Cán bộ Hội LHPN thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa tuyên truyền cho người dân về phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống - Ảnh: T.C.L
Được triển khai trên địa bàn của 37 xã, thị trấn thuộc 5 huyện của vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Quảng Trị, Dự án 8 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em (PN&TE), thực hiện mục tiêu bình đẳng giới (BĐG) và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của PN&TE tại vùng đặc biệt khó khăn. Điều này đòi hỏi sự tâm huyết, tiên phong, dấn thân của đội ngũ cán bộ thực hiện Dự án 8, đặc biệt là cán bộ hội cơ sở.
Tại thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, người dân đã quen với hình ảnh của nữ cán bộ hội trẻ, người dân tộc Vân Kiều, chị Hồ Thị Lương, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Krông Klang. Không phải vì chị nói hay, viết giỏi mà bởi chị hiểu người dân, tham gia tích cực vào hầu hết các hoạt động tại địa phương cùng với cộng đồng và hơn hết là luôn có mặt khi chị em cần.
Từ hòa giải mâu thuẫn vợ chồng, tận tình hướng dẫn cho hội viên phụ nữ làm thủ tục hỗ trợ sinh kế, vận động con em đi học, tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thông... chị Lương và các cán bộ hội cơ sở là người trực tiếp giải quyết những vấn đề của chị em. Chính từ những cuộc trò chuyện bên bếp lửa, những buổi truyền thông ở chân đồi, những mô hình nhỏ nơi thôn, bản xa xôi đã làm nên những chuyển động âm thầm và bền bỉ.
Cũng nhờ lực lượng cán bộ hội phụ nữ ở cơ sở mà các mô hình can thiệp cộng đồng ở các thôn, bản được vận hành và duy trì hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 171 tổ truyền thông cộng đồng, 54 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 30 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, các mô hình sinh kế đều có sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ hội là thành viên của ban điều hành, ban chủ nhiệm của các mô hình.
Ngoài tổ chức các chiến dịch truyền thông, hội LHPN các xã, thị trấn còn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, cũng như vận động các nguồn lực từ các dự án khác để tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thu hút sự tham gia và hưởng ứng của người dân, nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở cơ sở, đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Bám sát các hướng dẫn, chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh và huyện, đến nay, các cấp hội đã tổ chức 64 hội nghị đối thoại chính sách giữa cấp ủy đảng, chính quyền với phụ nữ và người dân tại các xã, thị trấn. Đây là cách làm mới, sáng tạo của hội LHPN các cấp nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng tổ chức đối thoại cho đội ngũ cán bộ nữ, đồng thời, tăng cường kết nối giữa người dân với chính quyền địa phương, tạo niềm tin và uy tín của Đảng, của Nhà nước trong Nhân dân.
Không những tham gia vào các nhiệm vụ chính trị, cán bộ hội cơ sở còn là những người tiên phong “đi trước, làm đầu” ở nhiều mô hình phát triển kinh tế. Chị Hồ Thị Ngam, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông là người lan tỏa mô hình kinh tế tập thể với Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch cộng đồng suối A Lao, tạo nên việc làm và thu nhập cho nhiều chị em vươn lên thoát nghèo.
Tại thôn, bản vùng sâu, vùng xa, nhiều chị em không quen chia sẻ, ngại nói ra khó khăn vì mặc cảm hoặc thiếu tự tin, ngại thay đổi. Chính vì thế, cán bộ hội như chị Ngam phải đến, phải “chạm” được đến lòng tin, phải tiên phong để chị em thấy được hiệu quả mà tự mình làm theo. Đến nay, Tổ hợp tác du lịch cộng đồng suối A Lao đã tạo việc làm ổn định cho 20 phụ nữ, doanh thu mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng, thu nhập đạt từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Thông qua các hoạt động của Dự án 8, lồng ghép với các phong trào thi đua, cuộc vận động, khâu đột phá, các cán bộ hội cơ sở đã tận tình hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể cho hội viên, phụ nữ tham gia phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, xóa bỏ những hủ tục, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, tham gia xây dựng hội vững mạnh, cùng nhau phát triển quê hương.
Xác định năng lực thực hiện của đội ngũ cán bộ hội cơ sở quyết định đến tính hiệu quả lâu dài của dự án, ngay từ khi triển khai, hội đã chú trọng và quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp hội. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập và vận hành CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, nâng cao năng lực cho hơn 200 lượt cán bộ chuyên trách cấp huyện, xã, dẫn trình viên các CLB và các ngành liên quan.
Tổ chức hội nghị nâng cao năng lực về kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại PN&TE vùng đồng bào DTTS cho 55 cán bộ hội các cấp. Tổ chức 7 lớp tập huấn kỹ năng, hướng dẫn, chuẩn bị cho công tác đối thoại cấp xã cho 284 cán bộ tỉnh, huyện và xã.
Để nâng cao năng lực tổ chức đối thoại cho cán bộ hội các cấp, Hội LHPN tỉnh tổ chức 6 lớp tập huấn công tác giám sát và đánh giá thực hiện BĐG cho gần 500 cán bộ các ban, ngành liên quan, cán bộ hội LHPN các cấp. Hội LHPN các huyện cũng tổ chức 4 lớp tập huấn về BĐG cho 290 cán bộ hội các cấp và trưởng thôn, bản, người có uy tín tại cộng đồng, 1 lớp tập huấn hướng dẫn giám sát và đánh giá về thực hiện BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN&TE vùng DTTS&MN cho 117 người.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông Nguyễn Thị Ty chia sẻ: “Xác định cán bộ hội cơ sở là đội ngũ cốt cán, trực tiếp thực hiện các hoạt động của Dự án 8 tại cộng đồng, đồng thời tác động không nhỏ đến hiệu quả của dự án, ngay từ đầu giai đoạn, Hội LHPN huyện đã quan tâm tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị nâng cao kỹ năng cho đội ngũ này. Hội phụ nữ cơ sở không chỉ là nơi tiếp nhận các kế hoạch, chính sách, mà chính là đòn bẩy để những chính sách trở thành hành động, để từng nếp nghĩ, cách làm trong cộng đồng dần chuyển biến tích cực”.
Trần Cát Linh
Nguồn: https://baoquangtri.vn/doi-ngu-can-bo-hoi-phu-nu-co-so-tien-phong-tao-thay-doi-193790.htm
Bình luận (0)