Cập nhật ngày: 22/05/2025 05:16:14
Theo UBND tỉnh, Nghị định số 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về SHTT (gọi tắt là Nghị định 65) có vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa các quy định của Luật, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và hiệu quả hơn cho hoạt động SHTT.
Xoài cát chu – sản phẩm lợi thế của tỉnh được thị trường trong và ngoài nước đón nhận
Sau gần 2 năm thi hành, Nghị định số 65 có những tác động tích cực đến hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trong công tác quản lý nhà nước về SHTT, UBND tỉnh phổ biến Nghị định sâu rộng, bằng nhiều hình thức góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp và cộng đồng nghiên cứu, về tầm quan trọng của SHTT và các quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn kịp thời và chi tiết quy trình, thủ tục liên quan đến đăng ký, quản lý và thực thi quyền SHTT, giúp các chủ thể dễ dàng hơn trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, quyền tác giả và quyền liên quan.
Đến nay, toàn tỉnh xác lập quyền thành công cho 1 chỉ dẫn địa lý (chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài), 36 nhãn hiệu chứng nhận (26 nhãn hiệu cho nông sản đặc thù, 10 nhãn hiệu mang địa danh cho dịch vụ, du lịch khác), 4 nhãn hiệu tập thể phục vụ sản xuất kinh doanh, quảng bá hình ảnh địa phương. Ngoài ra còn có một số hàng hóa đặc thù của tỉnh và địa phương đang lập thủ tục đăng ký xác lập quyền tại Cục SHTT tiêu biểu. Cụ thể như: chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen; các nhãn hiệu chứng nhận: “Sầu Riêng Cao Lãnh”, “Xoài Cù Lao Tây”, “Nhãn Châu Thành – Đồng Tháp”, “Sầu Riêng Durian Châu Thành”, “Gạo sếu Tam Nông”.
Đối với hoạt động quản lý, cho phép sử dụng địa danh để đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Quyết định số 1518 ngày 6/10/2021 của UBND tỉnh quy định tiêu chí đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho nông sản đặc thù tỉnh. Hoạt động quyền sở hữu, quyền quản lý đối với chỉ dẫn địa lý được thực hiện theo Quyết định số 1163 ngày 25/10/2022 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp tạo lập, quản lý và phát triển các chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhằm cụ thể các chính sách phát triển SHTT tại địa phương. Hiện tại, Đồng Tháp đã đăng ký xác lập quyền (bảo hộ) đối với chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài do Sở Nông nghiệp và Môi trường làm tổ chức quản lý.
Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp hướng dẫn và hỗ trợ 64 tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được Cục SHTT cấp 41 văn bằng bảo hộ giai đoạn năm 2021 – 2025.
Bên cạnh đó, nhằm phát triển các loại cây trồng đặc sản của địa phương, bản địa quý hiếm, Đồng Tháp tổ chức bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng đối với 4 loại cây giống: xoài Cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, nhãn Châu Thành (Idor) và mận Hòa An, quýt hồng; vườn cây đầu dòng Vú sữa MICA không mủ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có giống cây trồng được cấp bằng bảo hộ, vì vậy chưa phát sinh hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trong việc thực hiện bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.
Sau gần 2 năm (từ ngày 23/8/2023 đến tháng 5/2025) thi hành Nghị định số 65 cho thấy những tác động tích cực bước đầu trong việc cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành Luật SHTT sửa đổi, bổ sung. Nghị định góp phần tăng cường tính minh bạch và cụ thể hóa quy trình, làm rõ nhiều quy định về thủ tục đăng ký, quản lý và thực thi quyền SHTT, giúp các chủ thể dễ dàng hơn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ; nâng cao nhận thức về SHTT, thu hút sự chú ý và nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp về vai trò của SHTT; tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động mới được sửa đổi trong Luật SHTT, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động liên quan đến bảo vệ quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHTT; thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp tăng lên.
Bên cạnh những thuận lợi, quá trình thi hành Nghị định 65 vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Trước tình hình thực tế đó, tỉnh đưa ra một số đề xuất, kiến nghị. Đối với các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về SHTT cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc ban hành và hướng dẫn áp dụng các văn bản pháp luật về SHTT, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất trên phạm vi cả nước. Xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu về SHTT, ứng dụng các công nghệ hiện đại (AI, big data) trong giám sát, phát hiện và xử lý hành vi xâm phạm quyền trên môi trường số. Đồng thời xây dựng các sàn giao dịch tài sản trí tuệ, hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ, kết nối giữa chủ sở hữu quyền với các nhà đầu tư và doanh nghiệp có nhu cầu khai thác.
Về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng cần tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về pháp luật SHTT, kỹ năng phát hiện và xử lý vi phạm cho đội ngũ cán bộ thực thi.
Bên cạnh đó, tỉnh đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả và thường xuyên giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống xâm phạm quyền SHTT; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và các quốc gia có hệ thống SHTT phát triển để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi các mô hình quản lý và thực thi hiệu quả…
Y DU
Nguồn: https://baodongthap.vn/kinh-te/don-bay-tu-hoat-dong-so-huu-tri-tue-131616.aspx