Lễ hội Hoa sim biên giới 2025
Hải Sơn có cảnh quan tuyệt sắc cùng những giá trị đặc biệt như: Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn, Làng bích họa rực rỡ giữa núi rừng Đông Bắc, thác 72 gian - hồ Tràng Vinh, Núi Panai, Mã Thầu Sơn, Đồi Sim và nhiều nét văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc, nghệ thuật ẩm thực đặc biệt, trò chơi dân gian độc đáo... của đồng bào dân tộc nơi đây mà chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tinh thần cần cù lao động vượt khó vươn lên của đồng bào, đời sống vật chất tinh thần của người dân Hải Sơn đã đổi thay vượt bậc. Bà con tích cực phát triển kinh tế, trong đó có du lịch, dịch vụ. Và Lễ hội hoa sim biên giới qua bốn lần tổ chức càng là cơ hội để bà con tham gia làm kinh tế du lịch và hoàn thiện nhanh các dịch vụ phục vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại nhưng vẫn mang những đặc trưng và phát huy tốt bản sắc văn hóa vùng đồng bào, tạo dấu ấn khác biệt, nổi trội trong hành trình du lịch Móng Cái.
Kể từ năm 2022, Lễ hội Hoa sim biên giới chính thức được tổ chức, gắn với các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại xã Hải Sơn. Qua đó, không chỉ góp phần quảng bá vùng đất thiêng nơi chiến sĩ, đồng bào là cột mốc sống của lòng dân, cột mốc sống văn hóa Việt nơi biên cương Tổ quốc, mà còn là cách đưa đồng bào nơi đây tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con. Đồng thời, đây còn là hoạt động để Móng Cái tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển khu du lịch quốc gia Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh.
Đến với lễ hội Hoa sim biên giới, du khách sẽ được hòa mình vào các hoạt động văn hóa đặc sắc, phong phú đậm đà bản sắc dân tộc, các hoạt động trải nghiệm du lịch cộng đồng và đặc biệt có cơ hội thưởng thức các món ăn đặc sản của đồng bào vùng cao người Dao, người Sán Chỉ như: Khau nhục, thịt gà, vịt, ngan, dưa chua úp thảm, trám muối giềng, tàu xì, củ cải mặn...; các món bánh truyền thống như: Bánh chưng lưng gù, bánh chưng dài, bánh tro, cơm ba màu...
Các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy, tôn vinh, giới thiệu, quảng bá các hình ảnh, tiềm năng lợi thế và khai thác những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thành phố Móng Cái nói chung và UBND xã Hải Sơn, các xã miền núi biên giới nói riêng; thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Mỗi năm, lễ hội này đã thu hút hàng chục ngàn người dân và du khách tới tham dự, khẳng định giá trị của sản phẩm du lịch mới gắn với phát triển du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng xã Hải Sơn, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân nhờ du lịch.