Chị Thông và trải nghiệm cuộc sống ở vùng cao
Không còn những yếu tố kịch tính, gay cấn hay xung đột nhau như trong những chương trình thực tế khác, Gia đình Haha thu hút lượng người xem lớn nhờ những câu chuyện đời thường, giản dị. Xuyên suốt chặng hành trình của Jun Phạm, Bùi Công Nam, Duy Khánh, Ngọc Thanh Tâm và người xem đều cảm thấy thoải mái không chỉ bởi những khung cảnh đẹp mắt ở miền núi, miền biển mà còn lại câu chuyện của những người "bình thường nhưng phi thường" như chị Thông và anh Điệp.
Chị Thông được mọi người yêu thích vì sự chăm chỉ cùng tính cách hài hước
Ảnh: Fanpage chương trình
Ở chặng đầu tiên, 4 thành viên của Gia đình Haha có dịp đến homestay tại Bản Liền của chị Vàng Thị Thông (người dân tộc Tày) ở Lào Cai và tại đó họ sống với nhau như một gia đình. Rũ bỏ ánh hào quang, Jun Phạm, Bùi Công Nam, Duy Khánh và Ngọc Thanh Tâm được chị Thông và anh A (Lâm A Hà) dạy cho dùng trâu cày ruộng, cho trâu ăn muối để trâu nhớ đường về nhà, cách hái trà "một tôm hai lá", lợp cọ sao cho gió thổi không bay, thổi kèn bằng lá chè...
Gia đình chị Thông cho mọi người hiểu về lễ cúng đầu mùa, nét văn hóa nhằm tạ ơn trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng bội thu, mong cầu một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe bình an. Trong lễ cúng, người dân tránh mặc quần áo toàn màu trắng. Trước ngày cúng, gia chủ mời hàng xóm sang nhà cùng chuẩn bị mâm cổ, sau đó quây quần bên nhau làm bánh, sao chè, đồ xôi.
Xem chương trình, mọi người không khỏi bất ngờ khi chị Thông làm việc liên tục từ tinh mơ cho đến tối muộn từ chăn ngựa, cho vịt ăn, chặt tre, vác tre, bóc vỏ quế... Họ lao động một cách hăng say và chăm chỉ với khát vọng có một cuộc sống tốt hơn. Mặc dù công việc vất vả nhưng chị Thông và gia đình luôn giữ tâm trạng vui vẻ, cùng các nghệ sĩ chuẩn bị những bữa cơm tươm tất.
Những nghệ sĩ lần đầu trải nghiệm cuộc sống ở vùng núi
Ảnh: Fanpage chương trình
Ngoài ra, chị Thông và anh Hà còn kinh doanh homestay với mong muốn phát triển du lịch đi đôi với giữ gìn văn hóa của vùng cao. Chị có chứng chỉ đào tạo năng lực lãnh đạo từ Trung tâm phát triển kinh tế nông thôn (CRED) hay Bản Liền Pine Homestay đoạt giải nhất cuộc thi Hạt giống thúc đẩy kinh doanh của một công ty hỗ trợ phát triển xanh. Tuy ở vùng núi xa xôi nhưng vợ chồng chị luôn cho con cái đi học đầy đủ. Chị Thông cũng là người có tư duy tiến bộ khi chịu khó học cách dựng video trên Capcut và sử dụng Chat GPT.
Bên cạnh khoảnh khắc vui vẻ, hài hước, chị Thông hay anh Hà cũng khiến dàn nghệ sĩ và khán giả xót xa khi nghe kể về thời điểm người dân phải gồng mình chịu cảnh bị cô lập trong gần 10 ngày, không có điện, đất bị sạt lở, hoa màu và cây cối đều thiệt hại do ảnh hưởng của bão. Hơn thế nữa, khoảnh khắc vừa tò mò, vừa thích thú của anh Hà khi lần đầu thấy con tôm cũng làm mọi người suy ngẫm. Món ăn tưởng chừng như dân dã, quen thuộc lại là điều vô cùng xa xỉ đối với những người sống ở vùng núi, còn nhiều khó khăn.
"Có tiền nhiều để làm gì?"
Đến chặng thứ hai, Jun Phạm, Duy Khánh, Bùi Công Nam và Ngọc Thanh Tâm có những trải nghiệm mới ở vùng biển Quảng Ngãi. Không có sự hỗ trợ của gia đình chị Thông nên cả 4 nghệ sĩ khá chật vật trong việc chuẩn bị bữa ăn hằng ngày. Sự vụng về của các thành viên trở thành "tâm điểm" gây cười cho mọi người. Ở đây, Gia đình Haha được làm quen với anh Điệp Ngô. Anh là diêm dân có kinh nghiệm nhiều năm trong việc làm muối.
Ngay từ phút giây đầu tiên gặp gỡ, anh Điệp đã nhận được sự yêu mến nhờ tính cách hài hước và giàu tình cảm. Anh khiến Duy Khánh "đứng hình" với câu đố về món ăn lưỡi long (một loại cây họ xương rồng). Những ngày tiếp theo, các nghệ sĩ thức dậy từ sáng sớm để theo anh Điệp học cách làm muối. Anh Điệp chia sẻ ở đây diêm dân thức dậy từ 3 -4 giờ sáng, canh thời tiết để cào bùn, đẩy nước tạo điều kiện để muối kết tinh. Quá trình làm vất vả nhưng mỗi kí chỉ thu về từ 700 đến 1.500 đồng.
Anh Điệp không ngại bày tỏ tình cảm của mình với các nghệ sĩ
Ảnh: fanpage chương trình
Ở trải nghiệm này, các thành viên của Gia đình Haha lần đầu cảm thấy lo lắng cho ruộng muối khi trời mưa lớn. Theo anh Điệp, khi thời tiết theo đổi, các diêm dân cố gắng thu hoạch để tránh thất thoát nhưng anh thì không. Anh mong muốn muối của mình đạt chất lượng và ít tạp chất nên chấp nhận việc có sản lượng ít hơn mọi người. Ngoài ra, anh Điệp còn hướng dẫn mọi người dặm mạ trên ruộng lúa để cây mộc được đều và năng suất hơn.
Giống như chị Thông, anh Điệp cũng là một người nông dân bình thường, cố gắng lao động để trang trải cuộc sống. Dẫu vậy, anh lại có những quan điểm về cuộc sống khiến mọi người suy ngẫm.
Anh Điệp được Duy Khánh gọi vui là "thầy giáo" khi tận tình dạy mọi người cào muối, dặm mạ
Ảnh: Fanpage
"Anh cũng có giai đoạn làm có tiền, tiền không sợ hết. Mình đã làm việc và đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, khi trải qua nhiều câu chuyện trong cuộc sống thì mình nghĩ tiền không phải không cần nhưng có nhiều tiền để làm gì", anh Điệp trải lòng trong tập 6. Đối với anh Điệp, biết đủ là được.
Bên cạnh đó, anh Điệp là một người cha tâm lý và luôn mong muốn con cái được học hành tử tế. Anh từng bỏ nghề làm muối để theo con lên TP.HCM đi học vì lo lắng con sẽ cảm thấy cô đơn vì thiếu tình thương. Tuy vậy, sau thời gian anh quyết định trở về với ruộng muối, công việc đã nuôi sống anh và cả gia đình.
Khi chia tay 4 nghệ sĩ, gia đình, hàng xóm của chị Thông hay anh Điệp đều cảm thấy tiếc nuối. Vì dù chỉ đồng hành trong thời gian ngắn nhưng họ có với nhau quá nhiều kỷ niệm và hơn hết đó là bài học về giá trị của lao động, khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Khán giả hy vọng chương trình này kéo dài vì mỗi bữa cơm, mỗi buổi ra đồng hay lên rừng là một sự quây quần và thấu hiểu lẫn nhau. Từ những câu chuyện bình dị dưới hiên nhà, bên mâm cơm trở thành "chất liệu" khiến người xem gọi Gia đình Haha là chương trình chữa lành.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chi-thong-anh-diep-la-ai-ma-gay-sot-trong-gia-dinh-haha-185250724104158171.htm
Bình luận (0)