Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dấu ấn chương trình giảm nghèo bền vững

Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV) được triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Nhờ đó, nhiều vùng quê khó khăn trong tỉnh dần "thay da đổi thịt”, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt.

Báo Hòa BìnhBáo Hòa Bình02/05/2025


Hộ nghèo xóm Cang, xã Đoàn Kết (Đà Bắc) phấn khởi được Nhà nước hỗ trợ dê giống. Đây là vật nuôi phù hợp với điều kiện chăn thả tại địa phương. 


Đầu tư hạ tầng thiết yếu, tạo lực đẩy thoát nghèo

Xác định hạ tầng là nền tảng quan trọng để tạo sinh kế, nâng cao chất lượng sống, trong giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh Hòa Bình đã huy động tổng nguồn lực hơn 740 tỷ đồng để thực hiện Chương trình GNBV. Trong đó, riêng huyện nghèo Đà Bắc được đầu tư hơn 284 tỷ đồng nhằm phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Nhờ nguồn lực này, nhiều tuyến đường nội thôn, nội đồng, sân vận động, nhà văn hoá được xây mới, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt và sản xuất.

Điển hình như xóm Hà, xã Đồng Chum - một trong những xóm khó khăn nhất tỉnh. Trước đây, con đường độc đạo vào xóm nhỏ hẹp, dốc cao, đi lại rất vất vả. Nhờ nguồn vốn hơn 13 tỷ đồng từ Chương trình GNBV, đường vào xóm đã được  mở rộng, cứng hoá. Ông Đinh Công Hiếu, người dân xóm Hà chia sẻ: "Những năm gần đây, người dân trong xóm nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước. Ngoài đường giao thông, các hộ được hỗ trợ giống cây, con để phát triển    kinh tế. Đời sống giờ khác trước    rất nhiều”.

Tại xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn), là xóm đặc biệt khó khăn, nhờ sự đầu tư từ Chương trình GNBV, bộ mặt nông thôn đổi thay từng ngày. Anh Bùi Văn Chính, người dân xóm Pheo cho biết: "Từ khi có đường mới và điện lưới quốc gia, đời sống bà con thay đổi nhanh chóng. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ nuôi lợn bản địa, nuôi bò sinh sản... Nhờ vậy nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh đã đầu tư 489 công trình hạ tầng từ Chương trình GNBV. Trong đó có 30 công trình giao thông, 20 công trình thủy lợi, 2 công trình nước sạch, 4 công trình văn hóa và 429 công trình duy tu, bảo dưỡng khác. Hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cũng được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ thiết yếu cho người dân.

Trao "cần câu” cho hộ nghèo

Bên cạnh đầu tư hạ tầng, tỉnh Hòa Bình chú trọng triển khai hiệu quả Dự án 2 về hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo. Giai đoạn 2022 - 2024, toàn tỉnh triển khai 148 mô hình sản xuất, hỗ trợ hơn 5.300 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Các mô hình chủ yếu tập trung vào chăn nuôi bò lai, dê sinh sản, trồng trọt và hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất.

Chính sách tín dụng ưu đãi cũng được triển khai đồng bộ, trở thành "bệ đỡ" giúp người dân mở rộng sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Trong giai đoạn 2021 - 2024, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân vốn cho hơn 116 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn này đã giúp hơn 13 nghìn hộ thoát nghèo, đồng thời xây dựng trên 64 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn.

Gia đình bà Mùa Y Số, xóm Cang, xã Pà Cò (Mai Châu) là một trong những hộ đã thoát nghèo  khi được vay vốn ưu đãi, chia sẻ: "Từ khi được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, gia đình tôi có điều kiện đầu tư nuôi bò, cải tạo chuồng trại. Nhờ đó thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo”.

Song song với hỗ trợ sinh kế, tỉnh đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Trong giai đoạn 2021 - 2025, hàng nghìn lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo đã được đào tạo nghề. Các phiên giao dịch việc làm, ngày hội tư vấn nghề nghiệp được tổ chức thường xuyên, tạo cơ hội việc làm trong và ngoài nước cho người dân vùng khó.

Ngoài ra, các chính sách an sinh xã hội như cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, học phí, nhà ở, chăm sóc sức khỏe… cũng được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Giai đoạn 2021 - 2023, riêng từ Quỹ "Vì người nghèo”, toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa hơn 1.300 căn nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm nhanh, từ 15,49% (năm 2021) xuống còn 6,59% cuối năm 2024. Các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo đều đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo đề ra. Thành quả từ Chương trình GNBV không chỉ thể hiện qua những con số, mà còn khẳng định bằng sự đổi thay trong tư duy, nhận thức và hành động của người dân. Từ chỗ trông chờ, ỷ lại, nhiều hộ đã chủ động học nghề, tiếp cận kỹ thuật, đầu tư sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững.


Viết Đào

Nguồn: https://baohoabinh.com.vn/274/200737/Dau-an-chuong-trinh-giam-ngheo-ben-vung.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm