Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu - Ảnh: VGP/HT
Chuyển đổi số phải đi vào chiều sâu và lan tỏa toàn ngành
Tại hội nghị phát động phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số" cùng "Bình dân học vụ số", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh rằng, tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và chỉ đạo Chính phủ đã được toàn ngành ngân hàng tiếp thu và cụ thể hóa bằng Kế hoạch hành động chi tiết tại Quyết định số 1364/QĐ-NHNN ngày 5/3/2025. Đồng thời, Ban Chỉ đạo ngành về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số cũng được thành lập.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng đã xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, từ hoàn thiện thể chế, nâng cao hạ tầng, phát triển nhân lực chất lượng cao, đến tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy văn hóa đổi mới. Các nhiệm vụ đã được giao đến từng đơn vị trong ngành để triển khai nhất quán và hiệu quả, bảo đảm đồng bộ với chương trình phát triển khoa học – công nghệ quốc gia.
Đặc biệt, phong trào "Bình dân học vụ số" được kỳ vọng không chỉ phổ cập kỹ năng số cho cán bộ nhân viên trong ngành, mà còn lan tỏa nhận thức và hành động đổi mới đến từng người dân, doanh nghiệp – những đối tượng trung tâm trong tiến trình chuyển đổi số.
"Ngành ngân hàng phải là lực lượng tiên phong trong thực hiện đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn dân, toàn diện và toàn trình. Mỗi cán bộ công chức, viên chức, người lao động phải là hạt nhân lan tỏa văn hóa đổi mới, học tập suốt đời và làm chủ công nghệ", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HT
Đổi mới sáng tạo là đòn bẩy để Việt Nam bứt phá
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Nghị quyết 57-NQ/TW trong bối cảnh toàn cầu đang đối diện với những biến động khó lường như chiến tranh thương mại, dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu. Ông Phạm Tiến Dũng cho rằng, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn để tồn tại và phát triển.
Dẫn chứng từ báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ông Phạm Tiến Dũng chỉ rõ, đến năm 2024, kinh tế số đã chiếm 15% GDP toàn cầu – tương đương khoảng 16.000 tỷ USD. Nhiều quốc gia đã xác định đây là động lực phát triển cốt lõi. Tại Việt Nam, Bộ Chính trị đã ban hành loạt nghị quyết chiến lược – gọi là "bộ tứ trụ cột" gồm: Nghị quyết 57 về đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 68 về phát triển khu vực tư nhân và Nghị quyết 66 về đổi mới thể chế pháp luật.
Trên cơ sở đó, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định: Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược, là động lực chủ yếu để hiện đại hóa đất nước. Ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ về việc NHNN đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, phát động sâu rộng hai phong trào thi đua, lựa chọn các sáng kiến tiêu biểu để lan tỏa và phổ biến toàn ngành.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/HT
Tại hội nghị, nhiều ý kiến chuyên gia, cán bộ cấp cao cho rằng một trong những yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công chính là con người. Do đó, ngành ngân hàng đặc biệt chú trọng phát triển nhân lực số. Số liệu cập nhật cho thấy, các ngân hàng lớn như VietinBank, MB Bank, Techcombank, Agribank, BIDV, VIB đã đào tạo hàng chục nghìn lượt cán bộ trong giai đoạn 2022–2025, tập trung vào kỹ năng số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ tài chính.
Không những vậy, các tổ chức tín dụng đã triển khai hàng trăm sáng kiến số trong mỗi năm. Điển hình như BIDV với 299 sáng kiến năm 2024, TPBank (135 sáng kiến), VietinBank (100 sáng kiến), Vietcombank (98 sáng kiến), hay Shinhan Bank Việt Nam với 69 sáng kiến tiêu biểu.
Các ngân hàng ký giao ước thi đua và thỏa thuận tăng cường hợp tác toàn điện - Ảnh:VGP/HT
Việc triển khai phong trào thi đua còn gắn với mục tiêu thúc đẩy "văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu", xây dựng hệ sinh thái số thông minh, bảo đảm an toàn – bảo mật, đồng thời nâng cao trải nghiệm người dùng. Đến nay, hơn 87% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn như mở tài khoản, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, cho vay trực tuyến…
Lãnh đạo NHNN cho hay: Trong thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy triển khai các nền tảng dữ liệu, tính toán và lưu trữ quy mô lớn.
Các sáng kiến số sẽ được đánh giá dựa trên tính khả thi và tác động thực tế, đồng thời nhân rộng mô hình tiêu biểu. Ngoài ra, ngành cũng sẽ tiếp tục phát động truyền thông mạnh mẽ về văn hóa số, học tập suốt đời, đổi mới sáng tạo, với quyết tâm đưa chuyển đổi số đi vào từng đơn vị, từng cán bộ, từng sản phẩm. Với nền tảng đó, toàn ngành ngân hàng đã sẵn sàng để bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong vai trò lực lượng tiên phong, thực hiện hiệu quả các mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết 57-NQ/TW đã đặt ra góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số và hướng đến một Việt Nam thịnh vượng, hiện đại trong kỷ nguyên số.
Anh Minh
Nguồn: https://baochinhphu.vn/chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-tu-nghi-quyet-den-hanh-dong-cu-the-102250527141239551.htm
Bình luận (0)