Các cấp hội phụ nữ tỉnh đã phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ hội viên trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn. Điểm nổi bật là quá trình vay và cho vay luôn được thực hiện minh bạch, công khai, đúng đối tượng, đúng quy trình. Hội viên được hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn bài bản, tư vấn cách sử dụng vốn hiệu quả và cam kết trả nợ đúng hạn.
Nhờ sự hỗ trợ đó, nhiều phụ nữ vùng nông thôn, miền núi đã tự tin khởi sự kinh doanh, xây dựng các mô hình kinh tế, mang lại thu nhập ổn định. Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của bà Đỗ Thị Lợi (thôn Chợ, xã Thống Nhất) là một điển hình. Từ 3 cặp bò mẹ con ban đầu, sau 5 năm, nhờ sự kiên trì học hỏi kỹ thuật và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, đàn bò của gia đình đã phát triển lên 50 con, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Cuộc sống gia đình dần ổn định, khang trang, con cái học hành đầy đủ.
Bà Lợi cho biết: "Tôi vay vốn chính sách đã được 5 năm, riêng năm 2025 được vay nhiều nhất là 150 triệu đồng. Tôi đã sửa sang chuồng trại, mua thêm bò giống…Từ ngày vay vốn và mạnh dạn làm mô hình bò sinh sản, gia đình tôi kinh tế khá hơn rất nhiều, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Nhiều hội viên đã chuyển hướng sang kinh tế vườn tổng hợp. Bà Trần Thị Vân (xã Thống Nhất), với 3ha đất vườn đồi đã đầu tư trồng cây thanh long ruột đỏ, na, vải, ổi… cho thu nhập 150-200 triệu đồng mỗi năm. Nhờ nguồn vốn ưu đãi được tiếp cận minh bạch và sự hướng dẫn kỹ thuật từ hội phụ nữ, mô hình của bà không chỉ thành công, mà còn trở thành địa chỉ học tập cho nhiều chị em khác.
Chị Trần Thị Bé, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thống Nhất, cho biết: Để tạo điều kiện vay vốn làm ăn cho hội viên, Hội thường xuyên phổ biến các chính sách cho vay, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn đối tượng được vay và giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ vay vốn.
Minh bạch không chỉ thể hiện cho vay vốn đúng người, đúng việc, mà còn rõ ứng dụng công nghệ trong quản lý và sản xuất, như mô hình trang trại trứng gà Tân An của chị Phạm Thị Nguyệt Dung (phường Quảng Yên). Nhờ số hóa quy trình từ chăn nuôi đến bán hàng, mỗi ngày trang trại cung cấp khoảng 5 vạn trứng ra thị trường, doanh thu đạt 60 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động.
Toàn bộ quy trình sản xuất đều minh bạch, dễ giám sát nhờ ứng dụng phần mềm quản lý. Đây là hướng đi mới của các mô hình phụ nữ làm chủ kinh tế tại Quảng Ninh, cho thấy sự thích ứng nhanh với xu thế chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản trị tài chính, sản xuất.
Toàn tỉnh hiện có hàng trăm mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn do phụ nữ quản lý. Nhờ hoạt động công khai, dân chủ, minh bạch, các mô hình này không chỉ giúp hội viên phát triển kinh tế, mà còn củng cố niềm tin vào tổ chức Hội. Những người phụ nữ từng e ngại tiếp cận tài chính, nay đã trở thành trụ cột kinh tế, chủ động trong sản xuất, kinh doanh và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến cộng đồng.
Trong thời gian tới, các cấp hội phụ nữ tỉnh tiếp tục phát huy vai trò cầu nối chính sách, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý vốn, đồng thời khuyến khích các mô hình phụ nữ làm chủ kinh tế tiếp cận công nghệ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/cong-khai-minh-bach-trong-cho-vay-von-chinh-sach-3366888.html
Bình luận (0)