Sáng 7/10/2024, giờ địa phương (chiều 7/10, giờ Hà Nội), tại Điện Elysee ở thủ đô Paris, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ đón trọng thể do Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron chủ trì. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quan hệ song phương, nhất là sau khi hai nước đã nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Việc Tổng thống Pháp lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du khu vực của mình thể hiện rõ sự ưu tiên chiến lược và tầm quan trọng sâu sắc mà Pháp dành cho mối quan hệ song phương với Việt Nam. Vị thế của Việt Nam là đối tác ASEAN đầu tiên và duy nhất thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Pháp càng củng cố điều này. Đồng thời, đây cũng là một bước đi quan trọng trong việc triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp, qua đó khẳng định vai trò then chốt của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Pháp tại khu vực.
Pháp là nước EU đầu tiên có quan hệ ở mức cao nhất với Việt Nam
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/4/1973; trước đó, Pháp đã mở cơ quan đại diện tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Hiệp định Geneva năm 1954 với tư cách là Phái đoàn.
Kể từ đó, quan hệ 2 nước Việt Nam-Pháp có những bước phát triển tích cực. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Mitterand vào tháng 3/1993 đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong quan hệ với Việt Nam, nhất là trong các chiến lược, chính sách mà Pháp triển khai tại Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Đỗ Quốc Sam và Bộ trưởng Tài chính Pháp Edmond Alphandéry ký Nghị định thư tài chính 1993 giữa 2 chính phủ hai nước, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải (Paris, 8/11/1993). (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)
40 năm sau ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Pháp nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 9/2013). Dấu mốc này đã tạo đà đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.
Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao, nổi bật là chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (năm 2002), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2013), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 3/2018); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 4/2019); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 11/2021); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm chính thức Pháp (tháng 10/2024).
Trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Pháp, sáng 4/11/2021, tại Điện Élysée, Thủ đô Paris, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Các chuyến thăm Việt Nam của các nhà lãnh đạo Pháp bao gồm: Tổng thống Pháp François Hollande (năm 2016); Thủ tướng Pháp Édouard Philippe (tháng 11/2018); Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher (tháng 12/2022); Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Pháp Olivier Becht (tháng 3/2023); Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu dự Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5/2024)…
Tháng 10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm chính thức Pháp và hai nước đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Pháp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện; Pháp trở thành nước EU đầu tiên có quan hệ ở mức cao nhất với Việt Nam.
Ngoài ra lãnh đạo cấp cao hai nước cũng thường xuyên gửi thư và điện đàm như: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne (ngày 28/11/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm cấp cao với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (ngày 20/10/2023)…
Trưa 7/10/2024, giờ địa phương (tối 7/10, giờ Hà Nội), tại Điện Elysee ở thủ đô Paris, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo chung. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN )
Năm 2023, hai nước tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (12/4/1973-12/4/2023) và 10 năm Ngày thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược (2013-2023). Có thể kể đến như: Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội; triển lãm 3D về Quốc Tử Giám, sự kiện Dạo quanh nước Pháp với các gian hàng ẩm thực, giao lưu, trải nghiệm; triển lãm về nước Pháp; công chiếu vở nhạc kịch "Hoàng tử bé"; tổ chức cuộc thi thời trang, hội thảo ở các trường đại học Việt Nam để nhấn mạnh tầm quan trọng mối quan hệ hai nước, trình chiếu ánh sáng tại Huế…
Hai nước cũng duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp, nổi bật như: Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng giữa hai Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp, do Bộ Ngoại giao chủ trì; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại thương Pháp đồng chủ trì; Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Quốc phòng.
Hai nước duy trì nhiều cơ chế hợp tác song phương đa dạng; phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế.
Hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực
Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Hà Lan, Đức, Anh và Italy), kim ngạch thương mại năm 2024 đạt 5,42 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2023 (4,81 tỷ USD).
Pháp đứng thứ 16/147 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 700 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,95 tỷ USD; Việt Nam có 20 dự án đầu tư tại Pháp với tổng vốn đăng ký đạt 38,93 triệu USD.
Cảng Quốc tế Gemalink (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép-Thị Vải, do Công ty Cổ phần Gemadept (Việt Nam) góp 75% và Tập đoàn CMA-CGM (Pháp) góp 25% vốn đầu tư. (Ảnh: TTXVN phát)
Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp (từ năm 1993-2022, cung cấp và cho vay ưu đãi 16,7 tỷ EUR; trung bình 100 triệu EUR/năm, tập trung vào các lĩnh vực là cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp xanh và tài chính…).
Về hợp tác an ninh-quốc phòng, Pháp là nước phương Tây đầu tiên có tùy viên quốc phòng tại Việt Nam (1991). Từ năm 1997, hai bên tổ chức Đối thoại chiến lược và hợp tác quốc phòng thường niên và luân phiên.
Năm 2018, hai nước ký Thỏa thuận sửa đổi hợp tác Việt-Pháp trong lĩnh vực quốc phòng và Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2028.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hội đàm với Bộ trưởng Quân đội Cộng hòa Pháp Sébastien Lecornu thăm chính thức Việt Nam (5/5/2024). (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Hợp tác khoa học công nghệ được thực hiện thông qua các dự án do Quỹ Đoàn kết Ưu tiên (FSP) của Pháp tài trợ. Hai nước đã ký Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác khoa học và công nghệ (3/2007); Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình (11/2009).
Về hợp tác nông nghiệp, Việt Nam và Pháp đã ký Thỏa thuận về hợp tác nông nghiệp giữa hai Bộ Nông nghiệp (12/2023); Thỏa thuận khung hợp tác khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp và phát triển nông thôn với Trung tâm hợp tác quốc tế vì sự nghiệp phát triển (CIRAD) 2024-2028 (9/2023).
Về hợp tác giáo dục-đào tạo, hai bên đang triển khai một số dự án trọng điểm như: Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV), Trung tâm đào tạo về quản lý Việt-Pháp (CFVG), Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH); ký Thỏa thuận liên Chính phủ về hợp tác giáo dục (10/2024).
Hợp tác địa phương là nét đặc thù trong quan hệ Việt Nam-Pháp từ những năm 1990. Cho đến nay, hai nước đã phối hợp tổ chức thành công 12 kỳ họp luân phiên tại Pháp và Việt Nam (lần gần nhất tại Hà Nội tháng 4/2023).
Hiện nay, cộng đồng người Việt tại Pháp có khoảng 350.000 người, gồm nhiều thành phần và phần lớn đã vào quốc tịch Pháp, hòa nhập tốt với xã hội và có truyền thống lâu đời và gắn bó với đất nước.
Mở ra những cơ hội hợp tác thực chất và hiệu quả
Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thể hiện sự coi trọng và cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao Pháp đối với việc củng cố và phát triển quan hệ với Việt Nam, đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện đi vào thực chất và hiệu quả. Đây là cơ hội tuyệt vời để lãnh đạo hai nước cùng thống nhất những bước đi mới để cụ thể các khuôn khổ đã định ra trong Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Nhiều lĩnh vực, dự án cụ thể đang được hai bên bàn thảo sâu để thúc đẩy các ưu tiên kinh tế-thương mại-đầu tư, tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế. Việc ký kết các thỏa thuận hợp tác mới trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ tạo động lực và cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động hợp tác giữa hai nước những năm tới.
Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thực hiện nghi thức cắt băng khai trương Viện Pháp Việt Nam tại Hà Nội (8/12/2022). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Chuyến thăm còn là dịp để tăng cường tin cậy chính trị ở cấp cao nhất giữa hai bên, gửi đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của Việt Nam và Pháp trong việc hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Chuyến thăm cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường trao đổi văn hóa và hữu nghị truyền thống giữa nước.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Pháp tới Việt Nam chắc chắn sẽ mang lại nhiều điểm nhấn quan trọng. Nổi bật nhất là việc hai bên sẽ cùng thông qua các văn kiện nhằm cụ thể hóa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, đặc biệt là việc mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, năng lượng và quốc phòng. Các văn kiện này không chỉ cụ thể hóa những cam kết cấp cao mà còn định hình một lộ trình hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai nước trong giai đoạn tới.
Trên cơ sở các văn kiện và kế hoạch hành động được thông qua, chuyến thăm này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác thực chất và hiệu quả hơn nữa trong các lĩnh vực ưu tiên mà chúng ta đã xác định, bao gồm quốc phòng, an ninh, năng lượng và giao thông.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng tin tưởng sâu sắc rằng chuyến thăm sẽ tạo ra một động lực chính trị mạnh mẽ, không ngừng củng cố lòng tin chiến lược, tăng cường sự hiểu biết sâu sắc và làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước. Đây chắc chắn sẽ là một dấu mốc quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn nữa của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Pháp trong tương lai./.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn-ga Hà Nội) vay vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) và Chính phủ Pháp (DGT), được công ty Systra của Pháp tư vấn thiết kế. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
(Vietnam+)
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/dua-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-phap-di-vao-thuc-chat-hieu-qua-post1039976.vnp
Bình luận (0)