
Chiều tối 19/7, nhiều địa phương ở Nghệ An hứng chịu trận mưa lớn kèm gió lốc, khiến không ít diện tích rau màu bị ảnh hưởng. Đặc biệt là các loại cây leo giàn như mướp, su su, bí bị gãy thân, rụng quả, thậm chí giàn bị sập đổ hoàn toàn.
Nhận định bão số 3 sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong vài ngày tới, ngay khi trời hửng nắng sáng 20/7, nông dân ở các vùng dự báo trọng điểm ảnh hưởng bão đã chủ động ra đồng thu hoạch nông sản với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Tại các vùng rau màu lớn nhất tỉnh như phường Quỳnh Mai (thuộc thị xã Hoàng Mai cũ), xã Quỳnh Anh (thuộc Quỳnh Lưu cũ) từ sáng sớm, hàng trăm hộ dân đã có mặt ngoài đồng nhổ hành, hái cà, bẻ bí, cắt mướp… Mọi người tranh thủ từng giờ để thu gom nông sản. Đây là thời điểm thu hoạch các loại rau như hành, cải ngọt, cà, mướp những loại rau rất dễ hư hại khi gặp mưa dầm, gió mạnh.
Bà Nguyễn Thị Khôi, ở khối Bình Minh, phường Quỳnh Mai cho biết, gia đình trồng 5 sào hành theo hình thức gối vụ, vốn chưa đến kỳ thu hoạch khi đạt sản lượng tối ưu. Tuy nhiên, thời tiết bất lợi, bà quyết định thu hoạch sớm để tránh thiệt hại. “Tôi thuê thêm nhân công và gọi thương lái vào tận ruộng mua. Giá hành bây giờ khoảng 9.000 đồng/kg, là mức giá khá cao ...”, bà Khôi nói.

Không riêng gì hành, các loại cà, bí, mướp cũng đang được người dân Quỳnh Mai, Quỳnh Anh tập trung thu hái. Có những vườn cà chỉ vừa mới thu lứa đầu, quả chưa đạt trọng lượng chuẩn, nhưng bà con vẫn quyết định thu non để “cứu vớt” phần nào trước nguy cơ gió lớn làm gãy cây, rụng quả.
“Cà non thì năng suất kém hơn, nhưng giá bán hiện nay là 9.000 đồng/kg, thương lái vẫn mua đều, còn hơn để khi bão vào, nguy cơ mất trắng”, bà Hồ Thị Nhẫn, một hộ dân trồng cà ở Quỳnh Anh cho hay.

Tại xã Đại Huệ (thuộc Nam Đàn cũ), không khí lao động cũng không kém phần tất bật. Nơi đây nổi tiếng với cánh đồng rau gia vị và hoa thiên lý. Sáng nay, từ mờ đất, nhiều hộ dân đã tranh thủ thu hái hoa lý, cắt rau tía tô, rau quế, ngổ… đồng thời tiến hành nạo vét mương, khơi thông rãnh thoát nước.
“Hoa lý là cây leo, gặp mưa to dễ rụng hoa, đổ giàn. Rau gia vị lại nhanh thối rễ nếu bị ngập úng. Bởi vậy, nhà nào cũng phải thu gấp và dọn sạch đường rãnh giữa các luống để thoát nước”, bà Nguyễn Thị Hạnh (xóm Xuân Sơn, xã Đại Huệ) chia sẻ.

Ở các vùng trồng chanh như Hưng Trung (thuộc huyện Hưng Nguyên cũ) và Thiên Nhẫn (huyện Nam Đàn cũ), nông dân cũng đang cấp tập thu hoạch chanh “chạy bão”. Dù chanh đang còn non, quả chưa mọng nước, nhưng người dân vẫn tranh thủ hái bán trước khi bão về.
Ông Phan Văn Châu (xã Hưng Trung) cho biết: “Một trận gió lốc là chanh rụng. Do đó, dù đúng ra, phải 10 ngày nữa mới đúng kỳ thu hoạch nhưng đành thu sớm một phần đối với những diện tích chanh sớm. Trong hôm nay, dự kiến tôi sẽ thu khoảng 2 tạ chanh, đã liên hệ với thương lái thu mua tận vườn với giá 10.000 đồng/kg”.

Không chỉ chủ động thu hoạch, người dân còn nhanh chóng gia cố giàn leo, che chắn cho những diện tích còn lại, đồng thời nạo vét ao, mương, tháo nước đệm để giảm thiểu nguy cơ ngập úng. Sự khẩn trương ấy không phải là bị động chạy theo thời tiết, mà thể hiện rõ tinh thần sẵn sàng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, giữ được phần nào công sức sau bao ngày chăm sóc.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, bão số 3 di chuyển nhanh, phức tạp, theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, Nghệ An có thể chịu ảnh hưởng từ đêm 20/7, với mưa lớn, gió mạnh, nguy cơ ngập úng vùng trũng thấp, giông lốc, sạt lở đất tại các vùng đồi núi.
.png)
Trong bối cảnh đó, việc bà con nông dân chủ động, đồng loạt ra đồng, không ngại mệt nhọc để “chạy bão” là minh chứng cho sự thích ứng linh hoạt với thời tiết cực đoan ngày càng thường xuyên xảy ra.
Nguồn: https://baonghean.vn/chay-dua-voi-bao-so-3-wipha-nong-dan-nghe-an-cap-tap-thu-hoach-nong-san-10302686.html
Bình luận (0)