Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đừng khoe ảnh CCCD trên VNeID kẻo mất tiền như chơi

Trào lưu đăng ảnh CCCD điện tử sau khi cập nhật địa chỉ mới trên VNeID đang vô tình đẩy nhiều người vào bẫy lừa đảo, mất dữ liệu, mất cả tiền.

Báo Khoa học và Đời sốngBáo Khoa học và Đời sống03/07/2025

Sau đợt cập nhật thông tin về nơi thường trú mới trên ứng dụng VNeID, nhiều người dùng hào hứng khoe ảnh căn cước công dân gắn chip phiên bản điện tử lên mạng xã hội. Tuy nhiên, theo cảnh báo từ cơ quan chức năng và giới chuyên gia, hành động tưởng chừng vô hại này lại tiềm ẩn rủi ro lớn về an toàn dữ liệu và an ninh mạng.

Từ trào lưu tự hào đến cạm bẫy lộ thông tin

Gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, không khó để bắt gặp hàng loạt người dùng chia sẻ hình ảnh chụp màn hình CCCD điện tử trên VNeID sau khi cập nhật thông tin về nơi ở mới.

Không ít người đã chia sẻ ảnh chụp màn hình giao diện VNeID “không che” lên mạng xã hội. Điều này đồng nghĩa tất cả dữ liệu cá nhân như nơi sinh, quê quán, nơi thường trú, tạm trú, nơi ở hiện tại, đặc điểm nhận dạng, ngày cấp căn cước… đều lộ diện hoàn toàn. Từ những thông tin đó, các đối tượng xấu có thể dễ dàng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Anh Đ.V.A (Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy nhiều người khoe CCCD có địa chỉ mới, nên cũng chụp ảnh CCCD của mình đăng lên Facebook. Không ngờ bạn bè vào bình luận nhắc phải xoá ngay vì có thể bị lộ thông tin”.

1.png

Hào hứng chia sẻ ảnh căn cước công dân trên VNeID sau sáp nhập địa giới, có thể biến bạn thành miếng mồi ngon của kẻ lừa đảo. (Ảnh: Báo Lao động)

Theo Công an tỉnh Tiền Giang, hiện tại có rất nhiều ứng dụng cho vay tiền online chỉ cần chụp hình ảnh CCCD (hay CMND) hai mặt là có thể được giải quyết hợp đồng vay tiền và giải ngân một cách nhanh chóng. Vì vậy mà các đối tượng khác thường tìm cách lấy thông tin cá nhân của người khác, sau đó chụp ảnh và gửi vào những ứng dụng này để vay tiền nhằm mục đích chiếm đoạt.

Các app cho vay tiền online này có ưu điểm là thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, nhưng có nhược điểm lớn nhất đó là bỏ qua khâu xác minh chính chủ, hoặc có xác minh nhưng quá trình xác minh rất sơ sài, từ đó tạo sơ hở và kẽ hở cho những đối tượng khác có cơ hội để chiếm đoạt tiền thông qua hợp đồng vay.

Cũng đã có rất nhiều người bị lợi dụng sử dụng hình ảnh CCCD (hay CMND) hai mặt để đăng ký thuê bao trả sau của các nhà mạng, sau đó thực hiện những cuộc gọi quốc tế, hoặc thực hiện các cuộc gọi trong nước một cách vô tội vạ.

Hiện nay có rất nhiều công ty ảo hoạt động không có nhân viên thường mua lại ảnh CMND/CCCD của người khác đăng ký mã số thuế ảo cho nhân viên công ty nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Cũng có nhiều công ty chọn hình thức ra thông báo tuyển dụng nhân sự không giới hạn số lượng với mức lương cao để thu hút người khác nộp hồ sơ xin việc, nhưng cuối cùng thì họ đều thông báo không trúng tuyển, sau đó lấy ảnh CMND/CCCD của người xin việc đó dùng để đăng ký mã số thuế ảo…

Trào lưu này cũng khiến một số người bị lừa đảo theo một hình thức tinh vi hơn: đối tượng mạo danh công an, cơ quan quản lý dân cư gọi điện thông báo “cần xác minh lại địa chỉ thường trú”, từ đó yêu cầu người dùng cung cấp thông tin hoặc cài đặt phần mềm gián điệp giả mạo “ứng dụng hỗ trợ VNeID”.

Một khi người dùng bấm vào đường link được gửi, điện thoại có thể bị cài mã độc, đánh cắp dữ liệu và thông tin đăng nhập vào tài khoản ngân hàng, mạng xã hội hoặc email.

Chuyên gia nói gì?

Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Nghiên cứu Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, việc người dùng hào hứng chia sẻ hình ảnh căn cước công dân lên mạng xã hội sau khi được cập nhật về nơi thường trú mới theo địa giới hành chính mới có thể tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân.

Với sự phát triển của công nghệ nhận diện hình ảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các hệ thống có thể tự động phân tích ảnh và thu thập thông tin từ hình ảnh, từ đó có được thông tin về địa chỉ, thậm chí cả số căn cước của người dùng nếu không che kỹ. Các dữ liệu này có thể được sử dụng để xây dựng hồ sơ cá nhân, phục vụ cho việc giả mạo, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hoặc mạo danh làm các giấy tờ giả.

Ông Vũ Ngọc Sơn cũng khuyến cáo tuyệt đối không đăng ảnh căn cước, bằng lái, thẻ ngân hàng… lên mạng. Hãy che kỹ các thông tin như số căn cước, địa chỉ, mã QR. Đồng thời, nên kiểm tra kỹ các quyền riêng tư khi đăng bài và luôn cảnh giác với các liên hệ bất thường sau khi thông tin bị lộ lọt.

3.png

Người dân nên cẩn trọng khi chia sẻ thông tin quê quán mới, CCCD trên mạng xã hội.

Công an quận 12 TP Hồ Chí Minh đã đưa ra một số kiến nghị đối với người dân như: Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD trên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin CCCD cho những dịch vụ không thiết yếu, các dịch vụ không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Không cho người khác mượn CCCD nếu không có mục đích chính đáng.


Khi mất CCCD, công dân cần trình báo lên cơ quan chức năng để báo mất và làm lại giấy tờ. Đồng thời phòng ngừa trường hợp số CCCD bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật thì có căn cứ để chứng minh bản thân không có liên quan đến các giao dịch dân sự đó.

Trong trường hợp bị lừa lấy thông tin CMND/CCCD để đi vay tiền thì người dân cần nhanh chóng thông báo với đơn vị cho vay, đồng thời liên hệ đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ nhanh nhất. Còn trường hợp bị các đối tượng khác lợi dụng lấy số CMND hay số thẻ CCCD để đi đăng ký mở tài khoản ngân hàng hay đăng ký thuê bao trả sau thì người dân cũng cần nhanh chóng liên hệ đến ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ…

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, việc sử dụng các ứng dụng điện tử để lưu trữ và quản lý thông tin cá nhân đã trở nên phổ biến. Trong đó, VneID ứng dụng chính thức do Chính phủ triển khai đang là nền tảng xác thực danh tính điện tử quan trọng, tích hợp nhiều tiện ích phục vụ công dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu chia sẻ ảnh chụp màn hình từ VNeID, đặc biệt là phần hiển thị thông tin địa chỉ mới, như một cách thể hiện rằng mình là “công dân của đơn vị hành chính mới”. Hành vi tưởng chừng vô hại này lại tiềm ẩn rủi ro lớn về an toàn thông tin cá nhân và hệ quả pháp lý không nhỏ nếu bị kẻ xấu lợi dụng.

Theo quy định tại Luật An ninh mạng, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Căn cước công dân (CCCD) là tài liệu chứa thông tin định danh cá nhân nhạy cảm: họ tên, số định danh, ngày sinh, ảnh chân dung, mã QR, địa chỉ thường trú... Người dân có quyền chia sẻ dữ liệu cá nhân của mình tuy nhiên phải chịu trách nhiệm về việc công khai đó, nhất là trong môi trường mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc người dân công khai ảnh chụp Căn cước công dân trên ứng dụng VNeID lên mạng xã hội có thể vi phạm quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, tùy thuộc vào nội dung và cách thức chia sẻ. Khi hình ảnh CCCD được đăng tải công khai, người dùng có thể vô tình tạo điều kiện để các đối tượng xấu khai thác, giả mạo danh tính, đăng ký vay tiền online, mở tài khoản ngân hàng hoặc thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thực tế đã có nhiều vụ lừa đảo khởi nguồn từ những thông tin tưởng như “vô hại” bị lộ trên Facebook, Zalo hoặc các nền tảng mạng xã hội khác.

6.png

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội).


Việc người dùng bị kẻ xấu lợi dụng nội dung trên Căn cước công dân để giả mạo, đánh cắp tài khoản hoặc chiếm đoạt tài sản của người khác thì khi đó người dùng là nạn nhân không phải đồng phạm hay người tiếp tay. Do đó, nếu không có dấu hiệu cố ý hoặc lỗi nghiêm trọng từ phía chủ tài người dùng thì người này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay dân sự về hành vi lừa đảo do kẻ gian thực hiện. Mặt khác, dù là chia sẻ dữ liệu cá nhân của chính mình nhưng nếu việc đăng tải thiếu cẩn trọng, không che mờ thông tin nhạy cảm, dẫn đến hệ lụy cho chính mình hoặc người khác thì có thể bị xem là không tuân thủ nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP. Người dùng có thể bị xem xét trách nhiệm dân sự gián tiếp theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Bên cung cấp nền tảng sẽ không phải chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung người dùng tự đăng tải, nếu đã có cơ chế cảnh báo và công cụ kiểm duyệt theo đúng quy định. Tuy nhiên, nếu nền tảng không gỡ bỏ kịp thời nội dung vi phạm khi được cảnh báo hoặc dung túng cho việc phát tán dữ liệu cá nhân trái phép thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP.

Trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, người dân tuyệt đối không nên đăng tải ảnh CCCD, mã QR, hoặc dữ liệu điện tử từ VNeID lên mạng xã hội, dù chỉ với mục đích chia sẻ thông tin cá nhân hay theo trào lưu. Nếu buộc phải gửi CCCD qua mạng để làm thủ tục hành chính hoặc hồ sơ online, người dùng nên che mờ thông tin định danh không cần thiết; sử dụng hình thức gửi qua email, ứng dụng bảo mật thay vì đăng công khai; theo dõi tài khoản ngân hàng, tín dụng, ví điện tử để phát hiện sớm các giao dịch bất thường. Ngay khi nhận thấy tài khoản bị chiếm đoạt, người dùng cần có một số hành động để ngăn chặn thiệt hại cho bản thân và người khác cũng như để bảo vệ vị trí pháp lý của mình. Người dùng cần báo cáo về việc tài khoản của mình bị xâm phạm. Việc này giúp các trang mạng xã hội sẽ khóa tạm thời tài khoản để tránh kẻ gian tiếp tục sử dụng. Đồng thời, quay video lại các dấu hiệu bất thường như email giả mạo, thông báo đăng nhập lạ, tin nhắn lừa đảo gửi từ tài khoản của mình… bằng cách quay video, chụp màn hình. Những bằng chứng này rất quan trọng nếu xảy ra tranh chấp hoặc cần tố giác hành vi phạm tội. Dùng tài khoản khác hoặc nhờ người quen thông báo rộng rãi rằng tài khoản đã bị hack, đồng thời khuyến cáo mọi người không chuyển tiền, không cung cấp mã OTP hoặc thông tin cá nhân nếu nhận tin nhắn đáng ngờ. Liên hệ và trình báo sự việc với công an địa phương để được tiếp nhận, điều tra và xử lý theo quy định pháp luật. Sau khi lấy lại quyền truy cập, người dùng nên thay đổi mật khẩu mạnh, kiểm tra và đăng xuất khỏi tất cả các thiết bị lạ để đảm bảo an toàn cho tài khoản. Trong trường hợp tài khoản bị sử dụng để lừa đảo hoặc phát tán nội dung trái pháp luật, cần phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm, tránh gây thiệt hại cho người khác.

Trước thủ đoạn lừa đảo liên quan đến VNeID, Bộ Công an đã đưa ra khuyến cáo: Người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android).

Ứng dụng VNeID trên App Store: https://apps.apple.com/vn/app/vneid/id1582750372?l=vi

Ứng dụng VNeID trên CH Play: https://play.google.com/store/apps/details?id=com.vnid&hl=vi&pli=1

Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/dung-khoe-anh-cccd-tren-vneid-keo-mat-tien-nhu-choi-post1552032.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm