Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đà Lạt - Trung tâm của sự hội tụ và phát triển

(LĐ online) - Không phải Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận hay Gia Nghĩa của tỉnh Đắk Nông, Đà Lạt - thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng hiện nay tiếp tục được chọn làm trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới sau khi sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng26/05/2025

Đà Lạt được chọn làm trung tâm của tỉnh mới bởi sự hội tụ của những dấu ấn trong quá khứ và triển vọng trong tương lai. Đây được xem là nền tảng và cơ hội để Đà Lạt - Lâm Đồng khẳng định những giá trị vốn có và phát huy những tiềm năng, thế mạnh để trở thành đô thị hiện đại không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế.

Đà Lạt là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Lâm Đồng mới sau khi sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận

VÙNG ĐẤT ĐƯỢC LỰA CHỌN

Trong quá khứ, Đà Lạt đã luôn là sự lựa chọn của giới cầm quyền để xây dựng nên một vùng đất xinh đẹp, phát triển, sang trọng và thịnh vượng.

Sách Đại Nam nhất thống chí quyển 12, mặt khắc 6, ghi chép rõ về vùng đất này: “Phía Tây vùng thượng du có sông Dã Dương (sông Đạ Dâng ngày này), sông không sâu mà rộng, có nhiều cá sấu”.

Đó có lẽ là lần đầu tiên mảnh đất này được định vị trên địa chí nước nhà. Dưới triều Vua Tự Đức, quan Nguyễn Thông đã tìm hiểu kỹ lưỡng khu vực này và kết luận nơi đây: “Quanh năm có khí hậu mùa Thu, là vùng đất giàu có”, “trời đất dành cho ta một kho tàng vô tận…”.

Các tài liệu về Đà Lạt được ghi chép qua Mộc bản Triều Nguyễn. Ảnh tư liệu Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Lâm Đồng

Người Pháp cũng đã tiến hành nhiều chuyến thám hiểm ở khu vực Tây Nguyên, nhưng phải đến năm 1893, cuộc thám hiểm của Bác sĩ Alexandre Yersin theo yêu cầu của nhà cầm quyền Pháp đã mang lại nhiều kết quả. Các tài liệu lưu trữ cho thấy Bác sĩ Yersin tìm ra Đà Lạt vào 3 giờ 30 phút ngày 21/6/1893.

Trong hồi ký của mình, bác sĩ Yersin viết: “Sự mát lành của khí trời làm tôi quên đi mệt nhọc”. Hấp dẫn bởi khí hậu trong lành và nét duyên dáng của miền đất lạ, Bác sĩ Yersin đã đề nghị với Toàn quyền Paul Doumer xây dựng tại đây một thành phố làm nơi nghỉ dưỡng.

Và, không chỉ có Vua Tự Đức, người Pháp cũng đã lựa chọn vùng cao nguyên này. Năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer quyết định xây dựng một thành phố Âu châu trên cao nguyên Lâm Viên.

Quá trình hình thành và xây dựng Đà Lạt có những nét khác biệt so với các đô thị khác ở Việt Nam. Bởi, ngay từ đầu, nơi này đã được xây dựng trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng, một thành phố Âu châu trên cao nguyên.

Biệt thự tại Đà Lạt năm 1957. Ảnh tư liệu chụp tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Lâm Đồng 

QUY HOẠCH ĐÔ THỊ ĐÀ LẠT TỪ RẤT SỚM

Các tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Lâm Đồng (thuộc Sở Nội vụ) cho thấy công tác quy hoạch tại Đà Lạt đã được thực hiện rất sớm bởi những người tài ba. Đơn cử như Paul Champoudry - người có nhiều kinh nghiệm về quy hoạch đô thị từng làm việc tại Tòa Thị chính Paris, Thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt đã khởi xướng xây dựng đồ án đầu tiên về đô thị hoá Đà Lạt và được Toàn quyền Đông Dương Jean Beau phê duyệt vào năm 1906 để xây dựng nơi này trở thành “thủ đô mùa Hè” của Đông Dương.

Năm 1923, Ernest Hébrard - kiến trúc sư đô thị tài ba người Pháp từng tham gia quy hoạch thủ đô Athen của Hy Lạp và nhiều thành phố châu Âu đã lập đồ án cho Đà Lạt đồng thời với đồ án của các thành phố Hà Nội, Sài Gòn, Chợ Lớn, Hải Phòng và Pnôm Pênh. Theo đó, Đà Lạt sẽ là một thành phố nghỉ mát trên cao kiểu mẫu; thành phố được thiết kế theo quan điểm của các nguyên tắc về: “Quy hoạch thành phố vườn”. Song do biến động từ các cuộc chiến tranh trên thế giới các bản quy hoạch đã không được thực hiện hoặc chỉ thực hiện được một phần.

Đến năm 1943, theo đồ án chỉnh trang Đà Lạt của kiến trúc sư Lagisquet, Đà Lạt được xây dựng làm trung tâm hành chính trung ương, thành phố nghỉ dưỡng, trung tâm giáo dục - đào tạo, văn hoá và du lịch… Đà Lạt thời kỳ này bước vào giai đoạn cực thịnh của thời Pháp thuộc, nhiều công trình công cộng và tôn giáo xuất hiện với nét kiến trúc Á Đông làm phong phú thêm cảnh quan của thành phố. Và thời điểm này, Đà Lạt đã trở thành thủ phủ thực sự của Đông Dương.

Dẫu trải qua nhiều thăng trầm song qua các lần quy hoạch, những công trình kiến tạo có ý tứ, hòa nhập vào khung cảnh tự nhiên đã được hình thành tạo nên cảnh quan đô thị Đà Lạt giàu có phong phú với những di sản quý báu trong lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc.

Và cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Xây dựng đề nghị thẩm định, trình phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045. Theo đó, Đà Lạt là đô thị phát triển du lịch quốc gia và đô thị có đặc trưng về di sản. Là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước.

Một đoạn đường ray răng cưa. Ảnh tư liệu chụp tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Lâm Đồng

NƠI HỘI TỤ ĐA DẠNG NÉT VĂN HOÁ CỦA CÁC VÙNG MIỀN

Sự phát triển của Đà Lạt gắn liền với tuyến đường sắt răng cưa. Đây là tài sản độc đáo của thành phố này mà cho đến tận hôm nay cả thế giới vẫn rất quan tâm.

Tuyến đường sắt từ miền duyên hải Tháp Chàm lên cao nguyên Đà Lạt chỉ dài 84 km nhưng phải xây dựng trong 30 năm (1902 - 1932). Trong tuyến đường có 16 km răng cưa cho phép tàu hoả vượt độ cao 1.500 m trên mực nước biển với độ dốc thường xuyên 12% và có Nhà ga đẹp nhất Đông Dương. Từ tuyến đường này, hàng hoá từ vùng đồng bằng duyên hải được đưa lên cao nguyên để xây dựng hệ thống giao thông, các cơ sở văn hóa, giáo dục, hàng loạt khách sạn, cư xá, biệt thự… với tốc độ nhanh chóng.

Các tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV cũng cho thấy, vào những năm đầu thế kỷ XX, những thương gia người Hoa đã đi tàu hoả tới Đà Lạt để buôn bán, trao đổi hàng hóa với các dân tộc thiểu số. Và từ cao nguyên, gỗ, chè, cà phê Cầu Đất, rau, hoa cũng đã được đưa xuống đồng bằng. Cư dân các nơi cũng theo tuyến đường này về Đà Lạt sinh sống. Đà Lạt không chỉ sầm uất về kinh tế mà còn hội tụ đa dạng nét văn hoá của các vùng miền.

Từ khi có tuyến đường sắt, đi tàu từ Hà Nội tới Đà Lạt chỉ mất 48 tiếng, nên số lượng du khách tới Đà Lạt nghỉ mát ngày càng đông, đặc biệt là những du khách từ miền Bắc. Du lịch Đà Lạt bắt đầu phát triển từ đó.

Tuyến đường sắt răng cưa chính là một biểu tượng lịch sử về vận chuyển và du lịch của vùng cao nguyên, Chính phủ đã có chủ trương khôi phục tuyến đường sắt răng cưa này và tỉnh Lâm Đồng cũng đang tiến hành các hoạt động để cao nguyên lại sớm vang lên tiếng còi tàu.  

Với lịch sử hình thành đô thị đặc biệt và sự dung hòa giữa các yếu tố khí hậu, cảnh quan, kiến trúc, con người… mà không phải nơi nào ở Việt Nam cũng có, Đà Lạt hiện nay đang hội tụ đầy đủ những tiềm lực để tiếp tục vươn xa. 

Cảng hàng không quốc tế Liên Khương

ĐIỂM KẾT NỐI HÀI HÒA

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, TP Đà Lạt hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi về kết nối vùng, hạ tầng giao thông và đã là thương hiệu du lịch toàn cầu.

Về kết nối, Đà Lạt nằm cách trung tâm TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) khoảng 160 km về phía Tây Bắc thông qua tuyến Quốc lộ 28; cách TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) khoảng 160 km về phía Đông Nam thông qua tuyến Quốc lộ 28B và Quốc lộ 20. Đắk Nông là đơn vị hành chính miền núi, Bình Thuận là đơn vị hành chính có biển; Đà Lạt trở thành điểm kết nối hài hoà giữa 3 tỉnh sau sáp nhập.

Tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực triển khai các dự án cao tốc

Sự kết nối còn được mở rộng hơn bởi Đà Lạt nằm trên trục Quốc lộ 20 kết nối thẳng xuống vùng Đông Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh; Quốc lộ 27 nối Lâm Đồng với các tỉnh Tây Nguyên; Quốc lộ 55 nối với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ. Như vậy, không chỉ là trung tâm kết nối 3 tỉnh, TP Đà Lạt còn là trung tâm kết nối hiệu quả giữa các vùng Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ.

Tính kết nối sẽ càng được tăng thêm khi tỉnh Lâm Đồng đang triển khai các dự án cao tốc: Đà Lạt - Nha Trang, Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Bên cạnh đó, hiện nay trong 3 tỉnh chỉ có duy nhất Cảng hàng không quốc tế Liên Khương nằm trên địa phận huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng). Đường cao tốc và cảng hàng không là những lợi thế rất lớn giúp tỉnh Lâm Đồng mới sau sáp nhập có nhiều cơ hội phát triển không chỉ trong nước mà còn cất cánh vươn tầm khu vực và quốc tế.

Lâm Đồng là địa phương tiên phong và dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ngoài hiệu quả kết nối, sự dẫn đầu trong ngành nông nghiệp công nghệ cao và du lịch là lợi thế “không nơi nào có được” của Đà Lạt – Lâm Đồng trong tiến trình phát triển.

Sau 20 năm tiên phong và dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện Lâm Đồng có 69.637 ha sản xuất công nghệ cao (chiếm 21,2% diện tích canh tác toàn tỉnh); có 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 14 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; trên 465 ha ứng dụng công nghệ thông minh, tập trung trên rau, hoa, dâu tây và chè… Đây là cơ sở để Lâm Đồng từng bước hướng tới trở thành Trung tâm nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.

Đà Lạt - Thành phố Festival Hoa

Về du lịch, hiện nay Đà Lạt đang có sự phát triển mạnh mẽ và đã trở thành thương hiệu toàn cầu. Điều này được minh chứng khi ngoài là Thành phố Festival Hoa, cuối năm 2023, Đà Lạt được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo toàn cầu lĩnh vực âm nhạc. Đến cuối năm 2024, nơi này đã chào đón vị khách du lịch thứ 10 triệu.

Cuối tháng 3/2025, TP Đà Lạt được nhận 2 giải thưởng: Giải thưởng Festival châu Á 2025 (2025 Asia Festival Awards) ở hạng mục Festival Hoa và Vườn châu Á 2025 và Giải thưởng Đỉnh cao châu Á (Asia Pinnacle Awards) ở hạng mục Festival thân thiện với môi trường nhất do Hiệp hội Festival và sự kiện quốc tế châu Á (IFEA ASIA) bình chọn… Những kết quả đó chính là cơ sở vững chắc để ngành du lịch của TP Đà Lạt tiếp tục vươn tầm.

Với lịch sử hình thành đặc biệt, với những thành tựu dẫn đầu đã có và đang có về du lịch, nông nghiệp, với bản sắc văn hoá độc đáo, đa dạng và những lợi thế cách biệt về tài nguyên, môi trường, cơ sở hạ tầng…, Đà Lạt là lựa chọn thích hợp làm trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới, đảm bảo quản lý bền vững và tối ưu hóa nguồn lực; đồng thời, tạo động lực đưa tỉnh mới trở thành một trong những khu vực phát triển mạnh mẽ và đáng sống nhất trong khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên.

Nguồn: https://baolamdong.vn/kinh-te/202505/da-lat-trung-tam-cua-su-hoi-tu-va-phat-trien-f845752/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm