Diễn viên Đinh Ngọc Diệp từng cộng tác ở báo Tuổi Trẻ khi còn là sinh viên, cách đây khoảng 20 năm - Ảnh: FBNV
Đinh Ngọc Diệp từng thực tập ở báo Tuổi Trẻ khi còn là sinh viên khoa báo chí của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Trong thời gian khoảng 1-2 năm gắn bó với báo, cô làm việc ở ban văn hóa văn nghệ (nay là ban văn hóa giải trí), được các nhà báo ở đây dìu dắt.
Để có nửa trang phóng sự ở Tuổi Trẻ hồi đó, cô mất 2 tháng tìm hiểu, lên kế hoạch, đi thực tế. Cô trân trọng những bài viết sâu, có tính đời sống, phân tích bình luận của Tuổi Trẻ. Trong gia đình cô, cũng có những người từng cộng tác với báo.
Kỷ niệm viết phóng sự về nghề người mẫu ở Tuổi Trẻ
Đến nay, cô vẫn nhớ cảm giác ngỡ ngàng khi bước vào tòa soạn báo Tuổi Trẻ lần đầu tiên, với nhiều tầng lầu, nhiều phòng ban với máy tính và nhiều anh chị lớn trong giới báo chí.
Cô nhớ lại: "Các anh chị và cô chú làm việc rất chuyên nghiệp, từ việc đúng giờ, tác phong và quy trình bài vở, viết lách đều rất chuyên nghiệp. Tôi như bị hớp hồn khi chứng kiến sự tâm huyết của các nhà báo trong công việc".
Những kinh nghiệm học hỏi được từ báo Tuổi Trẻ cũng là hàng trang đi theo Đinh Ngọc Diệp trong hơn 40 năm tuổi đời của cô.
Kỷ niệm cô nhớ nhất khi cộng tác với Tuổi Trẻ là khi được tham gia vào loạt bài phóng sự dài kỳ "Trong thế giới người mẫu" vào năm 2005.
Cô kể: "Điều quý giá tôi học được là để viết khoảng nửa trang trong một bài báo, một phóng sự điều tra trên báo in Tuổi Trẻ thôi mà phải theo dõi trong vòng hai tháng trời, tham gia các sự kiện và tiếp xúc tận gốc rễ, gặp gỡ người thật việc thật để mình khai thác thông tin, chứ không đơn giản là ngồi ở nhà viết ra".
Công việc của Đinh Ngọc Diệp là thâm nhập vào thế giới người mẫu, viết ra những trải nghiệm, cảm xúc của người trong cuộc. Cô cũng biết ơn các cấp quản lý, lãnh đạo của báo đã biên tập và định hướng để tuyến bài không chỉ phản ánh thực tế tiêu cực mà còn hướng đến sự nhân văn, tốt đẹp.
Đinh Ngọc Diệp vào khoảng năm 2005 (trái, cách đây 20 năm) và cô hiện nay - Ảnh: NVCC
Một thời gian ngắn sau khi làm báo, Đinh Ngọc Diệp rẽ hướng đi làm người mẫu và đóng phim nên không còn viết báo nhiều. Nhưng cô vẫn nhớ rằng sau khi cộng tác với Tuổi Trẻ, cô có cảm giác mình được mọi người đánh giá tích cực hơn khi đi đến các tòa soạn báo khác.
Cô hoa khôi của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2005 cũng được rèn luyện khả năng viết chính luận, văn phong, tác phong, chuyên môn. Cô tâm niệm mình đã viết ra điều gì thì phải hướng đến sự tốt đẹp, giúp ích và truyền cảm hứng cho bạn đọc.
Đinh Ngọc Diệp mong mỏi những bài phân tích, bình luận sâu
"Tờ báo in ngày trước như một món quà, một ấn phẩm. Ở đó không chỉ có tin tức mà còn có những câu chuyện nhân văn, ý nghĩa, nói về lòng nhân hậu, gieo sự tích cực lên người đọc. Báo Tuổi Trẻ từng góp phần tạo nên văn hóa đọc trong mỗi gia đình.
Ở gia đình tôi cũng vậy, trước đây, bên ly cà phê mỗi sáng, ông thường ngồi cùng một tờ báo. Khi đọc xong, ông chia sẻ những tin tức hay và truyền tay cho cả gia đình để mọi người cùng đọc, bàn luận sôi nổi về tin tức trên báo Tuổi Trẻ" - diễn viên Thám tử Kiên kể lại.
Ngoài Đinh Ngọc Diệp, bố và anh trai cô cũng từng cộng tác với báo Tuổi Trẻ trong mảng phê bình phim, viết về những bộ phim hay trong nước và quốc tế.
Cả gia đình cô có truyền thống thích xem phim và viết về phim. Mỗi tuần được đăng một góc nhỏ trên tờ báo cũng là một niềm vui lớn.
Đến khi thi đại học, cô cũng từng là một sinh viên háo hức và hân hoan dò tên mình trong bảng điểm thi in trên báo Tuổi Trẻ.
Có duyên với Tuổi Trẻ và báo chí ở buổi đầu sự nghiệp, Đinh Ngọc Diệp rẽ sang hướng khác trong sự nghiệp, theo đuổi nghề diễn viên, nhà sản xuất phim - đồng hành cùng chồng là đạo diễn Victor Vũ. Thế nhưng, hiện nay công việc của cô vẫn gắn bó với báo chí và cần đến những kỹ năng báo chí từng học được.
Ngày nay, bối cảnh báo chí truyền thông đã có nhiều thay đổi với sự lên ngôi của mạng xã hội và truyền thông mạng xã hội. Nhưng chính trong bối cảnh đó, bạn đọc càng cần những bài viết sâu từ báo chí chính thống.
Đôi vợ chồng điện ảnh Victor Vũ - Đinh Ngọc Diệp - Ảnh: FBNV
"Trong ngành nghệ thuật và giải trí, tôi cho rằng rất cần những tờ báo mang tính bình luận, phân tích sâu và đậm đà. Khi một tác phẩm, ca khúc, chương trình hay phim điện ảnh ra đời, tôi mong có nhiều hơn những bài viết góp ý cho người làm nghề như chúng tôi, đồng thời là cho những bạn đọc yêu nghệ thuật" - Đinh Ngọc Diệp nhắn nhủ.
Cô gợi ý Tuổi Trẻ nên thực hiện những cuốn sách tập hợp các bài báo hay đi cùng năm tháng để bạn đọc lưu giữ dài lâu.
Mời bạn viết Dấu ấn Tuổi Trẻ trong tôi
50 năm hình thành và phát triển của Tuổi Trẻ, bạn đọc luôn ở vị trí trung tâm. Trong quá trình đọc, theo dõi và sống cùng với Tuổi Trẻ, chắc hẳn bạn đọc có rất nhiều kỷ niệm, nhiều câu chuyện khó phai cũng như nhiều tình cảm, tâm tư với một tờ báo là "món ăn tinh thần" của bạn đọc và cũng là một phần đời khó phai trong nhiều bạn đọc.
Thấu hiểu những tâm tư đó, báo Tuổi Trẻ và đơn vị đồng hành là Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) tổ chức cuộc thi viết "Dấu ấn Tuổi Trẻ trong tôi" để bạn đọc, những người yêu, gắn bó với Tuổi Trẻ kể những câu chuyện xúc động, thú vị, những kỷ niệm không quên của mỗi người gắn với Tuổi Trẻ trong 50 năm qua.
Cuộc thi viết nhằm lan tỏa, chia sẻ những câu chuyện, những dấu ấn của bạn đọc với báo Tuổi Trẻ. Đồng thời tiếp tục làm khắng khít thêm tình yêu của bạn đọc với Tuổi Trẻ và để những người Tuổi Trẻ thêm hiểu bạn đọc, để hành trình phía trước của chúng ta thêm nhiều ý nghĩa.
"Dấu ấn Tuổi Trẻ trong tôi" là diễn đàn cho tất cả bạn đọc Tuổi Trẻ, thúc đẩy sự tương tác giữa báo và bạn đọc nhân Tuổi - Trẻ - của - chúng - ta tròn 50 tuổi.
"Dấu ấn Tuổi Trẻ trong tôi" mời gọi tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp đều được tham gia.
Thời gian gửi bài dự thi từ ngày 24-5 đến 30-6-2025. Bài viết tối đa 1.200 chữ, bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, video tư liệu liên quan bài viết.
Tác giả bắt buộc phải ghi địa chỉ, điện thoại, email, số tài khoản để ban tổ chức liên lạc. Bài viết dự thi gửi đến email: [email protected].
Bài dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết nào khác và chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Tác giả gửi bài chịu trách nhiệm về bản quyền của bài viết, ảnh và video dự thi, không nhận ảnh video minh họa lấy từ trên mạng xã hội không có bản quyền. Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.
Ban giám khảo gồm đại diện báo Tuổi Trẻ và một số chuyên gia, nhà nghiên cứu hoặc người nổi tiếng có ảnh hưởng trong xã hội sẽ chấm chung khảo xét giải từ các bài được chọn đăng trên các nền tảng Tuổi Trẻ.
Dự kiến sự kiện tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ diễn ra cuối tháng 7-2025 tại Đường sách TP.HCM.
Giải thưởng
* 1 giải nhất: 20 triệu đồng + giấy chứng nhận, sách
* 1 giải nhì: 10 triệu đồng + giấy chứng nhận, sách
* 1 giải ba: 5 triệu đồng + giấy chứng nhận, sách
* 10 giải khuyến khích: 2 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách
* 10 giải bạn đọc bình chọn: 1 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách. Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dinh-ngoc-diep-toi-mat-2-thang-de-viet-duoc-nua-trang-bao-tuoi-tre-20250526160934606.htm
Bình luận (0)