
Từ không gian văn hóa trà
Chị Trần Hạo Nhiên - Quản lý sản xuất Công ty CP trà Long Đỉnh cho biết: Bảo tàng Trà Long Đỉnh được ra đời với sứ mệnh mang đến một hành trình trải nghiệm trà tại không gian văn hóa trà lớn nhất Việt Nam, để lắng nghe những câu chuyện về vùng đất trà hơn 100 năm Cầu Đất - vùng đất được người Pháp lựa chọn để trồng trà, khởi nguồn của ngành trà trên cao nguyên Lang Biang.
Không gian văn hóa - Bảo tàng Trà Long Đỉnh đặt tại khu vực Cầu Đất, nơi vào năm 1927, người Pháp đã lần đầu tiên mang cây trà đến Việt Nam để trồng thử nghiệm tại đây. Chính nhờ thổ nhưỡng vùng cao nguyên cao hơn 1.600 m so với mặt nước biển phù hợp, nhiều giống trà quý phát triển tốt nên những đồn điền trà phát triển trên vùng đất này, mang theo kỹ nghệ sản xuất, văn hóa thưởng trà riêng có của Việt Nam, với sự tiếp thu những tinh túy văn hóa trà từ Trung Hoa, Nhật Bản, Ả rập, châu Âu và Việt Nam.

Đặc biệt, năm 1988, cây giống trà Ô long được nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) về tại vùng đất này rồi nhân rộng ra nhiều địa phương của tỉnh Lâm Đồng, bởi cây trà giống quý này phát triển tốt trên vùng đất có thời tiết lạnh, lượng mưa, độ ẩm thích hợp.
Bảo tàng Trà Long Đỉnh hiện đang lưu trữ và trưng bày hàng trăm cổ vật và tranh, ảnh, tượng được trưng bày một cách khoa học nhằm giới thiệu lịch sử phát triển ngành trà. Khởi đầu là bức tượng Thần Nông được đặt trang trọng ngay cửa chính bước vào bảo tàng đây được xem là ông tổ của ngành nông nghiệp, và cũng chính là người đầu tiên tìm ra cây trà.
Bên cạnh đó là những tượng, ảnh về những người có công với ngành trà trên khắp thế giới; khu trưng bày bản đồ cổ về trà thế giới, lịch sử trà Việt Nam; khu trưng bày các vật dụng, nông cụ thô sơ của ngày xưa như túi đựng cơm, gùi trà, nón lá, nia gàu múc nước, xe đẩy, bồ trà, rương đựng bảo quản trà, áo tơi của phu trà, các công cụ làm trà ngày xưa...
“Giữa nhịp sống hối hả, đôi khi ta chỉ muốn tìm về một nơi chốn bình yên để tâm hồn được lắng đọng. Nơi ấy có hương trà thơm ngát lan tỏa, có những câu chuyện lịch sử được thì thầm qua từng hiện vật”
Chị Trần Hạo Nhiên, Quản lý sản xuất Công ty CP trà Long Đỉnh

Đến hương vị ẩm thực từ trà
Là một trong những người tiên phong mang trà vào gian bếp, chị Trần Phương Uyên - Phó Giám đốc Công ty CP trà Long Đỉnh đã sáng tạo nên những món ngon từ trà. Từ chính những vườn trà Ô long chất lượng cao, chị Uyên đã phát triển một thực đơn phong phú, mở ra hướng đi mới cho ẩm thực trà Việt.
Đến với không gian văn hóa Bảo tàng Trà Long Đỉnh, bên cạnh thưởng thức hương trà thơm ngát lan tỏa, thực khách có thể thưởng thức những món ăn đầy bất ngờ như cơm trà, trứng nấu trà, tempura trà, thịt kho trà, thạch trà, thậm chí cả bánh tét trà xanh… Mỗi món ăn là một công trình công phu, đòi hỏi nguyên liệu trà được chọn lựa khắt khe, hái lúc tinh sương để đảm bảo hương vị và giá trị dưỡng chất.
Mở đầu hành trình khám phá ẩm thực là món cơm trà. Không đơn thuần là cơm, cơm trà là món ăn mở đầu cho hành trình khám phá vị trà trong từng hạt gạo. Nước dùng nấu cơm là nước trà Ô long đã lên men hoặc bột trà xanh matcha. Cơm chín có hương dịu nhẹ, màu xanh dịu mắt và độ dẻo mềm đặc trưng. Hương thơm trái cây chín dịu nhẹ từ hồng trà hay sắc xanh thanh khiết từ matcha tạo nên một món cơm vừa đẹp mắt, vừa dẻo thơm, để lại hậu vị trà thoảng nhẹ sau từng miếng ăn.

Bên cạnh đó, thực khách còn được thưởng thức món trứng nấu trà. Ẩn sau vẻ ngoài tưởng chừng đơn giản, món trứng nấu trà lại là một biểu tượng của sự nhẫn nại và cân bằng trong chế biến. Trứng được luộc suốt 8 - 13 giờ trong nước trà pha cùng thảo dược như hoa hồi, quế, thục địa. Vỏ trứng được đập nhẹ để thẩm thấu vị trà, tạo nên lớp màu nâu sóng sánh và hương thơm mộc mạc, gợi nhớ vị thuốc bắc nhẹ nhàng.
Không dừng lại ở món ăn truyền thống, món mì bò hồng trà là sự pha trộn giữa hương vị hiện đại và cổ điển. Nước dùng từ hồng trà kết hợp với thịt bò hầm mềm, tạo nên vị ngọt dịu đầy ấn tượng. Sợi mì được làm thủ công với bột trà, có màu vàng nâu óng nhẹ, mềm mà không bở. Đây là món ăn khiến thực khách vừa ngạc nhiên, vừa thích thú bởi sự hòa quyện hài hòa giữa thảo mộc và đạm.
Cuối cùng, du khách sẽ khép lại bữa ăn là các món thạch trà, chè trà xanh, kem matcha, hay bánh pudding trà đen - mỗi món đều giữ trọn hương trà nguyên bản nhưng được thể hiện bằng nhiều chất liệu mới.
Nguồn: https://baolamdong.vn/doc-dao-khong-gian-van-hoa-am-thuc-tra-382999.html
Bình luận (0)