Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cuộc tìm kiếm 5 năm của nhà ngôn ngữ Việt kiều

Cuốn 'Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài' do nhà ngôn ngữ, dịch giả, tiến sĩ Võ Xuân Quế (hiện sinh sống và làm việc tại Phần Lan) sưu tầm và giới thiệu, vừa ra mắt bạn đọc Việt, do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên18/05/2025

Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài là công trình rất đặc biệt, khi sưu tầm được số lượng bản dịch phong phú nhất từ trước tới nay: 37 ngôn ngữ với 62 bản dịch của 79 dịch giả, trong đó có 15 bản dịch chưa được biết đến và giới thiệu ở VN.

Lý do vì sao ông lại sưu tầm bản dịch Nhật ký trong tù ra tiếng nước ngoài?

Tiến sĩ Võ Xuân Quế: Năm 2019, tôi nhận được thư của chị Đặng Thị Hải Tâm, nhà ngoại giao sang làm Đại sứ VN ở Phần Lan, cho biết chị muốn thực hiện một số công việc về văn hóa, trong đó muốn phối hợp với chúng tôi để dịch Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Phần Lan. Chúng tôi trao đổi lại với chị, Nhật ký trong tù đã được một nhà thơ rất nổi tiếng của Phần Lan dịch cách đây đã 60 năm.

Cuộc tìm kiếm 5 năm của nhà ngôn ngữ Việt kiều- Ảnh 1.

TS Võ Xuân Quế và cuốn Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài

ẢNH: NVCC

Sau đấy, đi tìm tư liệu nghiên cứu và sưu tầm về Nhật ký trong tù đã được dịch ra tiếng nước ngoài ở VN, tôi bất ngờ khi thấy bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Phần Lan chưa được biết đến ở VN. Vì vậy tôi quyết định thử tìm sang các ngôn ngữ khác, cũng thấy đã có các bản dịch từ cách đây 60 năm, nhưng ở VN mới ghi nhận có bản dịch của Thụy Điển, Đan Mạch. Tôi mở rộng việc sưu tầm mà không nghĩ rằng việc tìm kiếm sẽ kéo dài tới 5 năm trời.

Tôi liên hệ với thư viện các trường đại học và thư viện quốc gia các nước, sưu tầm các bản dịch, giới thiệu trên các báo của VN. Thời gian đó cũng là khi có đại dịch Covid-19. Những hồi âm nhận được từ họ đã giúp tôi sưu tầm được một số bản dịch, kết nối với một số dịch giả mà những người đi trước chưa có hoặc chưa giới thiệu với bạn đọc VN.

Thật ra công việc của tôi là không hẳn về văn học, mà nghiên cứu về ngôn ngữ, nhưng tôi thấy mảng này ở nhà còn quá thiếu. Một lần đưa con đến Bảo tàng Hồ Chí Minh, vào chỗ trưng bày các kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi chỉ thấy có mấy cuốn Nhật ký trong tù được chụp ảnh, không có các ngôn ngữ Bắc Âu và ghi chú cũng sơ sài. Làm như thế chưa xứng đáng với tầm vóc của Nhật ký trong tù. Ở nước ngoài, tôi thường đến thăm các bảo tàng vì thấy người ta làm rất hay, có giá trị giáo dục, nhiều thông tin. Tôi nghĩ thử làm cách như thế này để có thể thu hút thêm người quan tâm đối với tác phẩm này. Tôi nghĩ đây là món quà nhân 65 năm bản Nhật ký trong tù chữ Quốc ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu với công chúng.

Với tầm vóc mà Nhật ký trong tù đã được dịch, như ông ghi nhận trong sách: 37 ngôn ngữ, của 42 nước, với 62 bản dịch tiếng nước ngoài, một con số có thể nói là kỷ lục trong văn học VN, ông nhận thấy người nước ngoài (qua các dịch giả) đã hiểu về Nhật ký trong tù như thế nào?

Cuộc tìm kiếm 5 năm của nhà ngôn ngữ Việt kiều- Ảnh 2.

Bìa Nhật ký trong tù bằng tiếng Galicia, 1978

ẢNH: NVCC

Ngày đi học, có anh bạn của chúng tôi nói khi bay lên vũ trụ, chúng ta mới thấy trái đất đẹp. Tôi cũng chiêm nghiệm được điều này, khi đi ra nước ngoài tôi mới hiểu đất nước mình đẹp như thế nào. Cũng như thế, Nhật ký trong tù được dịch ra chữ Quốc ngữ đã rất lâu rồi, đã được nghiên cứu, phân tích, sưu tầm rất nhiều. Nhưng chúng ta chưa làm được việc nhìn từ bên ngoài, cụ thể dịch nhiều nhưng là bao nhiêu, những ngôn ngữ nào… Từ việc sưu tầm các bản dịch này, chúng ta sẽ hiểu các dịch giả ở nước ngoài vì sao chọn dịch tác phẩm đó ra ngôn ngữ của họ. Rồi sau đấy hiểu độc giả ở nước ngoài đã đón nhận tập sách như thế nào.

Tôi nghĩ việc sưu tầm của mình giúp cho người ở trong nước biết được bạn đọc nước ngoài hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một khía cạnh khác: một nhà thơ, một nghệ sĩ, khác với hình ảnh họ vẫn biết Hồ Chí Minh là nhà cách mạng, vị lãnh tụ của VN.

Tôi không chỉ liên hệ với các tác giả còn sống mà còn tìm đến những tác giả đã mất. Chẳng hạn chúng tôi đã đến nghĩa trang ở Phần Lan trong thời gian dịch Covid-19, nơi dịch giả, nhà thơ huyền thoại Pentti Saarikoski yên nghỉ. Sinh thời ông từng là ứng cử viên của Đảng Cộng sản ứng cử vào Nghị viện Phần Lan. Ông đã viết trong lời nói đầu bản dịch của mình là: "Tôi dịch Nhật ký trong tù vì đây là những bài thơ hay, vì tôi khâm phục sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc đấu tranh dũng cảm, kiên cường của nhân dân VN dưới sự lãnh đạo của Người đã giành được thắng lợi". Những lời này ông viết vào ngày 6.9.1969, tức là đúng ngày nhân dân VN đưa tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hoặc như hai vợ chồng dịch giả của bản tiếng Ba Lan viết trong lời nói đầu: "Với những bài thơ ngắn, thường chỉ bốn câu, Hồ Chí Minh đã vẽ nên những bức tranh chân thực về sự đau khổ của mình và các bạn tù một cách hài hước và thâm thúy. Những bài thơ súc tích của Người là những kiệt tác nhỏ".

Hay một dịch giả khác, dịch tiếng Galicia, là một nhà văn sống ở Cuba, sau đấy trở về quê hương mình tại Galicia - một vùng đất nhỏ ở tây bắc Tây Ban Nha. Ông đã dịch Nhật ký trong tù trong vòng 7 năm liền. Ông viết trong lời nói đầu: "Bất chấp khổ đau, bệnh tật và những nỗi ghê sợ vây quanh mình, Hồ Chí Minh vẫn tìm thấy sức mạnh để viết nên những bài thơ lạc quan và hài hước. Những bài thơ ngắn được ông dệt nên một cách tài tình trong bóng tối của phòng giam. Nhà thơ và nhà cách mạng hòa quyện làm một trong ông".

Và còn rất nhiều lời nhận xét khác. Qua những văn bản tôi đọc, họ đánh giá rất cao con người nghệ sĩ trong Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người ta dịch vì cảm thấy hay và khác biệt so với những điều người ta đã biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lãnh tụ Cộng sản, một người cách mạng.

Chủ đích của tôi muốn làm việc này, bởi đây là tác phẩm nói lên một khía cạnh khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh: là một con người rất nghệ sĩ. Di sản tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Nhà nước VN công nhận là bảo vật quốc gia, nhưng trong bảo tàng chúng ta chưa làm nổi bật được hết giá trị của nó. Vì có như thế nào người ta mới dịch sang ngôn ngữ của nước họ nhiều như vậy, không có lý gì mà mình lại không sưu tầm, không giới thiệu điều đó cho bạn đọc VN được biết.

Cuộc tìm kiếm 5 năm của nhà ngôn ngữ Việt kiều- Ảnh 3.

Nhật ký trong tù bản tiếng Bồ Đào Nha, in tại Brazil năm 1968

Cuộc tìm kiếm 5 năm của nhà ngôn ngữ Việt kiều- Ảnh 4.

Tác giả Võ Xuân Quế bên mộ dịch giả Penti Saarikoski năm 2020

Cuộc tìm kiếm 5 năm của nhà ngôn ngữ Việt kiều- Ảnh 5.

Bản đồ các nước đã in Nhật ký trong tù

Quá trình tìm hiểu về tư liệu kéo dài 5 năm, có những chuyện gì khiến cho ông nhớ?

Mất rất nhiều công sức, nhưng tôi nghĩ đây là một công trình khoa học không chỉ của riêng tôi mà của cả gia đình. Tôi phải liên hệ với những đồng nghiệp và bạn bè của cả vợ tôi, của các con ở nước ngoài để giúp đỡ mình. Chẳng hạn như sưu tầm bản dịch tiếng Ý, tôi phải nhờ người quen của vợ tôi bên đó. Hoặc tìm được thông tin về Nhật ký trong tù bản tiếng Thụy Điển ở một hiệu sách cũ bên Thụy Điển, tôi phải nhờ người bạn của con gái đến tận nơi tìm mua giúp.

Trong các bản dịch tôi sưu tầm được, có 2 ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Một là dân tộc Basque, chỉ có khoảng một triệu người, ở tây bắc Tây Ban Nha; và bản dịch ngôn ngữ Galicia, dân tộc thiểu số cũng của Tây Ban Nha. Hai bản dịch đều chuyển ngữ từ bản tiếng Tây Ban Nha.

Trước khi tôi sưu tầm, ở VN chỉ biết có một bản dịch tiếng Tây Ban Nha do một nhà thơ nổi tiếng của Cuba dịch. Nhưng thực ra chỉ riêng tiếng Tây Ban Nha đã có 3 bản dịch khác nhau, còn nếu tính in ở Tây Ban Nha thì còn có thêm 2 ngôn ngữ dân tộc thiểu số như đã nói.

Trong số các dịch giả dịch Nhật ký trong tù mà tôi liên lạc được, có Satchidananda, một nhà thơ nổi tiếng của Ấn Độ, từng là ứng cử viên giải Nobel văn chương. Ông đã dịch Nhật ký trong tù sang ngôn ngữ Malayalam mà có thể nhiều người chưa nghe nói tới. Bản dịch của ông xuất bản lần đầu năm 1976, đến nay đã tái bản đến lần thứ 7, mà gần đây nhất là năm 2021. Hiện trên mạng cũng có thể tìm được thư viện nào tại Ấn Độ có những bản dịch này. Ngoài ra, tiếng Bengali, một ngôn ngữ lớn ở Ấn Độ, cũng là ngôn ngữ chính thức của Bangladesh, đã có 4 bản dịch Nhật ký trong tù, trong đó có 3 bản của người Bangladesh, một bản của một nhà thơ Ấn Độ, Giáo sư tại Đại học Nehru rất tinh thông tiếng Hán, đã dịch trực tiếp từ tiếng Hán sang thơ tiếng Bengali.

Ngoài các bản dịch thơ, tôi còn biết được có 1 bản nhạc của nhạc sĩ Đức, 2 bản hợp xướng của 4 nhạc sĩ Anh viết dựa trên Nhật ký trong tù. Cho đến nay tôi chưa thấy có nhạc sĩ VN nào sáng tác nhạc gợi cảm hứng từ Nhật ký trong tù, nên tôi rất bất ngờ khi tìm được thông tin có 3 bản nhạc của các nhạc sĩ nước ngoài dựa trên tác phẩm này. 

Cuốn sách là công trình để đời của tiến sĩ Võ Xuân Quế. Anh đã cất công sưu tầm tư liệu ở nhiều nước, gặp gỡ phỏng vấn nhiều dịch giả, nhà văn ở nhiều quốc gia hoặc có khi may mắn kết nối với các tác giả dịch Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các quốc gia trên thế giới. Sự cẩn trọng tỉ mỉ ấy của TS Võ Xuân Quế đã cho ra đời một công trình công phu, đầy đủ nhất về dịch Nhật ký trong tù ở các nước"

(Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái)

Nguồn: https://thanhnien.vn/cuoc-tim-kiem-5-nam-cua-nha-ngon-ngu-viet-kieu-185250517174251277.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm