Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương
Một là, xác lập nền tảng pháp lý và xác định thành tố cấu thành của chính quyền địa phương.
Xây dựng Nhà nước hợp hiến, hợp pháp là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với tổ chức chính quyền địa phương, bước đi đầu tiên có ý nghĩa nền tảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh đạo xác lập nền tảng pháp lý và xác định thành tố cấu thành. Hiến pháp năm 1946 với Chương 5 “Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính” là văn bản luật sớm nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng, ban hành. Kế thừa tinh thần của Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 đã bổ sung cụm từ địa phương các cấp và dành Chương 7 đề cập đến “Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính địa phương các cấp”. Đã có sự bổ sung cụm từ “địa phương các cấp” vào tên của chương. Hiến pháp năm 1959, điều 78, nêu rõ: “Các đơn vị hành chính trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phân định như sau: Nước chia thành tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thành phố, thị xã; Huyện chia thành xã, thị trấn. Các đơn vị hành chính trong khu vực tự trị do luật định”. Điều 79 của Hiến pháp năm 1959 quy định: “Các đơn vị hành chính kể trên đều thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính. Các thành phố có thể chia thành khu phố có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính theo quyết định của Hội đồng Chính phủ”.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1958 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành quy định cụ thể, chi tiết về tổ chức chính quyền địa phương. Chương 1 quy định: Các khu tự trị, các thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh, châu, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, xã, thị trấn có hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính. Các huyện có ủy ban hành chính. Các khu phố ở các thành phố và thị xã lớn có ban hành chính khu phố. Các thành phố có thể chia thành khu phố có hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính. Như vậy, tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương bao gồm hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân (có lúc gọi là ủy ban hành chính) ở các cấp phân định hành chính địa phương theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Hội đồng nhân dân là cơ quan cấu thành tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương ở Việt Nam. Sắc lệnh số 63/SL ngày 22-11-1945 quy định hội đồng nhân dân cấp xã có từ 15 - 25 hội viên chính thức và từ 5 - 7 hội viên dự khuyết. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có từ 20 - 30 hội viên chính thức và 5 hội viên dự khuyết. Số lượng hội viên hội đồng nhân dân được tính theo dân số thông qua nghị định của Bộ Nội vụ. Ngày 23-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 10/SL, điều chỉnh một số quy định: ở mỗi tỉnh sẽ đặt một hội đồng nhân dân bao gồm có từ 20 đến 30 hội viên chính thức và một số hội viên dự khuyết ngang số đơn vị tuyển cử (tức là mỗi đơn cử có một hội viên dự khuyết); đơn vị tuyển cử sẽ là huyện và thị xã. Số hội viên chia cho mỗi huyện và mỗi thị xã sẽ do nghị định của ủy ban hành chính kỳ ấn định.
Ủy ban nhân dân (cách gọi khác là ủy ban hành chính) là cơ quan chấp hành, do hội đồng nhân dân bầu ra; chấp hành nghị quyết, chịu sự giám sát của hội đồng nhân dân. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1958: “Ủy ban hành chính các cấp là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân cùng cấp...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem “Ủy ban nhân dân (xã, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức Chính phủ trong các địa phương”(1). Sắc lệnh số 63/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 22-11-1945 quy định cách tổ chức ủy ban hành chính gồm có cấp xã, huyện, tỉnh, kỳ. Trong bài viết “Cách tổ chức các ủy ban nhân dân”(2), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Ủy ban có từ 5 đến 7 người phải cử ra một chủ tịch, đứng đầu ủy ban, có nhiệm vụ đốc suất, củ soát các ủy viên khác, liên lạc với các cấp bộ trên và các tổ chức trong địa phương, chiêu tập và điều khiển các cuộc họp; một phó chủ tịch, giúp đỡ và thay chủ tịch khi anh này bận hay đi vắng; một thư ký giữ sổ sách, làm biên bản trong các cuộc hội họp; các ủy viên phụ trách chính trị, kinh tế tài chính, quân sự, xã hội. Chủ tịch, phó chủ tịch và thư ký có thể kiêm phụ trách hoặc kinh tế, tài chính, hoặc tuyên truyền huấn luyện, hoặc quân sự, hoặc xã hội. Họp chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký thành ban thường vụ để chỉ huy công tác hằng ngày. Những ủy viên phụ trách, nếu cần, có thể lấy một số người ngoài ủy ban lập ra các tiểu ban tuyên truyền huấn luyện, tiểu ban tư pháp, tiểu ban quân sự, v.v. Trong các tiểu ban đó, ủy viên phụ trách sẽ làm trưởng ban. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất chi tiết “cách tổ chức của ủy ban nhân dân”. Với cách tổ chức đó, “Ủy ban nhân dân tổ chức và làm việc theo một tinh thần mới, một chế độ dân chủ mới, khác hẳn các cơ quan do bọn thống trị cũ đặt ra”(3).
Hai là, xác lập nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
Có 4 nguyên tắc nổi bật được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh khi xác lập nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tổ chức bộ máy chính quyền địa phương:
Nguyên tắc dân chủ: Với quan điểm chính quyền từ xã đến Trung ương do dân tổ chức ra, tất cả quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nguyên tắc dân chủ đối với hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân trong tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương - nơi hằng ngày trực tiếp phụng sự nhân dân. Trong mối quan hệ với nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân vừa là người đại biểu, đại diện thực thi quyền lực được trao cho, vừa là người “đầy tớ” chăm lo, phục vụ cho lợi ích của nhân dân địa phương. Hội đồng nhân dân “chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương”. Trong mối quan hệ với nhân dân địa phương, Ủy ban nhân dân vừa là người quản lý, vừa là người “đầy tớ”. Vị trí người quản lý thể hiện trong chức năng, quyền hạn của ủy ban nhân dân được quy định bởi pháp luật. Vị trí người “đầy tớ” thể hiện qua mục tiêu tồn tại và hoạt động của Ủy ban nhân dân hướng đến phục vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh quyền kiểm soát và bãi miễn của nhân dân khi chính quyền nhà nước nói chung, chính quyền địa phương nói riêng không xứng đáng với sự ủy quyền.
Nguyên tắc tập trung dân chủ: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của các cơ quan Nhà nước trong chế độ ta, nó đã được thể hiện trong tổ chức Nhà nước của ta”(4). Người chỉ rõ: “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ. Nhân dân bầu ra các hội đồng nhân dân, ủy ban kháng chiến hành chính địa phương và Quốc hội cùng Chính phủ Trung ương... Nhân dân là ông chủnắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ. Các cơ quan chính quyền là thống nhất, tập trung. Từ hội đồng nhân dân và ủy ban kháng chiến hành chính xã đến Quốc hội và Chính phủ Trung ương, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương. Thế là vừa dân chủ vừa tập trung”(5). Nguyên tắc tập trung dân chủ xác lập chế độ làm việc của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân của chính quyền địa phương.
Nguyên tắc pháp quyền: Được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trên hai khía cạnh chính trong hoạt động của tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương. Trước hết là xác lập nền tảng pháp lý để trên đó kiến tạo ra tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương. Điều này thể hiện rõ trong chương quy định về chính quyền địa phương của Hiến pháp các năm 1946, 1959 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1958, đã tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tạo lập và vận hành của các thành tố trong chính quyền địa phương. Trên nền tảng nguyên tắc pháp quyền, chính quyền địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ để ban hành và thực thi quyết sách nhằm bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành pháp luật ở địa phương.
Nguyên tắc Đảng lãnh đạo: Bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng được xác lập là nguyên tắc cơ bản đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy tại địa phương trong xây dựng ủy ban nhân dân cùng cấp. Người cũng nhắc nhở cấp ủy không được xem nhẹ vai trò của chính quyền, không được “lấn sân” ôm đồm làm thay chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Về lãnh đạo các đồng chí có cố gắng, có thành tích nhưng không toàn diện, được việc này nhẹ việc khác... Khuyết điểm nữa là chưa phát huy được tác dụng của chính quyền, Trung ương thường nhắc là phải kinh qua chính quyền mà thực hiện chính sách của Đảng, nhưng các cấp ủy thường coi nhẹ vai trò chính quyền, việc gì cũng bí thư, cũng Đảng ôm đồm làm cả, làm cho chủ tịch ủy ban hành chính trở nên kém tác dụng. Như thế là không đúng, không đúng tức là khuyết điểm cần phải sửa chữa”(6).
Ba là, tổ chức chính quyền địa phương đa dạng trong thống nhất.
Một trong những điểm nổi bật của tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo tinh thần Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 là sự đa dạng trong thống nhất. Tính thống nhất thể hiện ở chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động; ở sự thống nhất chấp hành của chính quyền địa phương với trung ương trong thực thi quyền lực nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các cơ quan chính quyền là thống nhất, tập trung”(7). Hội đồng nhân dân là một bộ phận cấu thành của cơ quan quyền lực nhà nước thống nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Người chỉ rõ: “Hiến pháp năm 1946 đã thành lập “Nghị viện nhân dân” và “Hội đồng nhân dân” các cấp. Quốc hội là Hội đồng nhân dân toàn quốc. Ở địa phương thì có Hội đồng nhân dân địa phương. Quốc hội và Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu do nhân dân bầu ra theo chế độ phổ thông đầu phiếu. Quốc hội quyết định những công việc quan trọng nhất của Nhà nước. Hội đồng nhân dân quyết định những công việc quan trọng nhất ở địa phương”(8).
Tính đa dạng của tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương thể hiện ở sự khác nhau trong quy định thành tố cấu thành tổ chức bộ máy chính quyền giữa các cấp địa phương và các địa bàn. Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo xây dựng và ban hành nêu rõ: Nước Việt Nam về phương diện hành chính gồm có ba bộ: Bắc, Trung, Nam. Mỗi bộ chia thành tỉnh, mỗi tỉnh chia thành huyện, mỗi huyện chia thành xã. Ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có hội đồng nhân dân do đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, thị xã hay xã cử ra ủy ban hành chính. Ở bộ và huyện, chỉ có ủy ban hành chính. Ủy ban hành chính bộ do hội đồng các tỉnh và thành phố bầu ra. Ủy ban hành chính huyện do hội đồng các xã bầu ra. Với quy định này của Hiến pháp năm 1946 thì cấp bộ và cấp huyện không tổ chức hội đồng nhân dân.
Trong thiết kế hoạt động của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cũng có sự đa dạng. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1958 quy định nhiệm kỳ hội đồng nhân dân khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh là 3 năm; nhiệm kỳ hội đồng nhân dân các cấp khác là 2 năm. Hội đồng nhân dân khu tự trị và tỉnh họp 6 tháng một lần; hội đồng nhân dân thành phố và châu họp 3 tháng một lần. Hội đồng nhân dân thị xã, xã, thị trấn họp ít nhất 3 tháng một lần. Ủy ban nhân dân theo nhiệm kỳ của hội đồng nhân dân cùng cấp nên sự đa dạng của hội đồng nhân dân dẫn đến sự đa dạng trong nhiệm kỳ của ủy ban nhân dân.
Sắc lệnh số 63/SL ngày 22-11-1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký cho thấy không có sự giống nhau hoàn toàn giữa các cấp ủy ban hành chính địa phương về cơ cấu ủy viên, nhân sự lãnh đạo và cơ chế tổ chức. Cấp xã và cấp kỳ có 5 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết; cấp huyện và cấp tỉnh có 3 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Ủy ban hành chính xã do hội đồng nhân dân xã bầu ra; ủy ban hành chính cấp huyện do hội viên hội đồng nhân dân các xã trong huyện bầu ra (không phải do hội đồng nhân dân huyện bầu ra); ủy ban hành chính cấp tỉnh do hội đồng nhân dân tỉnh bầu ra; ủy ban hành chính cấp kỳ do hội viên hội đồng nhân dân các tỉnh trong kỳ bầu ra (không phải do hội đồng nhân dân kỳ bầu ra).
Các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cũng có sự đa dạng. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1958 cho phép tùy nhu cầu công tác của mỗi cấp chính quyền địa phương và mỗi địa bàn mà ủy ban hành chính có thể lập ra các cơ quan chuyên môn: Ủy ban hành chính khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh có văn phòng và có thể, tùy nhu cầu công tác, lập ra các cơ quan chuyên môn. Ủy ban hành chính châu, thành phố trực thuộc tỉnh, huyện, thị xã có văn phòng và có thể, tùy nhu cầu công tác, lập một số bộ phận chuyên môn. Ủy ban hành chính xã, thị trấn có một hoặc nhiều thư ký giúp việc bộ phận thường trực của ủy ban và có thể, tùy nhu cầu công tác, lập một số bộ phận chuyên môn.
Sự đa dạng này phản ánh tính linh hoạt trong tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của mỗi cấp địa phương và mỗi địa bàn, nhưng hiện hữu trong chỉnh thể thống nhất của tổ chức bộ máy chính quyền địa phương với quy định hợp lý về mối quan hệ phân công, phối hợp giúp cho chính quyền địa phương vận hành thông suốt và hiệu quả kể cả trong điều kiện chiến tranh, hạ tầng giao thông và kết nối còn nhiều khó khăn.
Bốn là, xây dựng đội ngũ nhân sự cho chính quyền địa phương.
Trong bài viết “Dân vận”, quan điểm “Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra”(9)đã thể hiện rõ một nguyên tắc nền tảng của việc tuyển chọn, bầu chọn cán bộ, công chức chính quyền địa phương: “do dân cử ra”.
“Quốc hội và Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu do nhân dân bầu ra theo chế độ phổ thông đầu phiếu”(10). Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đó là hình thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và bảo đảm hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương với hội viên thật sự là người đại biểu của nhân dân. Số lượng hội viên hội đồng nhân dân được xác định theo số dân tại địa phương và được quy định bởi một nghị định của cơ quan có thẩm quyền. Mọi công dân từ 21 tuổi trở lên đều được ứng cử làm hội viên hội đồng nhân dân, trừ những thành phần luật không cho phép. Bầu cử hội viên hội đồng nhân dân là nhiệm vụ chung của toàn hệ thống chính trị và nhân dân.
Đối với công chức làm việc ở cơ quan chuyên môn của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân được tuyển dụng theo quy định của Quy chế Công chức do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tại Sắc lệnh số 76/SL ngày 20-5-1950. Quy chế nêu rõ: việc tuyển bổ công chức chỉ căn cứ vào năng lực (thành tích, kinh nghiệm, trình độ văn hóa) xét theo ba cách sau này: qua kỳ thi; theo học bạ hay văn bằng; theo đề nghị của hội đồng tuyển trạch. Ngoài điều kiện năng lực, do quy tắc ấn định, những người muốn được tuyển vào một ngạch công chức phải có quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi. Đối với một vài ngạch đặc biệt, quy tắc có thể ấn định một hạn tuổi tối thiểu cao hơn; hạnh kiểm tốt; có quyền công dân; có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của một y sĩ công. Đồng bào dân tộc thiểu số, cựu binh thương binh, quân nhân có chiến công sẽ được ưu đãi trong việc tuyển dụng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động của chính quyền địa phương. Năm 1948, trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và huyện ba tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn”, Người nhận định: “phần nhiều cấp xã là uể oải, thiếu năng lực, kém tinh thần”(11). Năm 1952, trong “Báo cáo tình hình và nhiệm vụ tại Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa II”, Người cũng nhận định: “Cấp xã nhiều nơi còn xộc xệch lắm”(12). Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ ra những căn bệnh, biểu hiện tiêu cực và chỉ dẫn biện pháp để kiên quyết khắc phục.
Ý nghĩa và vận dụng trong xây dựng tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương hiện nay
Hiện nay, yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới đòi hỏi phải “khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”. Với phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng”, việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương gắn liền với sắp xếp các cấp hành chính đang được tiến hành khẩn trương, chắc chắn. Nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho toàn bộ quá trình đổi mới có tầm vóc cách mạng này là tư tưởng Hồ Chí Minh - tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.
Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị diễn ra với khối lượng công việc lớn với nhiều vấn đề mới mẻ đặt ra đòi hỏi khẩn trương nhận thức và có đối sách giải quyết đúng đắn để bảo đảm đạt được mục tiêu tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả. Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, trực tiếp là gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, đã khẳng định bài học: Trước mỗi khó khăn, thử thách đặt ra, tư tưởng Hồ Chí Minh là cẩm nang thần kỳ mang lại chỉ dẫn phương pháp luận đúng đắn để nhận thức, giải quyết và vượt qua.
Tính đa dạng và thống nhất trong tổ chức chính quyền địa phương phản ánh qua quan điểm và thực tiễn lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy cần có tư duy đổi mới trên nền tảng bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn. Trong điều kiện kháng chiến với nhiều khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn lãnh đạo xây dựng tổ chức chính quyền địa phương không hoàn toàn đồng nhất mà có điểm khác nhau phản ánh tính đặc thù của mỗi cấp địa phương và mỗi địa bàn. Hơn hai thập niên đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần lãnh đạo việc điều chỉnh, sắp xếp chính quyền địa phương với sự thay đổi cả về cấp hành chính lẫn cơ cấu nhân sự và đơn vị trực thuộc. Việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp kỳ và thiết kế lại tổ chức chính quyền địa phương ngay trong điều kiện đất nước vừa kháng chiến, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội với rất nhiều khó khăn đã thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới trên nền tảng “dĩ công vi thượng”. Sự đổi mới này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của một giai đoạn cách mạng và quay trở lại phục vụ, thúc đẩy giai đoạn cách mạng ấy. Trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Mỗi giai đoạn cách mạng phải có bộ máy để thực thi đường lối, chính sách pháp luật, bảo đảm mục tiêu cho từng giai đoạn phát triển. Đây là thời điểm vàng triển khai tinh gọn, sắp xếp bộ máy để đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân(13). Việc kết thúc hoạt động của cấp hành chính kỳ với bộ máy chính quyền địa phương tương ứng và sắp xếp, điều chỉnh thiết kế chính quyền địa phương các cấp còn lại dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở quan trọng soi chiếu cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay, bao gồm cả việc kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện, việc tổ chức, sắp xếp, điều chỉnh thiết kế chính quyền cấp tỉnh và cấp xã hiện nay.
Yêu cầu quan trọng của việc sắp xếp, điều chỉnh chính quyền địa phương hiện nay là hoàn thiện thể chế với quy định cụ thể về nguyên tắc, chế độ làm việc, bộ máy và nhân sự, mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với Trung ương. Quá trình lãnh đạo xây dựng chính quyền địa phương của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là quá trình xây dựng và ban hành 2 bản Hiến pháp, nhiều luật và sắc lệnh với quy định vừa mang tầm vĩ mô, vừa cụ thể chi tiết định hình nên khung thể chế cho sự vận hành phù hợp điều kiện, đặc điểm từng thời kỳ. Trong đó, quy định rất toàn diện, cụ thể về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của các thành tố trong chính quyền địa phương. Quy định này vừa có tính “đóng”, vừa có tính “mở”, nghĩa là vừa ấn định cụ thể phải triệt để chấp hành, vừa “mở” cho chủ động phù hợp với điều kiện thực tế. Chính quyền địa phương phải phục tùng Trung ương, chính quyền địa phương cấp dưới phải phục tùng chính quyền địa phương cấp trên, đồng thời nhấn mạnh được quyền quyết định mọi việc “trong phạm vi địa phương và trong phạm vi luật lệ quy định” và “không được trái với chỉ thị của các cấp trên”. Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng thể chế với sự phân định rất rõ chức năng, nhiệm vụ của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân; phân định rõ cơ quan quyền lực nhà nước, ban hành nghị quyết với cơ quan chấp hành, thực thi. Đây là cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng đề ra và thực hiện chủ trương: “Tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”... Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, bảo đảm sự phân biệt rõ cấp ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật với cấp tổ chức thực hiện”(14).
Cán bộ, công chức, viên chức là nhân tố quan trọng của tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Do vậy, mọi hoạt động sắp xếp, xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền địa phương đều liên quan mật thiết với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay chính là dịp để sàng lọc, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cho tinh gọn và hiệu quả hơn; “gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh”(15). Đảng ta chủ trương: “Ban hành quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp, từ Trung ương tới cơ sở, từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố trí ngay. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội”(16). Xác định biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh, xây dựng khung tiêu chuẩn, bố trí cán bộ, đánh giá và sàng lọc cán bộ, sử dụng người có năng lực nổi trội - công việc “then chốt” của xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền địa phương trước đây và hiện nay - đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo thực hiện trong nhiều năm xây dựng chính quyền cách mạng. Bước đi, cách làm, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền địa phương cả “đầu vào” (thi tuyển nhiều môn và nghiêm túc) lẫn “đầu ra” (đánh giá cán bộ, nhân dân bãi miễn); đạo đức lẫn năng lực, phong cách, lối làm việc; tuyển chọn, huấn luyện, sử dụng, đánh giá cán bộ; xây dựng yếu tố tích cực lẫn kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực; thu hút và sử dụng nhân tài;... để lại cho quá trình sắp xếp, sàng lọc cán bộ hiện nay chỉ dẫn nguyên vẹn giá trị.
Yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đòi hỏi khẩn trương thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với tính chất là nhiệm vụ chủ đạo, tiên quyết. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Với việc tinh gọn tổ chức bộ máy này, tiết kiệm tiền chỉ là một phần thôi, quan trọng hơn cả là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả bộ máy, đưa đất nước phát triển lên”(17). Toàn dân tộc đang đứng trước “thời cơ vàng” để thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Toàn bộ quá trình to lớn và khẩn trương đó phải thấm nhuần căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cấp xã là gần gũi nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi”(18). Chính vì vậy, Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28-2-2025, “Về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “Đối với cấp xã: Cần xác định rõ các mô hình chính quyền địa phương cấp xã đối với khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng, hải đảo, quy mô dân số, diện tích, lịch sử, văn hoá, các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo...”./.
--------------
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 12, 12 - 14
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 14
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 379
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr.263 – 264
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 75
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 264
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 374
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 374
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 460
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 391
(13) Trích phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) trong chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 13-2-2025. Xem: Báo Nhân Dân điện tử, ngày 13-2-2025, https://nhandan.vn/tong-bi-thu-to-lam-sap-xep-tinh-gon-bo-may-de-dat-muc-tieu-tang-truong-kinh-te-va-nang-cao-doi-song-nhan-dan-post859825.html
(14) GS, TS. Tô Lâm: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, Tạp chí Cộng sản, số 1050, tháng 11-2024, tr. 15
(15), (16) GS, TS. Tô Lâm: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, Tlđd, tr. 15
(17) Trích phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) trong chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 13-2-2025. Xem: Báo điện tử Chính phủ, ngày 13-2-2025, https://baochinhphu.vn/tong-bi-thu-to-lam-day-la-thoi-co-vang-de-sap-xep-tinh-gon-bo-may-102250213164125207.htm
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 460
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/1085803/chi-dan-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-xay-dung%2C-kien-toan-to-chuc-bo-may-cua-chinh-quyen-dia-phuong-va-y-nghia-doi-voi-cong-cuoc-sap-xep-to-chuc-bo-may-cua-chinh-quyen-dia-phuong-hien-nay.aspx
Bình luận (0)