Kỳ vọng vào một Quảng Trị đoàn kết và vững mạnh
Ngày 1/7/2025, hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị chính thức sáp nhập thành đơn vị hành chính mới trực thuộc trung ương, với tên gọi tỉnh Quảng Trị. Đây không chỉ là thay đổi địa giới hành chính mà còn là cơ hội vàng để tối ưu hóa nguồn lực, quy hoạch đồng bộ, phát huy thế mạnh của từng địa phương và là cơ hội để người dân cùng kiến tạo tương lai. Sự đồng lòng, “chung lưng, đấu cật” của đội ngũ cán bộ sẽ là yếu tố then chốt tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa Quảng Trị lên một tầm cao mới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Trần Quốc Tuấn - Ảnh: L.C
Quảng Trị sau sáp nhập sẽ có một không gian phát triển rộng lớn hơn, đa dạng hơn về điều kiện tự nhiên và tiềm năng đất đai. Đây là cơ hội vàng để ngành Nông nghiệp và Môi trường bứt phá. Tôi kỳ vọng, đội ngũ cán bộ sẽ không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, cập nhật kiến thức mới về khoa học công nghệ trong nông nghiệp, các giải pháp bảo vệ môi trường tiên tiến. Đặc biệt, cần có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đề xuất các sáng kiến, mô hình mới để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đồng thời bảo vệ tài nguyên và môi trường sống.
Trong bối cảnh lĩnh vực Nông nghiệp và Môi trường đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ biến đổi khí hậu, yêu cầu cấp thiết về sản xuất bền vững và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, đội ngũ cán bộ đóng vai trò then chốt và không thể thiếu. Họ chính là lực lượng tiên phong, trực tiếp triển khai các chủ trương, chính sách và giải pháp kỹ thuật vào thực tiễn.
Đội ngũ cán bộ Quảng Trị cũ, với sự gắn bó, am hiểu sâu sắc về văn hóa, con người, thổ nhưỡng và đặc biệt là những đặc thù trong sản xuất nông nghiệp cũng như các vấn đề môi trường của địa phương sẽ mang đến kinh nghiệm thực tiễn quý báu. Đây là nền tảng vững chắc để cùng với cán bộ Quảng Bình cũ xây dựng các chính sách, giải pháp phát triển hiệu quả, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách, hướng tới một nền nông nghiệp và môi trường phát triển bền vững.
Trong chặng đường phía trước, mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Nông nghiệp và Môi trường sẽ luôn giữ vững tinh thần phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp; là cầu nối tin cậy giữa chính quyền và người dân, lắng nghe ý kiến, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
Tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự chuyên nghiệp của toàn bộ đội ngũ cán bộ sau sáp nhập, ngành Nông nghiệp và Môi trường sẽ có những bước tiến vượt bậc, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung, đưa tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp và văn minh.
Quyết tâm làm việc để phục vụ người dân được tốt nhất
Hai xã vùng cao A Bung, A Ngo (thuộc huyện miền núi Đakrông trước đây) nay hợp nhất thành xã La Lay với điều kiện đường sá đi lại rất khó khăn, nên phần lớn cán bộ phải ở lại làm việc, sinh hoạt ngay tại nhiệm sở. Chị Mai Thị Ánh Linh nguyên là chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cũ, nay tiên phong lên xã La Lay nhận nhiệm vụ mới tại Ban Xây dựng Đảng của Đảng bộ xã La Lay.
Chị Mai Thị Ánh Linh trao đổi công việc với đồng nghiệp tại xã La Lay - Ảnh: S.H
Giai đoạn đầu sau sáp nhập, xã La Lay chưa có nhà công vụ hay nhà ăn tập thể. Các phòng làm việc được tận dụng làm nơi ăn chốn ở cho cán bộ, điều kiện khá chật chội. “Do đường xa, chị em cùng làm việc và sinh hoạt tại chỗ, cuối tuần mới về nhà... Tôi đã lường trước được những khó khăn ban đầu nên tinh thần phấn chấn, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Còn về lâu dài, chị em chúng tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác lên công tác ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa đều mong muốn có nơi ăn ở, sinh hoạt ổn định hơn”, chị Ánh Linh chia sẻ.
Đánh giá về công việc, chị Ánh Linh cho rằng, khi chuyển về đơn vị hành chính mới, khối lượng công việc tăng lên gấp nhiều lần, yêu cầu mỗi cán bộ phải học hỏi, thích nghi nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Sau thời gian vận hành chính quyền 2 cấp, điều thấy rõ nhất là tinh thần làm việc đầy trách nhiệm và nhiệt huyết của cán bộ, cũng như sự hài lòng của người dân.
Người dân, nhất là đồng bào dân tộc Pa Kô phấn khởi vì các thủ tục được giải quyết nhanh, khoa học. Cán bộ giờ không còn “đi để về” mà thực sự “đi để phục vụ”. Trước đây, trong chuyên môn, người phụ trách lĩnh vực này, người lĩnh vực kia nhưng giờ sáp nhập, đòi hỏi cán bộ phải đa năng để đáp ứng yêu cầu công việc. Dù còn khó khăn là vậy nhưng tất cả cán bộ xã La Lay đều quyết tâm làm việc để phục vụ người dân được tốt nhất.
Nối dài vòng tay nhân ái
Những ngày đầu chuyển công tác ra trung tâm hành chính mới của tỉnh Quảng Trị, không ít cán bộ, công chức, viên chức gặp khó khăn trong việc ổn định nơi ăn, chốn ở. Bằng sự thấu hiểu và sẻ chia, cô giáo Trần Thị Kim Oanh, Trường THCS số 1 Bắc Lý đã dang rộng vòng tay, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho ba chị em cán bộ, công chức vượt qua cảm giác bỡ ngỡ ban đầu để thích nghi với môi trường làm việc mới.
Cô giáo Trần Thị Kim Oanh luôn chăm chút cho ngôi nhà, bảo đảm cho các thành viên trong gia đình có không gian sống đẹp, tiện nghi - Ảnh: H.C
Cô giáo Kim Oanh sống một mình trong ngôi nhà hai tầng rộng rãi, khang trang tại tổ dân phố 14 Nam Lý, phường Đồng Hới. Khi biết thông tin có một người bạn của em gái từ tỉnh Quảng Trị cũ được điều động ra công tác tại trung tâm hành chính của tỉnh mới đang phải vất vả đi tìm nhà thuê trong điều kiện khó khăn, cô Oanh không đắn đo mời bạn của em gái về sống cùng.
Không chỉ chia sẻ nơi ở, cô còn chủ động dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lại phòng ngủ, tạo không gian sống gọn gàng, ấm cúng. “Nhà rộng, các con đều lập nghiệp và học đại học ở xa, sống một mình cũng buồn nên có thêm người ở cùng để trò chuyện mỗi ngày cho vui cửa, vui nhà”, cô Kim Oanh chia sẻ.
Cảm nhận được tấm lòng nhân ái của cô giáo Oanh, cùng với điều kiện thuận lợi nhà ở gần trụ sở làm việc, có không gian yên tĩnh và thân tình, hai đồng nghiệp khác của bạn em gái cũng ngỏ lời xin về ở cùng nhà. Cô giáo Oanh không ngần ngại mà vui vẻ chào đón cả ba chị em như người thân ruột thịt trong gia đình.
Hằng ngày, cô Oanh luôn làm điểm tựa tinh thần cho ba chị em công tác xa nhà. Sự quan tâm từ những điều nhỏ nhặt, lời hỏi han, động viên tinh thần đã giúp ba chị em cảm thấy yên tâm, ấm áp như đang sống trong chính ngôi nhà của mình. Cô Oanh cười hiền: “Mấy em sống rất tình cảm, chăm chỉ. Có các em ở cùng, tiếng cười nói làm cho căn nhà bớt trống trải”.
Từ câu chuyện giản dị về một nghĩa cử xuất phát từ tấm lòng, cô giáo Trần Thị Kim Oanh đã tạo nên một mái ấm đúng nghĩa, nơi tình thân không chỉ gói gọn trong huyết thống, mà còn rộng mở bằng sự yêu thương và lòng nhân ái. Và, với ba chị em cán bộ, công chức xa nhà, ngôi nhà ấy không chỉ là chỗ ở, mà là nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp đầu tiên khi bước chân đến với vùng đất Quảng Trị mới thân thương. Việc làm ý nghĩa của cô giáo Oanh đã lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần vun đắp một cộng đồng Quảng Trị nghĩa tình, nhân ái, nơi mỗi con người đều sẵn lòng mở rộng vòng tay vì nhau...
Lan Chi - Sỹ Hoàng - Hiền Chi (thực hiện)
Nguồn: https://baoquangtri.vn/chung-suc-xay-dung-quang-tri-moi-196188.htm
Bình luận (0)