Khán giả thủ đô đã dành cho vở "Đối mặt" sự cổ vũ nồng nhiệt
Kịch bản do tác giả Trình Huyền chắp bút, dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn – NSND Tuấn Hải, với âm nhạc giàu cảm xúc từ NSND Trọng Đài và thiết kế mỹ thuật của NSND Doãn Bằng. Tất cả đã kết hợp tạo nên một vở diễn đậm đà cảm xúc, vừa có tính thời sự, vừa chứa đựng chiều sâu nhân bản hiếm thấy trong dòng kịch về hình tượng người chiến sĩ.
Bi kịch và lý tưởng: "Đối mặt" với chính mình
Trung tâm của câu chuyện là Nguyễn Minh Trí – một chiến sĩ phòng chống ma túy mang trong mình lý tưởng nối gót người cha. Trong một lần phá án, Trí bị thương nặng, mất khả năng đi lại, trở thành người tật nguyền vĩnh viễn. Bi kịch thể xác kéo theo những đổ vỡ tinh thần – Trí lựa chọn rút lui khỏi tình yêu với Vân, người bạn gái luôn dành cho anh một tình cảm sâu nặng.Lớp diễn xúc động của vợ là khi mẹ của Trí qua đời, bà tự hào khi được làm vợ, làm mẹ của chiến sĩ công an nhân dân
Sự hy sinh thầm lặng của Trí, lựa chọn sống trong lặng lẽ thay vì trở thành gánh nặng, đã đẩy mạch kịch vào không gian tâm lý đầy giằng xé. Nhưng điều khiến "Đối mặt" không trở nên bi lụy chính là cách nhân vật Vân được xây dựng rất chân thật, một cô gái dám yêu, dám đối mặt với cả định kiến gia đình, để đi tìm và gìn giữ tình yêu của mình.
Hành động của cô không chỉ là biểu hiện của tình yêu thuần khiết, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về giá trị con người – rằng một chiến sĩ không mất đi phẩm giá chỉ vì đôi chân tật nguyền.
Trí đã quyết định tránh mặt Vân dù biết rằng anh vẫn còn yêu cô tha thiết
Dưới bàn tay đạo diễn NSND Tuấn Hải, từng cảnh trí, chuyển động sân khấu đều được tính toán khéo léo để không sa vào minh họa mà giữ được chiều sâu tâm lý. Ánh sáng, âm thanh – đặc biệt là phần nhạc nền của NSND Trọng Đài – không chỉ hỗ trợ mà nâng đỡ cảm xúc, làm trọn vẹn không gian biểu đạt, khiến người xem đôi lúc phải lặng người vì sự rung động lan tỏa từ tiếng nhạc, giọng nói, đến những khoảng lặng.
Mỹ thuật sân khấu do NSND Doãn Bằng thiết kế góp phần tái hiện một không gian sống đời thường nhưng mang chiều kích biểu tượng – nơi chiến sĩ công an không chỉ chiến đấu ngoài mặt trận, mà còn đấu tranh với chính nỗi đau, sự giằng xé nội tâm.
Gia đình Vân vì lo lắng cho tương lai của cô đã ngăn cản tình yêu mà cô dành cho Trí
Diễn xuất giàu nội lực: Đối mặt với nỗi đau, bước qua số phận
Diễn xuất tinh tế, mang lại nhiều cảm xúc, Công Đại và Huyền Thạch lay động traí tim khán giả
Trong khi đó, nghệ sĩ Công Đại với vai Nguyễn Minh Trí mang đến hình ảnh một chiến sĩ chịu đựng nỗi đau thể xác nhưng không bị khuất phục tinh thần. Diễn xuất của anh vừa kiệm lời, vừa nội tâm – thể hiện được sự giằng xé giữa tình yêu và danh dự, giữa nghĩa vụ và thân phận. Một vai diễn không dễ, nhưng Công Đại đã thể hiện với bản lĩnh vững vàng.
Các vai phụ như ông Thịnh (NS Thanh Tùng), cha mẹ Vân, đồng đội Trí… đều được thể hiện sinh động, giàu tính biểu cảm, giúp vở diễn có độ đậm đặc và chân thực của đời sống. Đặc biệt, nghệ sĩ Thanh Tùng với lối diễn duyên dáng, dí dỏm đã mang đến những tiếng cười nhẹ nhàng nhưng đầy ẩn ý, giúp vở kịch không bị nặng nề.
NSND Trung Hiếu tặng hoa chúc mừng thành công của nghệ sĩ Huyền Thạch (vai Vân)
Nhân văn, không khô cứng hình tượng
Điều đáng quý nhất ở Đối mặt là cách xây dựng hình tượng chiến sĩ công an không hề lên gân, không khẩu hiệu. Nguyễn Minh Trí hiện lên gần gũi như bao con người trong đời thực – có lý tưởng nhưng cũng có yếu đuối, có tổn thương, nhưng cuối cùng vẫn lựa chọn đối diện với nghịch cảnh bằng sự kiên cường.NSND Trung Hiếu tặng hoa chúc mừng thành công của nghệ sĩ Công Đại (vai Trí)
"Đối mặt" không phải là một bản anh hùng ca hào nhoáng, mà là một khúc trầm sâu lắng, lay động người xem bằng những câu chuyện nhỏ nhưng giàu chất nhân văn. Qua vở diễn này, Nhà hát Kịch Hà Nội đã chứng minh rằng sân khấu kịch chính luận, nếu được đầu tư tử tế, vẫn có thể chạm đến trái tim khán giả hôm nay.
Nguồn: https://nld.com.vn/doi-mat-vo-kich-lay-dong-trai-tim-ve-pham-chat-kien-cuong-cua-chien-si-cong-an-nhan-dan-19625070106042045.htm
Bình luận (0)