Loay hoay giữa ngã rẽ tương lai
Chị Đinh Thị Tuyết Bông (phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới) cho biết, từ khi con vào lớp 10, gia đình đã bắt đầu trao đổi về việc chọn trường, chọn ngành. Trong gần ba năm, con trai chị nhiều lần thay đổi dự định, đến nay đã khoanh vùng được hai ngành và từng bước chuẩn bị cho hành trình lựa chọn tương lai sắp tới.
“So với trước đây, con cháu chúng ta có nhiều cơ hội học tập hơn, nhưng cũng vì thế mà việc lựa chọn trường, ngành học trở nên khó khăn hơn. Nếu không tìm hiểu kỹ thì rất dễ chọn sai, lãng phí thời gian, tiền bạc. Gia đình tôi tôn trọng lựa chọn của con, nhưng cũng luôn đồng hành, tìm hiểu thông tin để định hướng phù hợp với năng lực, sở trường của con, điều kiện gia đình và đặc biệt là cơ hội việc làm sau này”, chị Bông chia sẻ.
Cùng tâm trạng trên, chị Cao Thùy Dương, phụ huynh có con học Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp cho biết, chị đã dành nhiều thời gian đồng hành cùng con trong quá trình lựa chọn ngành nghề. Theo chị Dương, với nhiều thay đổi trong công tác tuyển sinh, đặc biệt năm học 2024-2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 với nhiều điểm mới. Dù đã cố gắng định hướng ngành phù hợp với năng lực, sở thích của con và điều kiện gia đình, nhưng chị vẫn băn khoăn bởi công tác hướng nghiệp ở trường còn nặng hình thức, chưa thực sự hiệu quả, trong khi thị trường lao động biến động khó lường.
|
Chia sẻ về dự định của mình, em Cao Đình Hiếu, học sinh lớp 12 không chuyên, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp cho biết, mặc dù bố mẹ mong muốn em theo ngành kỹ thuật nhưng ước mơ của em là theo học ngành thương mại điện tử. Hiện, Hiếu đã và đang chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, tìm hiểu kỹ và lựa chọn trường. “Năm học này công tác tuyển sinh có những thay đổi nên em cũng lo lắng, đặc biệt ngành học em chọn có điểm chuẩn rất cao. Em chuẩn bị hai phương án và hy vọng sẽ có kết quả như mong đợi”, Hiếu cho biết.
Bên cạnh những gia đình và các em học sinh có sự đồng hành, chuẩn bị kỹ lưỡng, vẫn còn nhiều em đã chọn ngành học theo phong trào, theo bạn bè, hoặc giao phó hoàn toàn cho cha mẹ. Cũng có không ít cha mẹ áp đặt con cái, dẫn đến việc thay vì học đại học với mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, nhiều em “học đại” chỉ để có một tấm bằng, để vừa lòng cha mẹ. Những trường hợp sau khi học 1-3 năm, các em thi lại để chọn trường đúng mong ước, phù hợp học lực và có cơ hội việc làm không hiếm, cho thấy việc lựa chọn ngành nghề thiếu cân nhắc, thiếu định hướng không chỉ tổn thất chi phí mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, động lực học tập và tương lai các em.
Nỗi lo chọn ngành, chọn trường cho con đối với phụ huynh ở các vùng nông thôn còn lớn hơn khi điều kiện kinh tế và khả năng nắm bắt, cập nhật thông tin còn hạn chế, nhất là khi những lời mời gọi xuất ngoại du học trá hình hoặc xuất khẩu lao động “bủa vây” trong mùa tuyển sinh đại học. Việc định hướng sai có thể biến thành lựa chọn rủi ro, không chỉ mất mát về vật chất mà còn đánh đổi cả tuổi trẻ và ước mơ.
Câu chuyện hướng nghiệp
Thực tế nêu trên đặt ra yêu cầu công tác hướng nghiệp cần được thực hiện bài bản, thiết thực và sát với nhu cầu thị trường lao động ngay từ bậc phổ thông. Chia sẻ về hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay, thầy giáo Hoàng Văn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Hới cho biết, công tác hướng nghiệp đã được đưa vào chương trình giảng dạy, thiết kế phù hợp để giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn đều có thể tham gia. Ngoài ra, nhà trường cũng đã quan tâm phối hợp với các trường đại học, trung tâm giới thiệu việc làm… để tổ chức các buổi hướng nghiệp cho học sinh.
Bên cạnh những thuận lợi đó, thầy Hải cũng nêu lên những khó khăn, như: Công tác hướng nghiệp còn thiếu bộ công cụ đánh giá, thiếu đầu tư chuyên sâu cho đội ngũ giáo viên; xu thế học sinh lựa chọn ngành nghề theo đám đông, xu hướng; phụ huynh thiếu thông tin và chưa thật sự đồng hành cùng con cũng là những khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng công tác hướng nghiệp.
Nhiều ý kiến của giáo viên, phụ huynh và học sinh cũng đồng tình với nhận định công tác hướng nghiệp trong nhiều trường còn nặng về hình thức; nội dung tư vấn còn chung chung, nặng về giới thiệu trường, thiếu chiều sâu nghề nghiệp, nhiều giáo viên chưa có kỹ năng tư vấn nghề nghiệp; thiếu sự kết nối giữa nhà trường-doanh nghiệp-thị trường lao động. Những nguyên nhân nêu trên đã dẫn đến sự lựa chọn sai lầm, gây lãng phí; tình trạng thất nghiệp hoặc ra trường không có việc làm, làm không đúng nghề đào tạo tăng cao.
|
Hướng nghiệp không phải là một buổi tư vấn, mà là một quá trình, nên việc đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp từ sớm, ngay từ THCS hoặc đầu cấp THPT là việc cần làm. Việc chọn ngành, chọn nghề phải được định hướng bài bản hơn là lựa chọn theo bản năng hay áp lực. Do đó, cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên làm công tác hướng nghiệp; đầu tư bộ công cụ đánh giá để nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp. Quá trình này cần có sự phối hợp với các doanh nghiệp, cựu sinh viên; tổ chức các trải nghiệm nghề nghiệp. Các bậc phụ huynh cũng cần hiểu rõ vai trò định hướng thay vì quyết định thay con, hoặc để con “tự bơi”. Đã đến lúc hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường phải được làm thật, chạm tới nhu cầu của học sinh, kết nối được với các doanh nghiệp và thị trường lao động, thay vì chỉ dừng lại ở phong trào khiến việc học đại học nhiều khi thành… học đại.
Ngọc Mai
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202506/dai-hoc-xin-dung-hoc-dai-2226960/
Bình luận (0)