Trở thành thủy thủ tàu viễn dương ở VN giờ không còn là câu chuyện của riêng phái mạnh. Những định kiến xưa nay không cản bước được những cô gái yêu nghề đi biển.
Những cô gái mê buồng máy
Có 5 cô gái đã được Cục Hàng hải VN trao Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên nữ đầu tiên của VN từ năm 2021 đến nay. Rào cản cuối cùng để họ bước chân lên những con tàu viễn dương đã không còn. Hứa Nguyễn Hoài Thương, nữ sĩ quan máy tàu viễn dương đầu tiên mà tôi gặp cách đây 3 năm, vừa thông báo ngày nhập tàu ngay dịp Tết Nguyên đán 2024. Cô gái 25 tuổi, quê Bạc Liêu, dù nhí nhảnh nhưng không giấu được xúc động: "Em chưa dám nói với ba mẹ, 3 năm đi tàu thì em có 2 cái tết tàu rồi đó". Vượt qua kỳ Cadet (thực tập sĩ quan), Thương hiện là sĩ quan máy 4, Công ty cổ phần thương mại Trung Á, TP.HCM.Lê Nguyễn Bảo Thư với mục tiêu trở thành nữ thuyền trưởng tàu viễn dương đầu tiên ở VN
NVCC
Hứa Nguyễn Hoài Thương, nữ sĩ quan máy tàu viễn dương đầu tiên của VN
NGỌC DƯƠNG
"Chọn nghề là chấp nhận hết thảy"
Trong một lần tình cờ gặp mặt với sinh viên ngành máy tàu, Hoài Thương có dịp trò chuyện với Lê Võ Thục Quyên, 24 tuổi, quê H.Bình Chánh, TP.HCM. Quyên chia sẻ: "Mình tốt nghiệp vào tháng 4.2023. Dù mình tìm việc làm và nộp hồ sơ cho rất nhiều công ty, nhưng công việc bên máy tàu biển có tính chất nặng nhọc nên nhiều công ty hàng hải e ngại khi chọn nữ. Thời gian đó mình rơi vào khủng hoảng, nghĩ là sẽ không kiếm được việc đúng chuyên ngành mình học, có lẽ phải đi học một ngành khác để tìm việc". Nhưng may mắn, vào tháng 6.2023, Quyên nhận được cuộc gọi đầu tiên từ Công ty NS United Kaiun Kaisha Ltd (NSU) của Nhật báo nhận phỏng vấn. Họ bảo cô chuẩn bị thật kỹ từ kiến thức chuyên ngành đến tiếng Anh. "Đó là một công ty có tiếng và lâu đời tại Nhật Bản chuyên chở mặt hàng quặng, tàu capesize lớn tầm từ 20 - 40 vạn tấn. Và mình được nhận thực tập sĩ quan máy trên tàu từ 12.10.2023. Tháng 2.2024, mình có hải trình đi để thi tiếp chức danh sĩ quan máy 3 với mức lương 3.200 USD/tháng. Hiện tại, mình nhận mức lương 700 USD/tháng trong 12 tháng thực tập", Quyên nói. Lý do khiến các công ty vận tải biển e ngại khi nhận nữ là gì? "Cái cờ lê vặn siết ốc của máy chính có thể nặng đến 20 kg. Hay như cái tạ để mở máy lọc nặng 20 - 30 kg, con gái vác không nổi đâu. Việc ở khoang máy rất nặng nhọc. Cụ thể, máy trưởng quản lý chung, máy 2 phụ trách máy chính, máy đốt rác, máy phân ly dầu nước. Máy 3 coi máy đèn (phát điện), quản lý dầu đốt, dầu nhớt, nồi hơi; máy 4 làm các loại bơm, máy lọc, máy nén khí. Cho nên dù là nữ, các bạn đều phải giỏi chuyên môn, xốc vác công việc nặng nhọc ấy thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc", thủy thủ Phan Ngọc Long (31 tuổi), quê TP.HCM, cho biết. Vậy động lực nào để những cô gái "chân yếu tay mềm" ấy tiếp tục bám biển? Quyên tâm tình: "Tuổi trẻ của tụi em rất ngắn, em muốn trải nghiệm để sau này không có gì hối tiếc. Tiếc nhất khi học hàng hải mà lại không đi tàu".Thục Quyên lần đầu đón tết trên tàu trong kỳ thực tập sĩ quan
NVCC
Hoài Thương hiện là sĩ quan máy 4 trên tàu viễn dương
NVCC
Hoài Thương và Bảo Thư - hai nữ thuyền viên đầu tiên của Việt Nam tình cờ gặp nhau tại Hàn Quốc ngày 30 Tết Nguyên đán 2024
NVCC
Một sĩ quan thuyền viên người Nhật hướng dẫn Quyên trong kỳ đi Cadet
NVCC
Theo Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), số lượng thuyền viên nữ trên toàn thế giới chỉ chiếm từ 1,2% lực lượng đi biển trên thế giới (trên 1,2 triệu thuyền viên). Hầu hết phụ nữ đi biển đều đến từ các quốc gia phát triển. Viện Hàng hải (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) dẫn nghiên cứu: Ở đội tàu châu Âu, tỷ lệ phụ nữ tham gia làm việc trên tàu chiếm khoảng 5%, trong khi ở Đông Nam Á tỷ lệ này nhỏ hơn, 0,5%. Ngay cả ở Philippines, quốc gia cung cấp thuyền viên nhiều nhất cho đội tàu thương mại thế giới, tỷ lệ phụ nữ làm việc trên tàu cũng chỉ là 225 người/230.000 thuyền viên.
Thanhnien.vn
Nguồn
Bình luận (0)