Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Động thái của Trung Quốc khi Harvard bị cấm tuyển sinh viên quốc tế

(Dân trí) - Theo số liệu của Văn phòng Sinh viên Quốc tế Harvard, sinh viên quốc tế chiếm tới hơn 25% tổng số sinh viên của Harvard, trong đó, sinh viên Trung Quốc là nhóm đông nhất.

Báo Dân tríBáo Dân trí26/05/2025

Sinh viên Trung Quốc tại Mỹ không dám về nước nghỉ hè

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố khẳng định sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của du học sinh và học giả Trung Quốc đang sinh sống và học tập ở nước ngoài.

Động thái này được thực hiện ngay sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định cấm Đại học Harvard tuyển sinh viên quốc tế. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là quốc gia có lượng sinh viên lớn nhất tới Mỹ du học.

Anh Jiang Fangzhou (30 tuổi) là một nghiên cứu sinh người Trung Quốc đang theo học tại Trường Harvard Kennedy của Đại học Harvard. Anh Jiang cho biết bản thân cảm thấy "choáng váng" khi biết rằng tình trạng cư trú của mình đang phải đối diện với những nguy cơ. "Tôi đã sững người. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mọi chuyện lại có thể đi xa đến vậy", anh Jiang chia sẻ.

Các trường đại học danh tiếng của Mỹ như Harvard, Princeton hay Yale từ lâu đã là những cái tên quen thuộc với tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc.

Nhiều người xem việc học tập tại những trường này là con đường tiếp cận với chất lượng giáo dục đẳng cấp, giúp họ có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn khi trở về nước, đặc biệt khi thị trường việc làm tại Trung Quốc đang cạnh tranh rất khốc liệt.

Theo ghi nhận của truyền thông Mỹ, nhiều sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Đại học Harvard đã hủy vé máy bay về nước và tìm kiếm tư vấn pháp lý để có thể tiếp tục ở lại Mỹ.

Năm 2024, số lượng du học sinh người Trung Quốc tại Mỹ đã giảm xuống còn khoảng 277.000 người, so với mức "đỉnh" vào khoảng 370.000 người hồi năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu là do căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và sự giám sát ngày càng chặt của chính phủ Mỹ đối với sinh viên quốc tế.

Động thái của Trung Quốc khi Harvard bị cấm tuyển sinh viên quốc tế - 1
Động thái của Trung Quốc khi Harvard bị cấm tuyển sinh viên quốc tế - 2

Khuôn viên Đại học Harvard (Ảnh:Reuters).

Anh Zhang Kaiqi (21 tuổi) - nghiên cứu sinh thạc sĩ chuyên ngành y tế công cộng - đã chuẩn bị rời Mỹ để về Trung Quốc nghỉ hè, nhưng ngay khi nghe tin về lệnh cấm, anh lập tức hủy chuyến bay. Zhang chấp nhận bỏ lỡ cơ hội thực tập tại một tổ chức uy tín ở Trung Quốc trong mùa hè này.

"Tôi khá buồn bực. Có lúc tôi còn nghĩ những gì mình đang đọc được là... tin giả, bởi tôi không tin nổi", anh Zhang chia sẻ.

Anh Zhang cho biết cộng đồng sinh viên và nghiên cứu sinh người Trung Quốc đang tích cực chia sẻ với nhau những tư vấn pháp lý. Đa số các luật sư khi được liên hệ đều khuyên sinh viên không nên rời khỏi Mỹ ở thời điểm này và chờ hướng dẫn chính thức từ trường.

Chị Zhao (23 tuổi) đã trúng tuyển chương trình đào tạo thạc sĩ tại Harvard. Zhao khẳng định sẽ vẫn du học tại Mỹ, nhưng đang cân nhắc việc tạm hoãn nhập học một năm để theo dõi tình hình, hoặc chuyển trường nếu lệnh cấm được thực thi.

"Kế hoạch cuộc sống của tôi bị đảo lộn... Ban đầu tôi định xin visa sớm, nhưng giờ tôi không biết phải làm sao nữa", Zhao chia sẻ và từ chối tiết lộ tên đầy đủ vì lý do cá nhân.

Bà Pippa Ebel - chuyên gia tư vấn giáo dục tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) - nhận định lệnh cấm đối với Harvard không hoàn toàn đóng cánh cửa du học Mỹ đối với trí thức Trung Quốc, nhưng đây có thể là động thái khiến nhiều phụ huynh quyết định cho con chuyển hướng sang các quốc gia khác.

"Đây không phải là một sự đảo chiều hoàn toàn, nhưng sẽ làm gia tăng những lo ngại của các bậc phụ huynh tại Trung Quốc", bà Ebel nhận định.

Động thái của Trung Quốc khi Harvard bị cấm tuyển sinh viên quốc tế - 3

Đại học Harvard đang trải qua cơn lao đao chưa từng thấy trong lịch sử 388 năm tồn tại của trường (Ảnh minh họa: GI).

Làn sóng "chất xám hồi hương"

Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc từng là quốc gia có số lượng sinh viên tới Mỹ du học nhiều nhất trong 15 năm liên tiếp kể từ năm 2009. Đến năm 2024, vị trí này đã thuộc về Ấn Độ.

Khi Mỹ và Trung Quốc ngày càng cạnh tranh gắt gao ở nhiều lĩnh vực để thể hiện vị thế siêu cường, mối liên hệ trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước có thể sẽ phải trải qua giai đoạn định hình lại.

Giữa bối cảnh nhiều biến động, giới trung lưu Trung Quốc đã có những thay đổi trong quan niệm về việc đi du học. Theo tờ tin tức Straits Times (Singapore), ngày càng nhiều gia đình Trung Quốc chuyển hướng cho con du học tại các quốc gia nói tiếng Anh khác như Anh, Australia hay Singapore.

Theo đánh giá của chính truyền thông Mỹ, chính sách nhập cư ngày càng siết chặt dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo ra làn sóng lo ngại mới cho hàng nghìn sinh viên quốc tế tại Mỹ, cũng như cho các trường đại học của nước này.

Trong cộng đồng sinh viên quốc tế tại Mỹ, sinh viên Trung Quốc vốn là nhóm đông nhất, chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Trong năm qua, cả truyền thông Mỹ và Trung Quốc cùng ghi nhận có một bộ phận học giả người Trung Quốc đã quyết định rời Mỹ về nước, để nhận công việc tại các trường đại học hàng đầu tại quê nhà. Đây được xem là làn sóng "chất xám hồi hương" để tránh những biến động khó lường.

Động thái của Trung Quốc khi Harvard bị cấm tuyển sinh viên quốc tế - 4

Khuôn viên Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Trung Quốc) (Ảnh: Straits Times).

Ngay sau khi Đại học Harvard bị cấm tuyển sinh viên quốc tế, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Trung Quốc) đã ra tuyên bố tiếp nhận vô điều kiện các sinh viên quốc tế đang theo học tại Đại học Harvard, cũng như những người đã nhận được thư mời nhập học từ Harvard.

Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ 66 trên bảng xếp hạng những trường đại học tốt nhất thế giới do tạp chí giáo dục Times Higher Education (Anh) đưa ra trong năm nay.

Theo tờ tin tức Straits Times (Singapore), bà Christine Choi - Bộ trưởng Giáo dục Hong Kong (Trung Quốc) - cho biết chính quyền đặc khu đã kêu gọi các trường đại học chuẩn bị phương án để "chủ động tiếp nhận" những sinh viên bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm và có nhu cầu nhập học tại xứ cảng thơm.

Theo Straits Times/The Guardian

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/dong-thai-cua-trung-quoc-khi-harvard-bi-cam-tuyen-sinh-vien-quoc-te-20250525212122303.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm