Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chung tay bảo vệ nguồn nước ngầm trong sử dụng sản xuất nông nghiệp

Việt NamViệt Nam28/05/2025


 

Hệ thống kênh bê-tông ở xã Tân Sơn - Tập Sơn, huyện Trà Cú phát huy hiệu quả trong điều tiết có kiểm soát nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

 

Khó khăn về nguồn nước ngầm…

Ghi nhận thực tế trên địa bàn huyện Cầu Ngang, tại vùng trồng màu trọng điểm của xã Mỹ Long Bắc và thị trấn Mỹ Long, vào vụ màu mùa khô (từ tháng 02 đến tháng 6), hàng ngàn héc-ta màu như đậu phộng, dưa hấu, bí đỏ được xuống giống; trung bình mỗi hộ trồng màu ở đây phải đóng từ 02 - 03 giếng khoan.

Bà Võ Thị Nương, ấp Hạnh Mỹ, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang cho biết: gia đình có gần 08 công trồng màu, hàng năm, sau khi thu hoạch xong vụ lúa thu - đông sẽ vào vụ màu. Hiện nay, gia đình đang trồng dưa hấu và phải sử dụng 02 giếng khoan mới đủ tưới cho rẫy màu.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cầu Ngang, toàn huyện có hơn 21.000 giếng khoan; trong đó, tập trung nhiều ở các giếng khoan có lưu lượng dưới 10m3/ngày là 18.624 giếng; còn lại có lưu lượng trên 10m3/ngày. Ngoài ra, qua khảo sát của ngành chuyên môn, hiện Cầu Ngang có 283 giếng khoan hư hỏng và đã trám lắp 263 giếng.

Cũng theo bà Võ Thị Nương, trước đây, các hộ trồng màu chỉ đóng giếng có độ sâu từ 80m đến dưới 100m, còn hiện nay, các giếng khoan đều có độ sâu hơn 100m và phải gắn kèm thêm bộ phận bơm trợ lực bằng hình thức bơm mồi thông qua 01 hồ chứa nước được lót vải bạt ny-lon (diện tích 02 x 03m và tùy điều kiện của từng gia đình). Tuy nhiên vào mùa khô, lúc cao điểm từ 09 - 13 giờ, khi các hộ trồng màu đồng loạt chạy máy bơm tưới, các giếng khoan ở đây đều có hiện tượng tụt nước.

Với diện tích trồng màu mùa khô hiện nay chiếm từ 60 - 65%/tổng diện tích màu cả năm (tổng diện tích màu khoảng 50.000ha). Do đặc điểm các vùng trồng màu mùa khô thường phân bố trên vùng đất giồng cát, triền giồng và cát pha… nguồn nước mặt trên các tuyến kênh thủy lợi nội đồng trong giai đoạn này không đủ bơm tát và kênh nội đồng thường nằm xa vùng trồng màu. Trên 90% sử dụng giếng khoan để tận dụng nước ngầm cho trồng màu mùa khô.

Qua đó, cho thấy thực trạng sử dụng nước ngầm trong nông nghiệp tại Trà Vinh phục vụ bơm tưới chính cho cây màu nên tình trạng hụt nước ngày càng rõ rệt trong mùa khô (từ tháng 02 đến tháng 6) và người dân phải khoan giếng sâu hơn trước đây (trên 100m) mới có thể tiếp cận nguồn nước sử dụng được; kéo theo chi phí khoan giếng sâu, bơm nước và bảo trì tăng cao; đồng thời gây rủi ro lớn cho sinh kế của người dân nếu hạn hán kéo dài.

Giải pháp sử dụng nước ngầm hiệu quả, tiết kiệm

Để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn nước ngầm và sử dụng có hiệu quả nhằm tránh các hệ lụy của việc khai thác nước ngầm quá mức làm suy giảm mực nước ngầm, dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn, nhất là tại các khu vực gần biển; gây lún sụt đất do tầng chứa nước bị rỗng dần. Chất lượng nước suy giảm, có thể bị nhiễm phèn, nhiễm mặn hoặc ô nhiễm kim loại nặng. Vừa qua, mô hình xây dựng bể lót bạt nhựa để trữ nước trong trồng màu của chương trình do UNDP tài trợ, Hiệp hội Cao đẳng cộng đồng Việt Nam là đơn vị điều phối, Trường Đại học Trà Vinh là đơn vị thực hiện đã triển khai ở huyện Trà Cú; qua đó, đã lắp đặt 05 hệ thống túi trữ nước tận dụng tái chế nguyên liệu từ bạt nuôi tôm và hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 05 hộ ở xã Hàm Giang, huyện Trà Cú.

Ông Thạch Tuốt, ấp Nhuệ Tứ A, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú chia sẻ: gia đình có hơn 15 năm trồng màu (01 vụ lúa + màu) như đậu phộng, bí đỏ, mướp, khổ qua trên diện tích 1,2ha. Những năm trước đây còn sử dụng nguồn nước tưới từ ao đất đào, do nguồn nước nước mặt cạn kiệt, phải sử dụng giếng khoan và ngày càng khó khăn hơn, lúc cao điểm và vào mùa khô, nguồn nước bơm lên rất khó, hay xảy ra hiện tượng tụt nước và phải sử dụng thêm bơm trợ lực; gần đây, phải thức dậy từ 01 giờ sáng để đi bơm nước chứa trong cái hồ nhỏ khoảng 05m3, nếu không thì sáng bơm nước không lên nổi đủ cho tưới tiêu (trong lúc tưới là vừa bơm vừa tưới).

Cũng theo ông Thạch Tuốt, được chương trình hỗ trợ hệ thống trữ nước và hệ thống tưới tiết kiệm, hiện nay, việc tưới nước đã giảm rất nhiều chi phí như tiền điện, không còn sử dụng lượng lớn nước tưới lan như trước đây. Hệ thống trữ nước có thể giúp hứng nước mưa, trữ nước mưa, cũng như trữ nước ngọt từ sông (cho những ngày không có mưa) để tưới màu liên tục trong nửa tháng.

Để bảo vệ và phát huy tốt việc khai thác nguồn nước ngầm trong sản xuất nông nghiệp, cần hướng đến quy hoạch và kiểm soát khai thác nước ngầm. Trong đó, cần có quy định chặt chẽ về độ sâu, lưu lượng và mật độ giếng khoan; giám sát mực nước ngầm định kỳ để cảnh báo sớm tình trạng suy giảm.

Song song đó, đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ và vừa qua các mô hình như các ao trữ nước, mương dẫn nước từ nguồn mặt khi mùa mưa. Khuyến khích mô hình tưới tiết kiệm như nhỏ giọt, phun mưa thay cho tưới tràn và ứng dụng khoa học - kỹ thuật để chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện khô hạn; sử dụng giống chịu hạn, thời gian sinh trưởng ngắn.

Việc khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất nông nghiệp là giải pháp thiết yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hạn hán. Tuy nhiên, nếu không được quản lý hợp lý, nguồn tài nguyên quý giá này sẽ dần cạn kiệt, gây ra nhiều hệ lụy lâu dài. Chính quyền địa phương, các ngành chức năng và người dân cần có những hành động cụ thể và đồng bộ để bảo vệ nguồn nước ngầm, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững tại Trà Vinh.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ



Nguồn: https://www.baotravinh.vn/nong-nghiep/chung-tay-bao-ve-nguon-nuoc-ngam-trong-su-dung-san-xuat-nong-nghiep-46328.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm