Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 108/2025/NĐ-CP ngày 19/5/2025 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Nghị định số 108/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (19/5/2025).
Nghị định số 108/2025/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clanhke xi măng quy định tại Phụ lục I - Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP.
Cụ thể, từ ngày 19/5/2025, mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clanhke xi măng được giảm từ 10% xuống còn 5%. Từ ngày 1/1/2027, áp dụng mức thuế suất 10%.
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay, tổng số dây chuyền sản xuất xi măng đã đầu tư trên toàn quốc là 92 dây chuyền, với tổng công suất 122,34 triệu tấn/năm. Năm 2024, tổng sản lượng xi măng, clanhke tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn, tăng khoảng 1% so với năm 2023; trong đó, xi măng tiêu thụ trong nước khoảng 65,3 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với năm 2023; xuất khẩu đạt khoảng 29,7 triệu tấn, giảm khoảng 5% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2023, giá trị xuất khẩu ước đạt 1,136 tỷ USD, giảm 14,2% về giá trị so với năm 2023.
Hiện nay, các dây chuyền sản xuất xi măng chỉ hoạt động trung bình khoảng 77% tổng công suất thiết kế. Có 34 dây chuyền phải dừng hoạt động sản xuất từ 1 đến 6 tháng, trong đó một số dây chuyền phải dừng cả năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng thua lỗ...
Bộ Tài chính cho biết, mặt hàng clanhke và xi măng thuộc nhóm 25.23 tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, có tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 là 1,14 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng clanhke thuộc 2 mã 2523.10.10 và 2523.10.90 có mức thuế suất thuế xuất khẩu tại Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP là 10%, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 là 301,4 triệu USD.
Việc giảm thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clanhke xi măng từ 10% xuống 5% đến hết năm 2026 sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất clanhke xi măng có thời gian trên 01 năm để điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh và xử lý hàng tồn kho. Từ ngày 01/01/2027 áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 10%.
Nhu cầu tiêu thụ phục hồi, nhiều doanh nghiệp ngành xi măng vẫn chìm trong thua lỗ
Trong quý đầu năm 2025, không ít doanh nghiệp trong ngành xi măng ghi nhận doanh thuần tăng, tuy nhiên vẫn báo lỗ ròng đến hàng chục tỷ đồng.
Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (mã chứng khoán BCC) ghi nhận 771 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý đầu năm, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước nhưng doanh nghiệp này ghi nhận lỗ hơn 60 tỷ đồng (cao hơn mức lỗ cùng kỳ năm trước là 49 tỷ đồng). Điều này đưa số lỗ lũy kế của công ty lên hơn 262 tỷ đồng.
Tương tự với Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn (HNX: BTS), doanh thu đạt gần 614 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế cũng bị lỗ 28,5 tỷ đồng, giảm lỗ đáng kể so với mức lỗ gần 56 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 10 liên tiếp của doanh nghiệp này, với con số lỗ lũy kế hơn 320 tỷ đồng.
Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý 1/2025, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (MCK: HT1) ghi nhận doanh thu thuần tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức hơn 1.586,8 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động tài chính hơn 3,5 tỷ đồng, gấp 6,3 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 6,2%, lên mức hơn 70,3 tỷ đồng; còn lại chi phí bán hàng và chi phí tài chính cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ. Kết quả, doanh nghiệp báo lỗ ròng gần 9,2 tỷ đồng, mức lỗ này cải thiện hơn 62,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân (mã chứng khoán HVX) dù có doanh thu trong kỳ gần 85 tỷ đồng, tăng 55% so với quý 1/2024 nhưng vẫn thua lỗ gần 14 tỷ đồng (quý 1/2024 lỗ hơn 20 tỷ đồng).
Ngoài ra, những doanh nghiệp khác cũng ghi nhận mức lỗ trong quý đầu năm như Công ty CP Xi măng Phú Thọ; Công ty CP Xi măng Sài Sơn; Công ty CP Xi măng Quán Triều... Các doanh nghiệp xi măng nói chung đều đã có nhiều quý liên tục bị thua lỗ.
Theo lý giải của doanh nghiệp, ngành xi măng vẫn chìm trong khó khăn vì cung vượt xa cầu, giá nguyên liệu sản xuất cao và áp lực cạnh tranh gay gắt từ nguồn hàng giá rẻ nhập khẩu. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh là do doanh nghiệp không sản xuất và tiêu thụ clinker do thị trường không có nhu cầu, chi phí sản xuất cao và bất lợi về logistics.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cho rằng năm 2025 ngành xi măng có nhiều tín hiệu tốt lên, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, giao thông, thủy lợi và thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý đầu năm vẫn chưa mấy khả quan, một phần nguyên nhân đến từ tổng chi phí tăng lên, mà tập trung phần lớn ở chi phí quản lý doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong bối cảnh đầu tư công đang được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng…; với kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 dự kiến đạt 790.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2024, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xi măng được dự báo là sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2025.
Nguồn: https://baodaknong.vn/giam-thue-xuat-khau-clinker-xi-mang-de-ho-tro-doanh-nghiep-253178.html
Bình luận (0)