Dấu vết thành xưa
Trước năm 1960, chùa Giồng Thành ở giữa cánh đồng cô tịch, bên phải rạch Cái Vừng. Đường vô chùa phải qua con lộ đất hai bên trồng nhiều cây to bóng mát. Bấy giờ, dân địa phương xem ngôi chùa là một thắng cảnh của Tân Châu. Mặc dù mang tên Long Hưng tự nhưng ít phổ biến, người ta biết nhiều với tên Giồng Thành vì ngôi chùa nằm ngay vị trí cái nền thành cũ ngày xưa. Theo địa bạ Minh Mạng năm 1836, ở thôn Long Sơn có 2 sở đất lập thổ bảo, tức thành đắp bằng đất. Sau này người ta còn phát hiện vài di tích như hào thành và nền cột cờ xung quanh chùa.
Sử chép vào năm 1833, vua Minh Mạng sai tuần phủ Ngô Bá Nhân chọn địa điểm xây đắp thành. Khi Ngô Bá Nhân vẽ họa đồ dâng lên, vua họp bàn các quan đều cho rằng thôn Long Sơn ở về thượng du, hình thế cao ráo, có sông Tiền, sông Hậu hai bên, địa thế hiểm trở nên xin đắp thành ở đây để tiện việc canh giữ biên cương. Vua chuẩn y. Nhưng đến năm 1835, vua đổi ý, cho rằng đã có thành Châu Đốc đủ sức chống giặc, việc đắp thành ở Long Sơn chưa cần kíp. Vì vậy, việc xây thành bị bỏ dở dang.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp, vào thời Gia Long, Long Sơn là một trong các thôn thuộc tổng Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, trấn Vĩnh Thanh. Đến năm 1832, tỉnh An Giang chính thức được thành lập, huyện Vĩnh An bị cắt bớt phần trên, lấy rạch Cái Tàu Thượng làm ranh. Phần trên cặp theo hữu ngạn sông Tiền tới biên giới người Miên, thuộc huyện Đông Xuyên, thôn Long Sơn được chọn làm nơi đặt lỵ sở của huyện này.
Để bảo vệ lỵ sở, các tướng nhà Nguyễn đã huy động dân binh đào hào, đắp thành xung quanh. Dấu vết Giồng Thành là một giồng đất cao đắp bao quanh thành của huyện lỵ Đông Xuyên ngày xưa, là giồng đất do người đắp chớ không phải do một giồng cát tự nhiên bồi tụ mà thành.
Và ngôi chùa lộng lẫy
Từ cái am tu tại gia của họ Trần, họ tiền hiền của thôn Long Sơn, ngày nay Giồng Thành là một ngôi chùa lớn ở TX.Tân Châu. Tương truyền, họ Trần gốc miền Trung và có liên hệ với nhà Tây Sơn. Sau vụ nội bộ Tây Sơn lục đục, vì lánh nạn nên con cháu chạy về đây khai khẩn. Khoảng năm 1875, họ Trần mở rộng chùa và thỉnh hòa thượng Minh Lý thiền phái Lâm Tế về trụ trì. Nhưng hồi đó cũng chỉ là ngôi chùa tre lá, cổng hướng về phía tây. Tháp hòa thượng Minh Lý hiện còn tại chùa, sư Thích Trí Tân cho biết.
Về sau, trong họ Trần có ông cai tổng Trần Chánh Thi hiến thêm một mẫu đất và đứng ra xây cất ngôi chùa mái lợp ngói, cổng chùa quay về hướng đông. Từ năm 1927, ngôi chùa do hòa thượng Như Điền trụ trì. Theo tài liệu lịch sử địa phương, lúc này tại làng Long Sơn có tổ chức Thiên địa hội, dân gian gọi là hội “Kèo xanh, Kèo vàng” tập hợp những người yêu nước chống thực dân Pháp. Hòa thượng Như Điền tham gia tổ chức này và đã quy tụ được nhiều người cùng tham gia.
Mấy năm sau, tín đồ đến viếng chùa ngày càng đông. Thấy ngôi chùa đã cũ kỹ, chật hẹp nên hòa thượng đứng ra xin chính quyền cho phép quyên tiền để trùng tu. Do ảnh hưởng của hòa thượng Như Điền nên bà con ở chợ Tân Châu cùng thập phương bá tánh đóng góp nhiều tiền của để xây cất lại ngôi chùa.
Cũng trong giai đoạn này, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy có đến chùa ở tạm một thời gian. Ngày đi, đêm về, nhưng không biết hành trạng như thế nào. Được ít lâu, vì bị theo dõi nên cụ chuyển qua Cao Lãnh cư ngụ, rồi qua đời tại đó. Chùa Giồng Thành hiện còn lưu giữ một cái giường ngày xưa cụ Phó bảng nằm và ghi lại mốc thời gian cụ ở tại chùa trên tấm bia đá dựng trước sân.
Sau khi hòa thượng Như Điền viên tịch, kế thế trụ trì là hòa thượng Chơn Như. Vị hòa thượng này vốn cũng là người trong họ Trần, thế danh là Trần Hữu Vị. Giai đoạn hòa thượng trụ trì, chùa Giồng Thành tiếp tục xây dựng hoàn thiện. Đợt trùng tu lớn nhất vào năm 1970, nhiều công trình tồn tại cho đến ngày nay.
Chùa Giồng Thành là khối kiến trúc giao thoa giữa phong cách kiến trúc nửa Ấn nửa Tây, bao gồm 3 gian: chánh điện, nhà giảng và hậu tổ. Nối chánh điện và nhà hậu tổ là hai dãy đông lang, tây lang, giữa có hồ nước làm cảnh và sân thiên tĩnh để lấy ánh sáng và thông gió. Khu vực này cũng được xây dựng theo lối kiến trúc tân thời. Hệ thống cột với các khung cửa hình vòm bao quanh, đầu cột đắp hoa văn kiểu Pháp. Các hàng cột ở gian chánh điện đều bằng gỗ được sơn vẽ hình rồng, bố trí nhiều câu đối sơn son nhủ vàng.
Mái chùa lợp bằng ngói Tây. Trên nóc chùa có 3 ngọn cổ lâu. Ngọn cổ lâu hai bên đắp hình chiếc phễu úp, phần mái được trang trí nhiều họa tiết, hoa văn. Cổ lâu chính giữa có 2 tầng, trên ngọn cũng đắp hình chiếc phễu úp, nhưng góc cạnh được bo tròn theo lối kiến trúc mái vòm củ hành. Bên trong cổ lâu tầng trên đặt tượng Phật Thích Ca sơ sinh, tầng dưới là Phật tọa thiền. Những ngọn cổ lâu này chính là điểm nhấn khiến ngôi chùa mang dáng dấp kiểu kiến trúc của các ngôi chùa Ấn Độ.
Gian chánh điện bố trí các bộ tượng Phật Thích Ca, A Di Đà, Quan Âm, tượng Thập Điện Minh vương, Nam Tào Bắc Đẩu… Riêng khu nhà giảng có thêm bàn thờ Phật Mẫu, còn nhà hậu tổ thì có bài vị thờ các hòa thượng trụ trì chùa và lưu giữ một số di vật, trong đó có giường ngủ của cụ Phó bảng. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/dau-xua-mo-coi-dat-phuong-nam-dau-vet-xua-o-giong-thanh-185241102204029785.htm