Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Công nghiệp văn hóa: Nhìn từ thực tế ở Ninh Bình

Trong dòng chảy phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam, Ninh Bình đang nổi lên là một điển hình cho sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản, phát huy giá trị văn hóa địa phương và phát triển kinh tế du lịch bền vững. Ninh Bình đang tập trung các giải pháp từng bước trở thành trung tâm chuyên ngành về CNVH của đất nước và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Báo An GiangBáo An Giang28/05/2025

Viên ngọc của du lịch Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên mà Ninh Bình được mệnh danh là "viên ngọc của du lịch Việt Nam". Nằm ở cửa ngõ miền Bắc, cách Hà Nội khoảng 90km, Ninh Bình sở hữu vị trí địa lý chiến lược, dễ dàng kết nối với các trung tâm du lịch lớn như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội. Cùng lợi thế địa lý, Ninh Bình sở hữu kho tàng di sản văn hóa (DSVH) và thiên nhiên quý báu. Hiện, Ninh Bình sở hữu 1.821 di tích thuộc nhiều loại hình, cùng với 430 DSVH phi vật thể đang hiện diện sống động trong đời sống cộng đồng.

Nổi bật là Quần thể danh thắng Tràng An-DSVH và Thiên nhiên thế giới-di sản kép duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á được UNESCO ghi nhận là mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế gắn với bảo tồn di sản; Vườn quốc gia Cúc Phương; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long... Dựa trên những lợi thế đó, nhiều năm nay, Ninh Bình được đánh giá là điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới. Lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng đều qua các năm. Năm 2024, tỉnh đón 8,7 triệu lượt khách (trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế), doanh thu hơn 9.100 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch Ninh Bình đã thu về hơn 6.000 tỷ đồng.

Công nghiệp văn hóa: Nhìn từ thực tế ở Ninh Bình

 Lễ hội Hoa Lư được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hằng năm. Ảnh: TRƯỜNG HUY

Tuy vậy, tỉnh Ninh Bình cũng thẳng thắn thừa nhận, du lịch văn hóa chậm chuyển đổi sang phương thức sản xuất công nghiệp, thiếu các sản phẩm đổi mới sáng tạo mang lại giá trị gia tăng cao; chưa phân định rõ sản phẩm CNVH mang tính thương mại với dịch vụ văn hóa mang tính công ích; chính sách văn hóa vẫn nằm trong giới hạn lĩnh vực đời sống tinh thần, chưa rõ định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế thể thao, kinh tế truyền thông, kinh tế bảo tàng; còn lúng túng khi xử lý mối quan hệ giữa đáp ứng nhu cầu giải trí và giáo dục tư tưởng, nghệ thuật, đạo đức, thẩm mỹ; thiếu cơ chế, nguồn lực đầu tư chuyển hóa tài nguyên văn hóa thành sản phẩm CNVH; chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, thiếu “sân chơi” cho giới CNVH, giải trí nổi tiếng hiện diện thường xuyên tại Ninh Bình; còn nhiều bất cập, hạn chế, vướng mắc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao...

Để tiếp tục phát huy lợi thế vượt trội về du lịch cũng như khắc phục những hạn chế này, Ninh Bình xác định phát triển CNVH cùng với du lịch trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc. 

Công nghiệp văn hóa - hướng đi tất yếu

Phát triển CNVH là phát triển một ngành kinh tế dựa vào tài nguyên di sản, nguồn lực văn hóa, động lực sáng tạo, mang tính giải trí, tính thương mại và phương thức sản xuất công nghiệp. CNVH có vai trò quan trọng thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết việc làm, gia tăng thu nhập, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, phát huy sức mạnh mềm, nâng tầm giá trị thương hiệu địa phương. Sản phẩm CNVH mang các đặc trưng nổi bật là tính giải trí, tính sáng tạo, tính hàng hóa và phương thức sản xuất công nghiệp...

Ngày 28-2-2025, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU về phát triển các ngành CNVH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2035, định hướng đến năm 2050, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn như nghệ thuật truyền thống, điện ảnh, thủ công truyền thống. Một trong những bước đi được đánh giá cao là thúc đẩy cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, cho phép giải phóng mọi năng lực sáng tạo, khai thông mọi nguồn lực, thương mại hóa nhanh chóng các ý tưởng đổi mới sáng tạo, thành tựu khoa học, công nghệ; tạo chính sách thông thoáng cho sản xuất, phân phối, xuất, nhập khẩu, tiêu dùng các sản phẩm CNVH, giải trí; đề xuất nới lỏng các điều kiện cấp phép các ngành giải trí mới nổi, hoàn thiện thị trường đặt cược các môn thể thao; xây dựng cơ chế hợp tác công-tư... Đây là những công cụ quan trọng để khơi thông dòng vốn xã hội vào lĩnh vực văn hóa, một điểm nghẽn lâu nay.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn: Nghị quyết số 22-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển CNVH gắn với du lịch chính là bước đi chiến lược. Ninh Bình được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những tỉnh đầu tiên quan tâm đầu tư thích đáng đối với CNVH nói chung cũng như thông tin và truyền thông trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Chia sẻ về tiềm năng cũng như tầm nhìn phát triển CNVH của Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Tâm cho biết: "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển CNVH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên và nhiều nhóm ngành có tiềm năng phát triển, trong đó du lịch văn hóa được coi là lĩnh vực có khả năng tích hợp và lan tỏa lớn nhất. Ninh Bình có đủ điều kiện để trở thành điểm sáng thực hiện mô hình này. Để CNVH trở thành đòn bẩy đưa du lịch "cất cánh", Ninh Bình cần tạo chính sách thuận lợi để thu hút kinh tế tư nhân, chú trọng chuyển đổi số, số hóa di sản, bảo tàng ảo. Chuyển đổi số trong văn hóa là tất yếu, để giá trị di sản vượt phạm vi địa phương. Ngành du lịch Ninh Bình không chỉ tập trung đo đếm lượng khách, doanh thu mà cần xây dựng bộ đo về chỉ số phát triển du lịch văn hóa, trải nghiệm của du khách, hiệu quả khai thác tài nguyên".

Với chiến lược đúng đắn, chính sách đột phá và sự vào cuộc đồng bộ từ nhà nước-doanh nghiệp-cộng đồng sáng tạo, Ninh Bình đang từng bước đưa công nghiệp văn hóa không chỉ tạo ra của cải vật chất mà còn góp phần khẳng định bản sắc địa phương trên bản đồ văn hóa sáng tạo quốc tế.

Theo Quân đội nhân dân

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/cong-nghiep-van-hoa-nhin-tu-thuc-te-o-ninh-binh-a421598.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm