Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giải pháp để tăng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp ở Đồng Nai

Có diện tích hơn 12,7 ngàn km2 cùng với 52 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập, đang hoạt động, tỉnh Đồng Nai mới tiếp tục là địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp của Việt Nam.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai04/07/2025

Sản xuất tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước ở Khu công nghiệp Amata. Ảnh: V.Gia

Để hướng tới phát triển bền vững, Đồng Nai đã và đang chọn lọc thu hút đầu tư, ưu tiên dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, thân thiện môi trường, đồng thời tái cấu trúc không gian công nghiệp một cách hợp lý.

Tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư vào khu công nghiệp

Thu hút đầu tư vào KCN vốn dĩ là thế mạnh của tỉnh Đồng Nai. Năm 2024, tỉnh Đồng Nai (cũ) tiếp tục duy trì tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đạt 1,45 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2023. Các doanh nghiệp (DN) trong nước đầu tư vào tỉnh hơn 138 ngàn tỷ đồng. Với tỉnh Bình Phước (cũ), năm 2024 thu hút 35 dự án FDI với tổng mức đầu tư đăng ký mới hơn 639 triệu USD, đạt gần 160% kế hoạch cũng là kết quả quan trọng.

Riêng 5 tháng đầu năm nay, tỉnh Đồng Nai (cũ) thu hút đầu tư FDI đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2024, đứng thứ 4 cả nước; tỉnh Bình Phước (cũ) thu hút FDI đạt gần 225 triệu USD với 33 dự án đầu tư và tăng vốn. Như vậy, tỉnh Đồng Nai mới thu hút trên 1,4 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Với quy mô, không gian phát triển được mở rộng, tiềm năng thu hút đầu tư, phát triển DN tại các KCN sẽ là rộng mở.

Cùng với địa phương, chủ đầu tư các KCN cũng đang mong đợi “làn sóng” mới trong thu hút đầu tư. Để sẵn sàng đón “sóng”, các KCN trên địa bàn cần phải thể hiện được sức cạnh tranh và những lợi thế của mình.

KCN công nghệ cao Long Thành (Amata Long Thành) đang được xây dựng hạ tầng, có lợi thế lớn về thu hút đầu tư các ngành nghề, dự án hiện đại. Thời gian qua, KCN này đã hợp tác, ký kết với nhiều tập đoàn lớn quốc tế đến thuê đất để xây dựng nhà máy.

Đại diện Công ty CP Đô thị Amata Long Thành (chủ đầu tư hạ tầng Amata Long Thành), ông Thái Hoàng Nam cho biết, Amata Long Thành đang sẵn sàng chào đón các DN đến đầu tư vào KCN những dự án công nghệ cao.

Theo đại diện của Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi), công ty là nhà đầu tư hạ tầng KCN lớn của Đồng Nai và các địa phương lân cận. Hiện Sonadezi còn quỹ đất trống khoảng 1 ngàn hécta tại các KCN do đơn vị đầu tư, tập trung ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), Bình Thuận (cũ). DN đang nghiên cứu, đề xuất và triển khai đầu tư một số dự án KCN, cụm công nghiệp mới với tổng diện tích dự kiến hơn 2,3 ngàn hécta để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, năm 2025, Đồng Nai đặt mục tiêu tăng trưởng từ 10% trở lên. Tỉnh sẽ xây dựng thêm các KCN mới, từ đó gia tăng thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tỉnh luôn đồng hành cùng DN, thường xuyên gặp gỡ các DN để lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn, giúp DN hoạt động hiệu quả.

Sau hợp nhất thành một tỉnh, khu vực Đồng Nai (cũ) có thêm điều kiện để di dời các KCN, cụm công nghiệp ra xa khu vực đô thị để tập trung phát triển thương mại, dịch vụ. Ngược lại, khu vực Bình Phước (cũ) có thêm cơ hội thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp với lợi thế đất đai rộng lớn; hạ tầng công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hiện đại; giao thông thuận lợi.

Tái cấu trúc dựa theo từng thế mạnh

Tỉnh Đồng Nai mới được hình thành sau hợp nhất sẽ có quy mô kinh tế, số lượng KCN lớn và tiềm năng thu hút đầu tư cũng như không gian, cấu trúc công nghiệp cũng có sự thay đổi. Do đó, điều quan trọng là tỉnh phải có sự điều chỉnh, phân bổ hợp lý để thu hút đầu tư, phát triển một cách bền vững.

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, trong thời gian tới, các KCN sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo định hướng phát triển nhóm ngành công nghiệp cơ khí, hóa chất, điện tử, công nghiệp công nghệ cao và công nghệ hỗ trợ… phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh.

Trong khi đó, KCN từng thuộc Bình Phước (cũ) ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu ngành nông nghiệp như: công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp và các ngành nghề truyền thống, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, di chuyển một số nhà máy tại các KCN truyền thống lên...

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai mới có nhiều KCN đang xây dựng hạ tầng, hoặc đã được chấp thuận đầu tư, chuẩn bị triển khai xây dựng mới để phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Tỉnh đang định hướng để tạo ra các KCN mới, phát triển chuyên ngành, công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, việc xúc tiến kêu gọi đầu tư chiều sâu nhằm để nâng giá trị gia tăng các sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ môi trường.

Tại Hội thảo Triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị (về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia) và định hướng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và quản lý tại DN do Ban Quản lý các KCN Đồng Nai tổ chức cuối tháng 5-2025, lãnh đạo tỉnh nhận định Đồng Nai đang đứng trước những cơ hội lớn để tăng tốc phát triển. Đồng Nai mong muốn các DN chủ động, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển chung.

Văn Gia

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/giai-phap-de-tang-thu-hut-dau-tu-vao-cac-khu-cong-nghiep-o-dong-nai-e4411c7/


Chủ đề: KCN

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm