, “chứng minh tài chính” nếu không qua đơn vị uy tín đều tiềm ẩn rủi ro lừa đảo. Tốt nhất, hãy gọi điện hoặc đến trực tiếp phòng công tác sinh viên hoặc phòng hợp tác quốc tế của nhà trường để xác minh.
Ngoài ra, cần thường xuyên tham khảo ý kiến giáo viên chủ nhiệm, bộ phận tư vấn học đường hoặc cơ quan công an nếu phát hiện dấu hiệu bất thường. Việc lan tỏa thông tin cảnh báo trong cộng đồng cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ người thân khỏi các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi.
Lê Thành
Nguồn: https://baodaklak.vn/phap-luat/202505/canh-bao-thu-doan-lua-dao-tuyen-sinh-trao-hoc-bong-5110093/
Bình luận (0)