“Bản đồ lực lượng” thay đổi
Từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cả nước nay còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đây là thay đổi mang tính bước ngoặt trong công tác tổ chức hành chính, đồng thời đặt ra nhiều thách thức mới đối với hệ thống quản lý thể thao, đặc biệt là trong bối cảnh Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X dự kiến diễn ra vào năm 2026. Một trong những vấn đề đáng chú ý là cuộc đua tranh thứ hạng toàn đoàn giữa các địa phương, ngành.

Tại các kỳ Đại hội trước đây, cuộc đua thứ hạng toàn đoàn thường diễn ra giữa những trung tâm thể thao mạnh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Công an nhân dân, Quân đội, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng... Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2025, bản đồ lực lượng thể thao giữa các tỉnh, thành, ngành đã có nhiều thay đổi. Sự kết hợp giữa những địa phương vốn có thế mạnh riêng biệt về một số môn sẽ tác động trực tiếp đến cuộc đua toàn đoàn, đặc biệt trong nhóm đầu, tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026. Ngay với Hà Nội, đơn vị thường dẫn đầu toàn đoàn từ năm 2022 trở lại đây, bài toán giữ ngôi Nhất toàn đoàn giờ càng nhiều ẩn số.
Trước ngày 1/7/2025, bài toán với Hà Nội là làm thế nào để vực dậy hoặc giữ vị thế ở những môn thế mạnh sau một thời gian dài gặp đủ khó khăn về cơ chế dẫn đến tập huấn, thi đấu quốc tế không như kế hoạch, không có lớp vận động viên (VĐV) kế thừa xứng đáng.
Sau ngày 1/7/2025 lại thêm bài toán về thực lực của các đối thủ cạnh tranh sau khi 23 tỉnh, thành mới được thành lập. Hiểu theo cách cơ học, các tỉnh, thành mới sẽ mạnh hơn về mặt lực lượng ở nhiều môn.
Như ở môn xe đạp, sự hợp nhất giữa các đội đua TP Hồ Chí Minh, Bình Dương sẽ mang đến cơ hội giành nhiều HCV hơn cho TP Hồ Chí Minh tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2026. Điều này hoàn toàn có lý khi dàn VĐV nữ của Bình Dương trước đây luôn giành HCV tại nội dung băng đồng. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh lại “không có tên tuổi” trong làng xe đạp Việt Nam về nội dung này.
Hay như ở môn bi sắt. Trong khi đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu đã khẳng định tên tuổi trong những năm gần đây với việc đều đặn giành HCV ở Giải vô địch quốc gia trong khi đoàn TP Hồ Chí Minh lại không đoạt HCV ở nhiều giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia những năm qua. Với môn bi sắt nói chung, sau 1/7/2025, dự kiến số đội dự các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia sẽ vào khoảng 12 đội thanh vì 18 đội như trước đây.
Như cách nhìn nhận của Trưởng bộ môn bi sắt (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội) Đặng Xuân Vui, việc kết hợp giữa các tỉnh, thành đương nhiên sẽ khiến thực lực của nhiều đơn vị mới mạnh hơn rất nhiều. Môn bi sắt cũng không tránh khỏi và theo logic, đội Hà Nội sẽ gặp sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn so với trước. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh ra sao còn phụ thuộc vào sự kết hợp giữa đội sau ngày 1/7/2025. Điều này sẽ thể hiện rõ hơn ở các kỳ giải quốc gia sắp tới.
Không để các đoàn bị động
Nhưng trước khi tính đến sự thay đổi về thứ hạng toàn đoàn sau khi cả nước còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, có lẽ cần quan tâm đến việc ban hành Điều lệ Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026. Cho đến tháng 7/2025, tức là chỉ còn hơn một năm là đến ngày dự kiến tổ chức khai mạc - cả Đề án và Điều lệ khung Đại hội vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Thực tế, việc chậm ban hành Điều lệ không phải là chuyện mới.
Ngay sau Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, giới chuyên môn đã lên tiếng đề nghị Cục Thể dục thể thao Việt Nam cần khẩn trương ban hành Đề án tổ chức và Điều lệ khung Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X ngay trong năm 2023. Đó là khoảng thời gian lý tưởng để các địa phương có định hướng đầu tư dài hơi cho chu kỳ 4 năm.
Năm 2022, phải đến cuối tháng 8 - chỉ còn ba tháng trước ngày khai mạc - thì Đề án tổ chức và Điều lệ khung Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX mới được ban hành. Điều đó khiến các đơn vị tham dự chỉ có thời gian ngắn ngủi để hoàn thiện kế hoạch nhân sự, đăng ký nội dung thi đấu và chuẩn bị chuyên môn.
Nếu kịch bản này lặp lại, chất lượng chuyên môn và hình ảnh của một kỳ Đại hội Thể thao cấp quốc gia sẽ khó bảo đảm. Nhiều VĐV có thể không đạt phong độ tốt nhất do thời gian chuẩn bị gấp gáp, còn các địa phương dễ bị lúng túng trong việc xây dựng chỉ tiêu, tập huấn.
Cho đến lúc này, quy mô và cơ cấu môn thi đấu của Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026 vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đây cũng là vấn đề được giới chuyên môn quan tâm. Đại hội năm 2018 có 36 môn và 743 nội dung, còn đến năm 2022, con số này đã tăng vọt lên 43 môn và 941 nội dung, trong đó có nhiều môn không nằm trong chương trình Olympic hay ASIAD như đẩy gậy, kéo co, lân sư rồng, võ cổ truyền...
Việc “phình to” số môn thi đấu khiến nhiều địa phương buộc phải phân tán nguồn lực đầu tư cho những môn không phải là trọng điểm của quốc gia, nhằm tìm kiếm thành tích và điểm số trong bảng tổng sắp toàn đoàn. Điều này hoàn toàn đi ngược với định hướng chung của ngành Thể thao là tập trung cho các môn Olympic và ASIAD.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã nhiều lần lên tiếng về bất cập này. Ông cho rằng, nếu không điều chỉnh lại cơ cấu môn thi đấu theo hướng tinh gọn và bám sát các đấu trường quốc tế lớn, thì Đại hội Thể thao toàn quốc sẽ tiếp tục gây lãng phí nguồn lực, làm chệch hướng đầu tư và không khơi dậy động lực thi đấu thực sự cho các địa phương.
Thế nên, câu chuyện không chỉ nằm ở việc sức cạnh tranh của Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026 sẽ ra sao mà còn nằm ở sự khẩn trương của ngành Thể thao trong việc ban hành Điều lệ Đại hội Thể thao toàn quốc. Để từ đó, giới chuyên môn có cơ sở nhìn nhận về cuộc đua toàn đoàn của Đại hội sau khi nhiều tỉnh, thành lập mới.
Pickleball có tên trong Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026?
Pickleball - môn thể thao thời thượng hiện nay đã được đề xuất bổ sung vào danh sách các môn thi đấu trong Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026. Việc này nhằm đón đầu xu thế và tạo động lực cho phong trào thể thao cộng đồng. Dù vậy, sự phát triển của Pickleball ở các sân chơi quốc tế như SEA Games, ASIAD vẫn là dấu hỏi. (Minh Khuê)
Nguồn: https://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/dai-hoi-the-thao-toan-quoc-2026-cuoc-dua-toan-doan-se-khac-i773569/
Bình luận (0)